Tổng Hợp

Rằm tháng giêng thơ hồ chí minh

rằm tháng giêng thơ Hồ Chí Minh

28 tháng 2, 2018

Rằm tháng Giêng thơ

Phúc An tổng hợp tất cả các bài bình thờ Rằm tháng Giêng hay nhất để bạn đọc tham khảo. 

Rằm tháng Giêng thơ Hồ Chí Minh – Lời bình thứ 1

Bài thơ này được Bác Hồ sáng tác vào đúng dịp Rằm tháng Giêng, năm Mậu Tý (1948), miêu tả cảnh đêm trăng, và buổi họp bàn việc quân của Bác bí mật trên sông nước ở chiến khu Việt Bắc, khởi đầu kế hoạch cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lúc đó đang bước sang năm thứ ba. Bài thơ “Rằm tháng Giêng” còn là một bài thơ tả cảnh để tả tình- bài thơ của một bậc thi nhân- bài thơ của một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc

        Nguyên tác của Bác viết:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

        Ông Xuân Thuỷ dịch bài thơ trên của Bác như sau:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

    Cảnh mùa xuân của Bác trong bài thơ “Rằm tháng Giêng” là một bức tranh, sao vô cùng khoáng đạt:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

        Chỉ trong hai câu thơ tả cảnh đó, Bác dùng tới ba từ xuân liên tiếp một cách ngẫu nhiên mà rất có dụng ý nghệ thuật. Mỗi từ xuân để tả một hình ảnh: Trăng- Sông- Bầu trời. Miêu tả ba hình ảnh đó, Bác dùng từ “lồng lộng” và “lẫn” chính xác và khéo léo thuần thục trong ngôn từ như một hoạ sĩ danh tiếng có tài pha màu, phác thảo cảnh vật… vẽ nên một bức tranh xuân hài hoà và trải rộng khắp mênh mông.

        Mùa xuân đến không chỉ trên những chồi non lá biếc, mà tất cả vầng trăng đến dòng sông, bầu trời trong thơ Bác lúc này đều đầy sức sống của mùa xuân: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi”.

        Rằm xuân cũng là ngày Rằm tháng Giêng- một đêm trăng rằm tuyệt đẹp- một vẻ đẹp đến ngỡ ngàng.

        Trăng trở thành trung tâm kỳ vĩ của vũ trụ trong đêm rằm xuân- trăng trải rộng trên dòng sông- đem mùa xuân kỳ diệu đến cho dòng sông. Mùa xuân có chiều cao và chiều sâu tận cùng trong ánh trăng soi. Một mùa xuân bát ngát trong tầm mắt của Bác. Vượt ra khỏi khung cảnh Việt Bắc trở thành hình tượng đẹp đẽ của bầu trời tự do, của mùa xuân đất nước mà Bác cảm nhận thấy từ ánh trăng rằm trong những tháng ngày còn gian khổ. Có nghĩ đến điều ấy, ta mới càng thấy được phong thái ung dung và lạc quan cao đẹp của Bác. ẩn sau cảnh trăng xuân đó là hình ảnh của ngày mai tươi sáng đang đến gần. Ngày mai đó được bắt đầu bằng những kế hoạch và công việc rất cụ thể, rất thực tế của Ðảng ta và của Bác:

Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

        Ðêm trăng rằm vắng lặng, êm dịu như bức tranh thuỷ mặc, trở nên sống động và thơ mộng bởi có sự góp mặt của những con người bất tử, đang chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn. ở đó, có Chủ tịch Hồ Chí Minh- nhà thơ và người chiến sĩ cách mạng kiên cường đang “bàn bạc việc quân”. Bài thơ kết lại bằng một câu ngân vang cao vút và đầy thi vị: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Ðêm khuya không hề có bóng tối, ánh trăng toả sáng khắp cả không gian. Hình ảnh con thuyền trở thành một hình ảnh liên tưởng và lãng mạn tuyệt đẹp- con thuyền như chở đầy ánh trăng. Ðó là hình ảnh của con thuyền cách mạng đang chở đầy chiến thắng, chở đầy niềm tin, đang đi tới tương lai rực rỡ huy hoàng.

        Dường như bài thơ nào của Bác cũng kết thúc bằng những câu thơ bất ngờ và tuyệt đẹp như thế. Từ vẻ đẹp của nghệ thuật, vẻ đẹp của thiên nhiên đã toát lên sức mạnh tinh thần mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng.

Rằm tháng Giêng thơ Hồ Chí Minh – Lời bình thứ 2

    Nguyên tiêu là bài thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được viết trong thời gian kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc. Sau chiến thắng Việt Bắc, Thu Đông 1947 sang Xuân Hè 1948 quân ta lại thắng lớn trên đường số 4. Niềm vui thắng lợi tràn ngập tiền tuyến, hậu phương. Trong không khí sôi động và phấn chấn ấy bài thơ Nguyền tiêu của Bác Hồ xuất hiện trên báo Cứu quốc như một đoá hoa xuân ngọt ngào rực rỡ sắc hương.

Kim dạ nguyền tiêu nguyệt chính viên

 Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

 Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Mở đầu bài thơ là cảnh tuyệt vời trong đêm nguyên tiêu. Trên bầu trời vầng trăng tròn vành vạnh:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

(Rằm xuân lồng lộng trăng soi)

Trăng rằm tháng giêng mang vẻ đẹp tươi xinh khác thường vì có hơi thở của mùa xuân. Đêm rằm, trăng sáng ánh trăng lồng lộng dát vàng trên nền trời, phủ khắp chốn trần gian, ánh trăng tràn mọi nẻo… Ánh trăng làm cho cảnh vật mang vẻ đẹp hữu tình lung linh sinh sắc. Đất nước, quê hương bao la một màu xanh bát ngát, màu xanh lấp lánh của xuân giang, dòng sông như được tiếp thêm sức sống mới dưới khí trời mát dịu. Dòng sông trở nên đẹp hơn, hữu tình hơn, dòng sông xanh xuân thủy và tiếp nối với màu xanh của xuân thiên.

Mùa xuân là mùa của chồi non, sự sống. Xuân phơi phới có ở khắp mọi nơi, xuân của dòng sông, dòng nước, không gian cao rộng của bầu trời. Khí xuân tràn ngập sự sống, ba từ xuân làm nổi bật cái thần của cảnh vật, sông nước và bầu trời:

Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên

 (Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)

Xuân trong câu thơ chữ Hán của Bác là mùa xuân, là tuổi trẻ và vẻ đẹp xinh tươi. Nó còn gợi tả màu xanh của sông nước, đất trời vào xuân. Khi vào xuân, con người tạo vật như bừng tỉnh, rạo rực trong cuộc sống mới. Nhà thơ Thanh Hải đã từng cảm nhận mùa xuân cua thiên nhiên và đất trời qua những tín hiệu đặc sắc:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc Ơi! Con chim chiền chiện

 Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi Tôi đưa tay tôi hứng…

(Mùa xuân nho nhỏ)

Xuân đến, tiếng chim hót vang lừng, giọt mùa xuân long lanh do đất trời ban tặng làm cho sự sống rạo rực hơn và bất tận.

Trong câu thơ của Bác xuân còn gợi tả màu xanh của sông nước, trời đất vào xuân, sức sống mãnh liệt, trẻ trung căng tràn nhựa sống. Niềm vui sướng tự hào phơi phới của Bác đang ngây ngất say sưa giữa một đêm xuân đẹp, một đêm xuân lịch sử – đất nước đang anh dũng kháng chiến.

Với Bác, yêu trăng, yêu xuân chính là yêu cuộc đời. Trái tim mênh mông của người chan hoà với thiên nhiên, sông núi, hoa lá cỏ cây thật hữu tình. Có trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa, trăng vào cửa sổ đòi thơ trong niềm vui thắng trận. Và xem sách chim rừng vào cửa đậu – phê văn hoa núi ghé nghiêng soi. Thiên nhiên trong thơ Bác thật phong phú và chan chứa chất thơ.

Đến hai câu thơ cuối, ta thấy cảm nhận về dòng sông, về khói sóng, và con thuyền được nâng lên một mức:

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Nhớ ánh trăng ngày nào khi Bác còn bị giam dưới ngục lạnh nơi đất khách quê người (1942-1943) thì đêm nay – đêm rằm tháng giêng (1948) lại bắt gặp ánh trăng nơi chiến khu Việt Bắc. Con thuyền xuôi mái giữa dòng sông trăng, tựa mạn thuyền người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh đang đàm quân sự. Ánh trăng đêm này là ánh trăng ước hẹn, báo trước những mùa trăng trong năm được nhân dân đón đợi với bao tình cảm nồng hậu. Trăng đêm nay không phải là ánh trăng bình thường trước sân nhà, đầu ngõ. Bác thưởng trăng trên khói sóng, người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các bậc tao nhân mặc khách ngày xưa mà còn là con người hành động, người chiến sĩ cộng sản đánh giặc. Vị lãnh tụ đang bàn bạc việc quân trên con thuyền nhẹ lướt giữa sông nước trời xuân đây là trường hợp thưởng trăng rất đặc biệt, yên ba là khói sóng, thi liệu cổ của Đường thi. Vậy là câu thơ có nét cổ điển và có nét hiện đại, chất hiện đại đó chính chất thép, chất chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản: Nay ở trong thơ nên có thép – Nhà thơ củng phải biết xung phong.

Sau quãng thời gian bàn bạc việc quân, đêm đã về khuya, nửa đêm (dạ bán). Con thuyền kháng chiến trở thành con thuyền trăng trên vời sông nước mênh mông:

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)

Hình ảnh nguyệt mãn thuyền gợi cho chúng ta nhớ đến những vần thơ cổ thi hoa lệ:

Thuyền mấy lá đông, tây lặng ngắt

Một vầng trăng trong vắt lòng sông…

(Bạch Cư Dị)

Nước biếc non xanh thuyền gối bãi

Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu

(Nguyễn Trãi)

Trở lại bài thơ Nguyên tiêu ta thấy con thuyền đang trôi nhẹ ẩn hiện sau màn sương khói. Trên chiếc thuyền hình ảnh thi sĩ – chiến sĩ hiện lên thật đẹp đẽ với bàn bạc việc quân trong đêm trăng, tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, quyết chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Nguyên tiêu là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, mang phong vị Đường thi. Bài thơ có nét thơ cổ thể: con thuyền, trăng, sóng, xuân, nước xuân, trời xuân, khói sóng… điệu thơ thanh nhẹ. Trong khung cảnh ấy chất chiến sĩ là trung tâm. Bài thơ như một đoá hoa xuân, tinh hoa kết tụ tâm hồn trí tuệ, đạo đức Hồ Chí Minh.

Văn là người, thơ là tấm lòng. Bài thơ này thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước, đồng thời bộc lộ tình yêu nước sâu sắc. Cốt cách thi sĩ hoà quyện chất chiến sĩ chất chứa đầy ắp trên chiếc thuyền kháng chiến đang tiến nhanh về bến bờ độc lập tự do.

Rằm tháng Giêng thơ Hồ Chí Minh – Lời bình thứ 3

TỪ BÀI THƠ “NGUYÊN TIÊU”

Nguyên tiêu Mậu Tý 1948, Bác Hồ có bài thơ nổi tiếng ”Nguyên tiêu”

 Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

 Đồng chí Xuân Thủy (nghe nói rằng, Bác bảo: Trong bài thơ này có tên chú, vậy chú hãy dịch). Xuân Thủy đã chuyển lục bát như sau:

Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng)

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

 Bài thơ chuyển lục bát khá nhuần nhụy và sát ý, chỉ tiếc rằng ”yên ba thâm xứ” mà chỉ là ”giữa dòng” thì chưa lột tả được sự mông lung, sâu thẳm nơi sông nước mà nguyên tác nêu ra; thêm nữa câu 4 cũng có phần chưa cho thấy sự trữ tình và lồng lộng của tứ thơ. Sinh thời, Bác Hồ khen – tôi không còn nhớ là ai – dịch câu 4 rằng: ”Nửa đêm về với con thuyền đầy trăng” là hay.

Năm nay trong khi lướt qua các trang báo xuân, tôi chợt nghĩ đến bài Nguyên tiêu của Bác Hồ. Trăng đã nhiều lần vào trong thơ Người giữa khi việc nước bộn bề. Một sự ung dung, bình thản, tự tin vào thắng lợi cuối cùng. Bác Hồ của ta còn: ”Việc quân việc nước đã bàn. Xách bướng giắt trẻ ra vườn tưới rau”. Tôi chỉ dám nói: Tuyệt vời một con người.

Từ bài Nguyên tiêu năm ấy sau khi ta chiến thắng lẫy lừng ở Việt Bắc, thu đông 1947, tôi đọc trên Tạp chí Sách và đời sống số Xuân năm nay bài: ”Ngày tết, kính biếu gia đình Luật sư Lôdơbai cành đào Việt Nam” do nhà nhiếp ảnh Nguyễn Kim Côn kể và được ghi lại bởi nhà báo Dương Tuấn Hoa. Tôi kết hai chuyện này với nhau vì cả hai đều diễn ra trong mùa xuân Mậu Tý, cách nhau 1 giáp, và cả hai đều có con người trung tâm: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng ta đều biết, Luật sư Lôdơbai đã cứu được Bác Hồ ta khi đó có tên là Tống Văn Sơ khỏi tù ngục đế quốc Anh ở Hương Cảng năm 1933. Không những vậy, việc này còn làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp định giăng bẫy bắt Người. Theo lời mời của Bác, ông bà luật sư cùng cô con gái Patricia sang thăm nước ta giáp tết năm 1960. Trong ngôi nhà sàn tại Chủ tịch phủ, Bác Hồ đã tiếp thân tình luật sư và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối vơi ông. Phần mình, luật sư không nhận mình là ân nhân mà chỉ nói ông đã ”hành động theo lẽ phải, theo phẩm chất của một luật sư chân chính”. Ông từng nói: ”Không phải tôi đã cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Chủ nghĩa nhân đạo của Người đã cứu Người, vì Chủ nghĩa nhân đạo của Người nên các bạn tôi ở Hạ Môn, Hồng Kông và trên cả nước Anh cũng nhiệt tình giúp tôi giải thoát cho Người”.

 Người kể chuyện hiểu rằng, ngoài sự tế nhị, lịch thiệp của luật sư, ông còn muốn nói lên một điều sâu xa hơn, có thể hiểu như một thứ ánh sáng toát ra từ phẩm chất Bác Hồ khiến cho con người có lương tri như vị luật sư khả kính quyết định hết lòng giúp Người. Thứ ánh sáng đó sau này được nhà thơ Tố Hữu diễn tả thần tình: ”Ta bên Người / Người tỏa sáng trong ta…”

 … Gia đình luật sư được bố trí thăm Vịnh Hạ Long, thăm Hòn Đá chọi, thăm hang Bồ Nâu và trên đường về Hà Nội, không khí xuân đã tràn ngập với đào thắm, với mai và sự hân hoan của người dân. Khi đoàn xe xuống phà Bính đông người, một ông già bên Thủy Nguyên hỏi nhà báo: ”Tây ở đâu mà sang ăn tết ta ?”. Và khi được biết, đây không phải là ”tây thường đâu” mà chính là gia đình vị luật sư Lôdơbai sang thăm Bác Hồ… Ông già Thủy Nguyên liền hướng đến vị luật sư, xin được hỏi lại sự tích và biết chuyện, ông liền dúi cành đào thắm vào tay luật sư và nói: ”Tôi ở bên Thủy Nguyên đem cành đào này đến phố Cát Dài cho cháu ngoại, rồi tôi ra phố Cầu Đất viết câu đối tết… Không ngờ, thật không ngờ, trời đất lại cho tôi được gặp vị đại ân nhân của đất nước trên chuyến phà này. Thưa cụ Luật sư Lôdơbai, nếu không có cụ cứu được Bác Hồ thì chúng tôi đâu đã được độc lập, được đón xuân vui vẻ như hôm nay… Thật là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, chữ ÂN của cụ nặng như núi, cụ ơi! Muôn đời cháu con chúng tôi cũng không trả nổi. Với tấm lòng thành của một người dân Cụ Hồ, tôi xin kính biếu cụ cành đào này và xin cụ hãy nhận ở tôi ba lễ”. Miệng nói, tay dúi cành đào tặng cụ luật sư, ông đồ Thủy Nguyên vội quỳ thụp xuống sàn phà vái luôn ba vái.

Qua phút xúc động, cụ luật sư nâng ông đồ lên rồi nói: ”Cảm ơn cụ! Cảm ơn cụ! Tôi không phải là ân nhân, càng không phải là đại ân nhân đâu. Tôi là người luật sư vô cùng kính trọng Tống Văn Sơ, đã cùng đồng nghiệp và người thân của mình làm đúng bổn phận của mình. Một người như Tống Văn Sơ thật đáng kính trọng và mến phục. Sự hấp dẫn ở đạo đức và trí tuệ của Tống Văn Sơ càng khích lệ mọi người làm điều tốt, phải không cụ?… Tôi xin nhận cành đào này và cành đào này sẽ thắm mãi trong lòng tôi. Bây giờ, tôi lại nhờ cụ giúp tôi một việc: Cụ hãy chuyển cành đào này cho cháu ngoại cụ và hãy nói với cháu rằng: Đây là cành đào của luật sư người Anh tên là Lôdơbai gửi tặng cháu để đón Xuân. Chúc cháu luôn học giỏi và xứng đáng là cháu ngoan của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.

 Biết nói gì? Tôi đã xúc động suốt mấy ngày tết vì câu chuyện ấm lòng trên và có lần ứa nước mắt. Nhân dân ta thông qua lời ông đồ Thủy Nguyên năm nào tỏ lòng tri ân với tấm lòng trượng nghĩa của vị luật sư khả kính và ông đồ đã bày tỏ lòng biết ơn giản dị và chân thành nhất. Bác Hồ ta và những người năm ấy đã khuất song ”ôn cố nhi tri tân” thì lại là chuyện của muôn đời! Nhất là khi toàn Đảng, toàn dân đang phát động việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh khởi đầu từ xuân này.

 


Cảnh khuya – Rằm tháng Riêng – Ngữ văn 7 – Cô Trương San (HAY NHẤT)


? Đăng ký khóa học của thầy cô VietJack giá từ 250k tại: https://bit.ly/30CPP9X.
?Tải app VietJack để xem các bài giảng khác của thầy cô. Link tải: https://vietjack.onelink.me/hJSB/30701ef0
☎️ Hotline hỗ trợ: 084 283 4585
Ngữ văn 7 Cảnh khuya Rằm tháng Riêng
Cảnh khuya Rằm tháng Riêng là bài học quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 7. Trong bài giảng này, cô sẽ giúp các em tìm hiểu tất cả các kiến thức trọng tâm nhất bài học. Từ đó, các em sẽ giải các dạng bài tập từ cơ bản nhất đến nâng cao. Các em chú ý theo dõi bài học cùng cô nhé !
Đăng kí mua khóa học của cô tại: https://m.me/hoc.cung.vietjack
Học trực tuyến tại: https://khoahoc.vietjack.com/
Fanpage: https://www.facebook.com/hoc.cung.vietjack/
vietjack, nguvan7, canhkhuyagiamthanggieng
▶ Danh sách các bài học môn Ngữ văn 7 Cô Trương San:
https://www.youtube.com/playlist?list=PL5q2T2FxzK7VFdvOqi8C7qL9J4xez3xO
▶ Danh sách các bài học môn Sinh học 7 Cô Mạc Phạm Đan Ly:
https://www.youtube.com/playlist?list=PL5q2T2FxzK7Vi8zm6OeX8tUNNOwTFOb4J
▶ Danh sách các bài học môn Tiếng anh 7 Cô Đỗ Linh:
https://www.youtube.com/playlist?list=PL5q2T2FxzK7U1g167kC673iDY0HfEOoIn
▶ Danh sách các bài học môn Toán học 7 Cô Nguyễn Anh:
https://www.youtube.com/playlist?list=PL5q2T2FxzK7UsZMjvLDZAdOxSAg19aoba

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp
Xem thêm :  Nhiệm vụ. Điều kiện làm việc của trục khuỷu. Vật liệu chế tạo. Kết cấu trục

Related Articles

Back to top button