Tổng Hợp

[phần 1] tất tần tật về khóa học lấy chứng chỉ tesol ở hn educap

Mình dành bài viết dưới đây để kể lại chi tiết quá trình mình học chứng chỉ tesol ở Australian International TESOL – HN Educap (AIT TESOL Úc). Hy vọng rằng, nếu bạn cũng đang tìm hiểu về khóa học này, bạn sẽ có một nguồn tham khảo chân thực từ bài viết của mình.

A/ Chứng chỉ TESOL là gì?

TESOL là viết tắt của cụm từ Teaching English to Speakers of Other Languages. Đây là chứng chỉ giảng dạy Tiếng Anh dành cho giáo viên ở các nước sử dụng Tiếng anh như một ngoại ngữ. Chứng chỉ TESOL ngày càng được các giáo viên trẻ quan tâm vì hai lý do chính: TESOL là chứng chỉ mang tính quốc tế nên được công nhận rộng rãi và có giá trị trọn đời.

B/ Chứng chỉ TESOL dành cho ai?

Sinh viên học ngôn ngữ Anh hoặc các ngành khác: đã có sẵn năng lực ngôn ngữ nhưng cần chứng chỉ về sư phạm để đi dạy.

Các giáo viên đã có kinh nghiệm dạy: muốn làm mới chính mình và tìm sự “đổi gió” trong phương pháp dạy.

Bất kỳ ai muốn tìm hiểu về phương pháp dạy Tiếng anh hiện đại mang tên Activity-based method (phương pháp dạy dựa trên hoạt động). Lúc mình học, có một chị đi học để có thể về dạy Tiếng anh cho con một cách phù hợp và đúng đắn, đáng yêu thiệt ^^.

C/ Quá trình học TESOL tại Educap

BƯỚC 1: Đăng ký học

Thời gian học: Educap tổ chức khóa học vào hai khoảng thời gian: học giờ hành chính (sáng chiều từ thứ 2 đến thứ 6) hoặc học vào buổi tối (học 3 tiếng buổi tối (6h-9h) từ thứ 2 đến thứ 6). Một khóa học bao gồm 5 ngày học trực tiếp với giảng viên (nếu bạn chọn học buổi tối thì là 10 buổi học tối), một buổi sáng thi thực hành dạy (demo teaching) và khoảng 1-2 tháng tự làm bài luận ở nhà (tùy độ siêng lười của mỗi người).

Test đầu vào: nếu bạn học sẵn chuyên ngành Ngôn ngữ anh, bạn không cần thi đầu vào. Nếu bạn thuộc các ngành khác, bạn sẽ tham gia một cuộc phỏng vấn ngắn theo mô hình IELTS Speaking trong khoảng 15 phút. Mục đích chỉ cần đảm bảo bạn có năng lực nghe hiểu đủ tốt để nghe giảng và tham gia các hoạt động trong lớp (100% Tiếng anh).

Học phí: 779 $ (khoảng 18 triệu đồng). Bạn có thể đóng thành hai đợt: đóng trước 5 triệu để xác nhận tham gia, sau đó hoàn thành nốt học phí vào buổi học đầu tiên.

Tài liệu: Sau khi đăng ký và chuyển khoản học phí thành công, bạn sẽ được nhận một bộ tài liệu gồm 2 cuốn: một cuốn để ôn thi lý thuyết (Exam preparation) còn một cuốn là tài liệu sử dụng xuyên suốt trong khóa học (Manual). Có hai cách để bạn nhận tài liệu: bạn đến trực tiếp văn phòng AIT tesol để lấy hoặc nhờ văn phòng gửi grab về nhà và bạn trả phí grab.

BƯỚC 2: Đi học

Mình chọn học trong giờ hành chính là 5 buổi cả sáng cả chiều. Lớp mình khá đa dạng về lứa tuổi và vốn nghề nghiệp: có các em sinh viên mới tốt nghiệp, có các chị giáo kỳ cựu, có du học sinh và cũng có các chị học kinh tế giờ muốn chuyển sang giáo dục. Việc được tiếp xúc với nhiều anh/chị/bạn với nhiều background khác nhau khiến mình quan sát được các phong thái dạy khác nhau (một số anh/chị thật sự đỉnh), sự đa dạng bao giờ cũng tạo nên sự thú vị.

Nội dung học trải dài ở nhiều khía cạnh, bao gồm:

  • Cách tổ chức hoạt động warm-up thật ngắn gọn, sinh động và thu hút
  • Hướng xây dựng bài dạy, phương pháp dạy (teaching methodology) và các hoạt động (teaching activities) dựa trên phương pháp đã chọn.
  • Các trình độ của học viên (Beginner – Advanced) và các kỹ thuật dạy phù hợp với từng nhóm trình độ.
  • Cách lên kế hoạch bài dạy (lesson planning)
  • Phương pháp dạy các kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết, từ vựng)
  • Phương pháp quản lý kỷ luật trong lớp
  • Cách thức đánh giá kết quả học và sự tiến bộ của học viên
  • Tìm hiểu một số phương pháp dạy hiệu quả: communication activity (học qua các hoạt động giao tiếp, trao đổi), TPR approach (cách tiếp cận bài học bằng các hoạt động vận động thể chất),…
Xem thêm :  Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả

Có thể thấy, nội dung học khá bao quát và đầy đủ, song vì thời gian học trực tiếp ngắn (chỉ 5 ngày) nên các nội dung đều chỉ nằm ở mức tìm hiểu sơ lược và cho mình một phần kiến thức chung cơ bản.

Song ưu điểm của khóa học đó là bọn mình được hoạt động hết công suất và thực hành tương đối nhiều. Ngoại trừ buổi 1, từ các buổi 2 đến 5, mỗi ngày sẽ có ba người phải chuẩn bị một hoạt động warm-up và tổ chức trước thầy và các bạn trong lớp. Từ điều này, mình học hỏi được khá nhiều ý tưởng warm-up hay ho cũng như có cơ hội dạy thử phần warm-up và nghe góp ý từ thầy và cả lớp.

Bọn mình tự tổ chức các hoạt động dạy – Nguồn ảnh: FB TESOL Hà Nội

Ngoài ra, khi học đến một kỹ năng dạy, ví dụ như dạy từ vựng sử dụng flashcards, thầy sẽ làm mẫu trước, sau đó bọn mình chia nhóm luyện tập và một số bạn lên dạy thử luôn. Mọi kiến thức về kỹ năng dạy, bọn mình sẽ nhìn thầy làm một lần, rồi dựa trên cái khung cơ bản đó để phát triển, điều chỉnh theo ý muốn của mình và cuối cùng lên làm thử. Bên cạnh đó, thầy liên tục yêu cầu làm việc theo cặp, theo nhóm với các bạn khác nhau, chia sẻ ý kiến nên đi học dù mệt nhưng phải luôn cố gắng tỉnh táo để còn biết tương tác và tham gia cùng mọi người :). Có phần điểm đánh giá về mức độ hăng hái trong lớp, nên dù tính mình khá rụt rè, mình cũng cố gắng chủ động phát biểu (xung phong lên dạy thử một phần nhỏ hay nhận xét sau phần dạy thử của mọi người).

Buổi đầu tiên, thầy sẽ chia nhóm cho phần thi dạy vào cuối khóa (sau 5 buổi học). Mình có một lưu ý: đầu buổi học, thầy sẽ hỏi về background của từng người (tên, tuổi, nghề nghiệp, kinh nghiệm dạy,…) để từ đó xếp nhóm cho phù hợp. Ví dụ như mình mới ra trường, dạy cấp 1 nên chung nhóm với 3 chị cũng tương tự như vậy và khi dạy thử thì là một bài trong sách Family and Friends (bộ sách quen thuộc với học sinh tiểu học).

Trong tất cả 5 buổi, thầy sẽ cho các nhóm 1 tiếng cuối giờ để thảo luận về kế hoạch bài dạy. Với nhóm mình, bọn mình có 4 người, dạy 2 trang sách trong Family & Friends (bao gồm từ vựng và cấu trúc câu) thì bọn mình phải tìm cách chia đủ 4 phần cho 4 người cũng như lên kế hoạch bài giảng theo đúng cấu trúc đã học trong phần Lesson planning.

Phần thảo luận và chuẩn bị cho hôm thực hành dạy cần khá nhiều công sức. Vì mỗi người đều có một cá tính dạy riêng và ai cũng muốn phần dạy của mình thật tốt nên bọn mình bàn bạc khá nhiều. Nhiều lúc cũng bị ngợp trong các ý tưởng sau khi gộp tất cả ý kiến của mọi người, để rồi lại phải ngồi cùng nhau để xem giữ cái nào, bỏ cái nào. Hơn nữa, đi học cả ngày cũng đã thấm mệt, về nhà mỗi người một việc (có các chị đã lập gia đình, đang có bé mới sinh) nên thảo luận thêm vào buổi tối cũng hay bị gián đoạn. Song sau tất cả, vì mọi người đều cùng nhau cố gắng, để mình đỗ và cả nhóm cũng đỗ, nên mọi chuyện rồi cũng đâu vào đó.

Xem thêm :  Trò chơi kéo co và kỹ thuật bách chiến bách thắng mỗi trận đấu

Nếu bạn chọn đi học giờ hành chính trong 5 ngày liên tiếp (thứ 2-thứ 6), bạn nên sắp xếp công việc cá nhân trước đó vì một tuần học này sẽ tốn nhiều năng lượng. Do đó, cả tuần mình chỉ có tập trung 100% vào việc đi học ban ngày và tối về đọc tài liệu ôn thi.

BƯỚC 3: Thi lý thuyết

  • Thời gian: vào buổi chiều của ngày học thứ 5 (ví dụ: mình học khóa thứ 2-thứ 6, thì mình sẽ thi lý thuyết vào chiều thứ 6, thi thực hành dạy vào sáng thứ 7)
  • Hình thức: trắc nghiệm 40 câu, đúng 27/40 câu là ĐỖ
  • Nội dung thi: các phần trong cuốn sách Exam preparation phát vào đầu khóa học, tập trung vào các kiến thức về ngữ pháp, ngữ âm và các phương pháp dạy đặc trưng.
  • Bí quyết thi đỗ lý thuyết: đọc hiểu MỘT LƯỢT (không cần phải học thuộc) cuốn sách Exam preparation và không ngủ gật trong lớp.

Cuối mỗi buổi, thầy đều nhắc phải đọc từ chương nào đến chương nào trong cuốn Exam preparation. Thật sự là thầy ốp rất sát nên mình muốn lười cũng hơi khó. Đặc biệt là mình chỉ cần đọc hiểu chứ không phải cố học thuộc vì các câu lý thuyết trong bài thi đều tập trung vào các phần kiến thức ngôn ngữ cơ bản hoặc các kiến thức về phương pháp dạy đặc trưng được nhắc đi nhắc lại trên lớp.

BƯỚC 4: Thi thực hành dạy

Đây là phần cam go và hồi hộp nhất. Mỗi nhóm sẽ có khoảng 45 phút cho cả nhóm, nên chia ra mỗi người được tầm 10-12 phút cho phần dạy của cá nhân.

Trước hôm thi thực hành dạy, mỗi nhóm phải soạn lesson plan và đưa thầy xem để thầy góp ý. Chỉnh sửa xong thì in lại một bản chỉn chu để nộp lại vào hôm thực hành dạy.

Các lưu ý trong phần thi thực hành dạy:

Hết sức chú ý thời gian: mọi hoạt động dạy đều phải khớp với thời gian ghi trong lesson plan, cùng lắm là dôi ra 2-3 phút, còn nếu kéo dài quá 5 phút sẽ bị yêu cầu dừng và chuyển sang bạn tiếp theo. Bạn nhớ mang theo đồng hồ đeo tay hoặc nhờ đồng đội “phím” cho khi còn 5 phút cuối trước khi hết giờ.

Chú ý tương tác với “học sinh” ngồi dưới: các bạn trong khóa học sẽ đóng vai là học sinh của mình luôn khi mình dạy thử. Mọi người đều rất hỗ trợ nên mình cảm giác bớt run hơn. Song luôn ghi nhớ là chủ động tương tác với “học sinh” (đặt câu hỏi, đập tay, khen ngợi) và gọi hết tất cả mọi người, không bỏ sót ai.

Dạy 100% bằng Tiếng anh nên có thể chuẩn bị sẵn những câu hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu để dẫn dắt các hoạt động (ví dụ, everyone, now you are quiet, listen to teacher and repeat after teacher)

Kết hợp cử chỉ (Body language): không nên chỉ đứng một chỗ dạy, nên di chuyển lại gần học sinh một cách tự nhiên khi gọi phát biểu.

Luôn chú ý sử dụng các cách để kiểm tra xem học sinh hiểu chưa bằng các câu hỏi Yes/No hoặc các câu hỏi nghe hiểu (Do we throw the sticky ball on the board?, What will we do when we want to answer?,…)

Bên trên là các yếu tố chấm điểm quan trọng, ngoài ra, còn một cơ số các yếu tố khác, bạn có thể tham khảo ở mẫu đánh giá chấm điểm dưới đây nhé.

Các tiêu chí chấm điểm phần thi thực hành dạy

Trước hôm dạy demo, thầy sẽ cho 1 tiếng cuối giờ ở mỗi buổi học để các nhóm tập dạy thử. Dù học cả ngày đã mệt nhoài, nhưng bọn mình đều cố gắng luyện dạy demo nhiều lần để đảm bảo các phần dạy liên kết với nhau nuột nà và không bị lố giờ cho phép.

Xem thêm :  8 website chuyển văn bản thành giọng nói tốt nhất

Tóm lại là: Bạn chỉ cần chú ý chọn phương pháp dạy phù hợp với đối tượng học sinh, thể hiện mình nhiệt tình và tạo được một không khí học thân thiện, tương tác hai chiều (tiết học sôi nổi thì càng tốt), dạy đúng thời gian cho phép là đã đảm bảo có kết quả đủ tốt để vượt qua phần thi này.

Thầy Simon và team của mình

BƯỚC 5: Làm Key Subjects

Đầu khóa học, mình sẽ được chọn 2 trong 18 key subjects về các khía cạnh khác nhau: dạy mầm non, dạy tiểu học, trẻ vị thành niên, người lớn, dạy các kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), dạy ngữ pháp/từ vựng, IELTS & TOEFL hoặc dạy Tiếng anh chuyên ngành (kinh doanh/dịch vụ).

Mỗi chuyên đề sẽ gồm 17 đến 22 câu hỏi liên quan, bạn phải trả lời tất cả các câu hỏi đó, mỗi câu trả lời dài từ 200-250 từ, có thể viết thành đoạn hoặc gạch đầu dòng. Sau đó, soạn 2 giáo án (trong 45 phút và 60 phút) với chủ điểm tự chọn phù hợp với chuyên đề. Cuối cùng, liệt kê 5 hoạt động phù hợp với mục đích dạy và đối tượng dạy trong chuyên đề mình chọn.

Các điều cần lưu ý:

  • Trình bày theo đúng form văn phòng gửi
  • Không đạo văn quá 30% và phải ghi nguồn (references) với các tài liệu mình đọc tham khảo
  • Thời gian viết: 2 tháng cho 2 chuyên đề
  • Viết chuyên đề là khoảng thời gian cũng khá mệt nếu bạn đang đi làm full time. Nhiều hôm đi làm về, mắt sụp cả xuống rồi, mình vẫn phải cố mở lap lên để kỳ cạch gõ câu trả lời
  • Nếu bạn quá bận và không kịp viết, bạn có thể gửi mail đến văn phòng để gia hạn deadline thêm 2 tuần. Sau 2 tuần gia hạn mà bạn vẫn chưa làm xong, bạn sẽ phải viết một email giải trình và quá trình này thì rất lằng nhằng. Do đó, hãy cố gắng hoàn thành bài Key subjects trong 2 tháng và cùng lắm là thêm 2 tuần nhé.
  • Bạn càng viết xong sớm thì càng sớm được nhận chứng chỉ.

BƯỚC 6: Nộp bài và nhận chứng chỉ

Sau khi nộp bài, bạn sẽ nhận được 1 email từ văn phòng xác nhận nộp bài thành công. Kết quả sẽ được thông báo qua email sau 10 ngày làm việc tính từ khi bạn nộp bài. Kết quả chỉ ghi là ĐỖ hoặc KHÔNG ĐỖ và nhận xét chung chứ không có điểm số cụ thể.

Nếu bạn không thể đến văn phòng lấy chứng chỉ, bạn có thể nhờ văn phòng gửi Grab về tận nhà/cơ quan và bạn trả phí ship.

Chứng chỉ về tay sau 2 tháng ròng rã

Taddaaa! Vậy là mình đã viết xong về các chặng của quá trình từ lúc bắt đầu học cho đến lúc lấy được chứng chỉ về tay. Hy vọng rằng, bài viết này sẽ cũng cấp cho bạn các thông tin hữu ích để đưa ra một lựa chọn đúng đắn.

Cảm ơn bạn vì đã đọc đến đây. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn cứ comment nhé, mình luôn ở đây để trả lời ^^

Bài viết PHẦN 2: Có nên bỏ 18 TRIỆU để học chứng chỉ giảng dạy TESOL? . Đây là bài viết mình chia sẻ cảm nhận của cá nhân sau khi học (cả ưu và nhược điểm) cũng như điều mình đã thực sự có được (bên cạnh kiến thức) từ khóa học “đắt đỏ” này.

Khoảnh khắc bung lụa tung tẩy xả hơi sau khi thi xong phần thực hành dạy


TESOL TKT TEFL CELTA TESL LÀ GÌ? – Chứng chỉ nghiệp vụ Sư Phạm Tiếng Anh (Nước Ngoài)| MEnglish2019


Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp

Related Articles

Back to top button