Cây Xanh

Kỹ thuật trồng ớt hiểm lai

QUY TRÌNH kỹ thuật trồng ớt HIỂM LAI

(Capsicum)

A. Giới thiệu

Cây ớt thuộc chi Capsicum của họ Cà (Solanaceae). Ớt có nguồn gốc từ châu Mỹ, ngày nay nó được trồng khắp nơi trên thế giới và được sử dụng làm gia vịrau, và thuốc.

Ớt hiểm, còn gọi là ớt mắt chim (Bird’s eye chili) hay ớt Thái là một giống ớt thuộc loài Ớt cựa gà trong họ Cà, thường mọc ở Đông Nam Á.

Ớt hiểm là loại cây lâu năm, thân nhỏ, trái thuôn nhỏ, thường mọc thành chùm 2, 3 trái ở đốt. Trái của nhiều loại ớt hiểm thường có màu đỏ, một số loại có màu vàng, tím hoặc đen. Trái ớt hiểm rất cay. Hoa có màu trắng xanh hoặc trắng vàng.

Ớt hiểm nhỏ nhưng có vị rất cay. Độ cay của nó là 100,000 – 225,000 đơn vị Scoville.

Ớt chứa một hỗn hợp alkaloid có ích cho sức khỏe, capsaicin mang lại vị cay hăng mạnh mẽ. Ớt tươi giàu vitamin C, ngoài ra còn chứa các chất chống ôxi hóa khác như vitamin A, và các chất flavonoid như sắc tố vàng beta, alpha, lutein, zeaxanthin, và cryptoxanthins. Ớt còn cung cấp một lượng phong phú kali, mangan, sắt, và magiê, nhóm Vitamin B phức hợp chẳng hạn như niacin, pyridoxine (vitamin B-6), riboflavin và thiamin (vitamin B-1).

Ớt được dùng làm gia vị, rất phổ biến trong các nền ẩm thực Đông Nam Á. Trong ẩm thực Việt Nam, ớt hiểm được sử dụng trong các món canh, rau trộn, và các món xào. Chúng cũng được pha vào các món chấm như nước mắmnước tươngmuối hoặc ăn tươi.

Các Vùng trồng nhiều ớt ở Việt Nam như  Quỳnh Phụ – Thái Bình, Gia Lâm – Hà Nội, Kim Thành- Hải Dương, Tân Yên – Bắc Giang, Vĩnh Bảo – Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Lâm Đồng, Quảng Ngãi …

Năng suất các giống hiểm lai từ 25- 27 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 30 tấn/ha.

B. Quy trình kỹ thuật

I. Điều kiện ngoại cảnh

Ớt là cây chịu nhiệt, nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng là 18-30ºC. Nhiệt độ cao trên 32ºC và thấp dưới 15ºC, cây tăng trưởng kém, hoa, quả con dễ rụng. Trong điều kiện ngày ngắn các giống ớt cay phát triển tốt và cho năng suất cao. Ớt chịu đựng được điều kiện che rợp đến 45%, nhưng che rợp nhiều hơn ớt chậm trổ hoa và rụng nụ.

II. Biện pháp kỹ thuật

1. Giống

Hiện nay Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Việt Á Có các giống ớt sau:

Giống ớt hiểm lai F1 VA.18 (Supperman VA.18)

Là giống có xuất xứ Thái Lan, cây sinh trưởng mạnh, chịu nóng, chịu mưa rất tốt, độ đồng đều quả rất cao, cây to, tán rộng, đặc biệt kháng bệnh thán thư rất tốt. Trái dài từ 7-9 cm, có màu đỏ cờ, ăn rất cay, quả cứng, phù hợp cho xuất khẩu và ăn tươi. Thời vụ trồng quanh năm. Thời gian thu hoạch 65-70 ngày sau trồng. Lượng hạt giống cần thiết 15-20 g/1000 m².

Giống ớt hiểm lai F1 VA.19 (Hotgirl VA19)

Là giống có xuất xứ Thái Lan, cây sinh trưởng mạnh, chịu nóng, chịu mưa rất tốt, độ đồng đều quả rất cao, cây to, tán rộng, đặc biệt kháng bệnh thán thư rất tốt. Trái dài từ 7-9 cm, có màu đỏ cờ, ăn rất cay, quả cứng, phù hợp cho xuất khẩu và ăn tươi. Thời vụ trồng quanh năm. Thời gian thu hoạch 65-70 ngày sau trồng. Lượng hạt giống cần thiết 15-20 g/1000 m².

Chú ý: Các giống ớt lai F1 không nên để giống lại cho vụ sau vì sẽ giảm năng suất, dạng trái không đồng đều và không có khả năng kháng sâu bệnh.

2. Thời vụ

Ớt có thể trồng được quanh năm nhưng thường tập trung vào 3 vụ chính:

Ớt Xuân Hè: Gieo vào tháng 1-2 trồng tháng 2-3 thu hoạch từ tháng 4 – 5

Ớt Thu Đông: Gieo vào tháng 8- 9 trồng tháng 9-10 thu hoạch từ tháng 12 -1 năm sau.

Ớt Đông Xuân: Gieo vào tháng 11- 12 trồng thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 6 năm sau.

Ớt thích hợp nhiệt độ cao từ 25-30ºC, do đó ớt trồng vụ Xuân Hè sẽ cho năng suất cao nhất.

3. Kỹ thuật gieo trồng

Chọn và làm đất

Đất thoát nước tốt, có cơ cấu thoáng xốp như: Đất cát pha, đất thịt pha sét, đất phù sa ven sông và đất canh tác lúa.

Đất không hoặc ít nhiễm phèn mặn, có hàm lượng dinh dưỡng khá, pH đất = 5,5-6,5.

Có nguồn nước tưới tốt và giao thông vận chuyển sản phẩm thuận tiện.

Đất chuẩn bị trồng phải được luân canh lúa, bắp, đậu… , vụ trước không trồng cây thuộc họ cà như: ớt, cà chua, cà tím, khoai tây… để phòng nấm bệnh trong đất truyền cho ớt.

Đất phải được cày bừa tơi xốp, sạch cỏ và thoát nước tốt. Mùa mưa cần phải lên luống cao cao 20 – 30cm và mương thoát rộng 40 cm (Có thể cao hoặc rộng hơn tuỳ theo vùng)… Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp (Plastic) để trồng.

Ngâm ủ hạt giống

Lượng hạt giống cần cho 1 ha tùy thuộc vào giống và tỷ lệ nảy mầm, trung bình khoảng 150 – 200 g/ha.

Ngâm hạt giống trong nước sạch không bị phèn mặn từ 6 – 8 giờ, sau đó ngâm ướt với thuốc trừ nấm Funomyl (1g thuốc pha với 1 lít nước) trong 30 phút, sau đó rửa sạch để ráo nước, lấy khăn ẩm gói hạt lại và cho vào bao nylon cột kín miệng để hạn chế bốc thoát hơi nước. Sau cùng đem gói giống ủ ở nhiệt độ từ 27 – 28ºC. Hầu hết các giống ớt bắt đầu nảy mầm từ 48 giờ sau. Đem gieo những hạt đã nứt mầm, đừng để hạt ra rễ quá dài, cây mầm sẽ lên yếu và khi gieo dễ bị gãy mầm.

Xem thêm :  Lan vũ nữ: phân loại, cách trồng và chăm sóc ra hoa đẹp

Chuẩn bị gieo hạt

Nên gieo hạt vào khay gieo hạt, bầu đất, bầu.  Hoặc gieo trực tiếp lên luống của vườn ươm.

Thành phần đất trong bầu/khay thông thường có tỷ lệ như sau:

Đất mặt tơi xốp:              60%

Phân chuồng hoai mục:   29%

Tro trấu:                           10%

Phân lân:                          0,5 – 1%

Vôi:                                   0,2 – 0,3%

Trộn đều các thành phần trên và sàng kỹ để loại bỏ rác và cục đất to trước khi cho vào bầu.

Sau khi gieo hạt vào bầu, rải một lớp đất mỏng sàng kỹ để lấp kín hạt, rải một lượt thuốc Basudin hạt đề phòng kiến và dế, sâu đất phá hại. Tưới đẫm nước, giữ ẩm để hạt dễ nảy mầm. Chăm sóc cây con phải phòng trừ sâu bệnh tốt, nếu cây thiếu phân có thể tưới phân hỗn hợp NPK, DAP, Urê hoặc phân vi sinh.

Khi cây có từ 4-5 lá thật (25-35 ngày sau gieo), chọn những cây phát triển tốt, không bị nhiễm sâu bệnh, có thể tiến hành đem ra trồng. Mật độ, khoảng cách trồng tùy thuộc vào giống, đất đai và khí hậu, mật độ cao cây sẽ có sự cạnh tranh áng sáng, phân bón, nhiều sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất.

Khoảng cách trồng – mật độ:

Vào mùa khô: Trồng hàng đôi, hàng x hàng 0.6m, cây cách cây trên hàng 0,6m. Mật độ trung bình từ 17000 – 20.000 cây/ha.

Vào mùa mưa: hàng cách hàng từ 1.2 – 1.4m, cây cách cây trên hàng 0,7m. Mật độ trung bình từ 1.400 – 1.500 cây/ ha.

Lưu ý: Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh (như Thianmectin 0.5ME + Thane M 80WP ở liều nhẹ) cho cây con 3 ngày trước khi đem trồng. Một ngày trước khi trồng phải cung cấp đủ nước để giúp cây con phát triển tốt ngoài đồng. Trồng cây con sao cho mặt bầu ngang bằng với mặt đất ngoài đồng. Trồng xong tưới nước đủ ẩm cho cây.

4. Phân bón

Lượng phân bón cho 1 ha:

Phân chuồng:   10-20 tấn/ha             + NPK: 540- 580kg

Phân lân:               500kg                      + Kali:        200kg

Vôi:                       1.000kg                      + Urê:         200kg

Ca(N03)2:               120kg

Cách bón:

Bón lót (Trước khi trồng):  Toàn bộ lượng vôi,  phân chuồng hoai và super lân, 30kg Kali, 20kg Calcium nitrat, 100-140 kg phân NPK (16-16-8). Sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, giảm hao hụt phân bón, nước tưới.

Bón phân thúc: Phân nên chia làm 4 lần bón: (Có thể kéo dài hơn tuỳ theo thời gian thu hoạch).

Lần 1: 20 – 25 ngày sau khi trồng: 40kg Urê + 30kg Kali + 100kg NPK (16-16-8) + 20kg Calcium nitrat.

Lần 2: Khi ớt đã đậu trái đều: 60kg Urê + 50kg Kali + 100kg NPK (16-16-8) + 20kg Calcium nitrat.

Lần 3: Khi bắt đầu thu trái: 60kg Urê + 50kg Kali + 140kg NPK (16-16-8) + 30kg Calcium nitrat.

Lần 4: Khi thu hoạch rộ: 40kg Urê + 40kg Kali + 100kg NPK (16-16-8) + 30kg Calcium nitrat.

Chú ý: Trong giai đoạn nuôi trái, trái ớt thường bị thối đuôi do thiếu canxi. Vì vậy, cần phun bổ sung thêm Canxi, có thể bằng Clorua canxi (CaCl2) phun định kỳ 7-10 ngày/lần. Đồng thời, phun thêm phân vi lượng có Bo để ớt dễ đậu trái và ngừa trái bị sẹo.

5. Chăm sóc ớt

Tưới nước: Mùa mưa cần đảm bảo thoát nước tốt, mùa nắng phải tưới nước đầy đủ. Tưới rãnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, tiết kiệm nước, không văng nước lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. (Chú ý: Khi trên ruộng có cây bị bệnh do các tác nhân gây bệnh ở trong đất thì hạn chế phương pháp tưới này mà chuyển sang tưới hốc hoặc tưới phun và giảm tối đa lượng nước tưới). Trong thời gian cây ra hoa và kết trái cần cung cấp đủ nước để ngăn ngừa rụng bông rụng trái. Tưới quá ẩm hay để quá khô hạn sẽ làm cây phát triển kém, giảm số hoa, rụng hoa, rụng trái, giảm chất lượng trái, năng suất thấp.

Tỉa nhánh: Tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển, cho năng suất cao. Nên tỉa cành lúc nắng ráo.

Làm giàn: Giàn được làm bằng cây cọc hay dây nylon. Giàn giữ cho cây đứng vững, dễ thu trái, kéo dài thời gian thu hoạch, hạn chế trái bị sâu bệnh do đổ ngã. Mỗi hàng ớt cắm 2 trụ cây cọc lớn ở 2 đầu, dùng dây căng dọc theo hàng ớt nối với 2 trụ cây, khi cây ớt cao tới đâu căng dây tới đó để giữ cây đứng thẳng.

Cây ớt mang nhiều trái gặp gió mạnh dễ đổ ngã, nên cắm cọc (cây cọc dài khoảng 1 m) chống đỡ, mỗi cây ớt cắm một cây cọc, cắm xiên buộc vào thân chính, có thể dùng dây nylon giăng dọc theo hàng để đỡ cành mang trái, hạn chế cành bị gãy khi mang trái nặng.

Kết hợp làm cỏ, lấp phân, vun gốc mỗi lần bón thúc phân. Rễ cây ớt rất mẫn cảm (dễ bị tổn thương) với phân bón do đó khi bón phân hóa học phải xa gốc, tưới phân và phun phân bón lá phải đúng liều lượng.

Các lần bón thúc kế tiếp cứ cách 20 ngày bón 1 lần với loại, lượng phân như bón thúc lần 2 (trừ phân chuồng)

Lần bón thúc thứ 3 rải phân giữa 2 hàng đôi lấp phân.

Lần bón thúc thứ 4, 5, 6… lặp lại thứ tự như lần bón thứ 2, 3 …

Xem thêm :  Cách phòng trị bệnh thán thư trên xoài

Khi cây con còn nhỏ hoặc giữa 2 lần bón thúc, tưới NPK hoặc DAP với lượng pha loãng 2 – 3% với nước vào gần gốc nếu cần.

Khi trái ớt bắt đầu lớn, phun định kỳ CaCl2 khoảng 0,4% nửa tháng một lần để phòng bệnh thối đuôi trái.

6. Sâu bệnh hại ớt

Bọ trĩ (Thrips palmi)

Đặc điểm hình thái: Trưởng thành rất nhỏ, màu vàng nhạt, đuôi nhọn, cánh dài và mảnh, xung quanh cánh có nhiều lông tơ. Sâu non không cánh, hình dạng giống trưởng thành, màu xanh vàng nhạt.

Tập quán sinh sống và gây hại: Trưởng thành bò nhanh, linh hoạt, đẻ trứng trong mô lá non. Trưởng thành và sâu non thường sống tập trung mặt dưới lá và bò sang các cánh hoa.

Bọ trĩ chích hút nhựa ở lá non, chồi non và nụ hoa làm lá vàng, lá non và cánh hoa biến dạng xoăn lại, cây sinh trưởng kém. Trên quả vết chích có những chấm nhỏ nổi gờ. Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện khô và nóng. Vòng đời ngắn, trung bình 12-15 ngày, bọ trĩ có khả năng kháng thuốc cao.

Biện pháp phòng trừ: Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt để hạn chế tác hại của bọ trĩ

Bọ trĩ là loài côn trùng có khả năng quen thuốc cao, vì vậy cần luân phiên thay đổi thuốc BVTV khi sử dụng. Do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ, vì vậy có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau: Emamectin benzoate,  Spinetoram,

Imidacloprid + Pyridaben

Nhện đỏ (Tetranychus spp.)

Đặc điểm hình thái:  Nhện đỏ có kích thước cơ thể rất nhỏ, mình hình bầu dục, hơi nhọn lại ở đuôi, hai đốt cuối màu đỏ chói, trên mình và chân có nhiều lông cứng. Con trưởng thành đẻ trứng rời rạc ở mặt dưới của phiến lá, lúc mới đẻ có màu trắng hồng, sau đó chuyển hoàn toàn sang màu hồng. Nhện mới nở có màu xanh lợt.

Tập quán sinh sống và gây hại: Cả trưởng thành và ấu trùng đều sống tập trung ở mặt dưới phiến lá của những lá non đang chuyển dần sang giai đoạn bánh tẻ. Nhện gây hại bằng cách chích hút dịch của mô tế bào lá làm cho mặt trên của lá bị vàng loang lổ phồng rộp. Khi mật độ cao làm cho lá khô cháy. Hoa và trái cũng bị nhện gây hại. Nhện đỏ hút chất dinh dưỡng trong trái làm cho trái bị vàng, sạm và nứt khi trái lớn. Hoa có thể bị thui, rụng.

Nhện đỏ thường phát sinh và gây hại nặng trong mùa khô nóng hoặc những thời gian bị hạn trong mùa mưa. Nhện đỏ lan truyền nhờ gió và nhờ những sợi tơ, mạng nhện mà chúng tạo ra.

Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: Tưới nước giữ ẩm cho cây trong điều kiện mùa khô, khi mật độ nhện cao dùng phương pháp tưới phun với áp lực mạnh để rửa trôi nhện hạn chế mật độ nhện trên đồng ruộng. Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy triệt để tàn dư cây trồng

Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ nhện trên ớt. Có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Abamectin, Propargite , Pyridaben.

Héo rũ gốc mốc trắng (Sclerotium rolfsii)

Triệu chứng bệnh: Triệu chứng điển hình của bệnh được thể hiện rõ nhất từ khi cây ra hoa – hình thành quả – thu hoạch. Nấm xâm nhiễm vào phần thân cây sát mặt đất, vết bệnh lúc đầu nhỏ màu nâu tươi hơi lõm, về sau vết bệnh lan rộng có thể bao quanh thân, gốc, lan rộng xuống tận cổ rễ dưới mặt đất. Các lá dưới gốc héo vàng và rụng trước, sau đó lan lên các lá phía trên, cuối cùng dẫn tới các lá héo rũ, cây khô toàn thân. Vết bệnh sát mặt đất sẽ xuất hiện lớp nấm màu trắng phát triển mạnh, sợi nấm mọc đâm tia lan dần ra mặt đất chung quanh gốc cây, tạo thành một đốm tản nấm màu trắng xốp.

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Sclerotium rolfsii. gây hại

Đặc điểm phát sinh gây hại của bệnh: Đây là loại nấm gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau. Nấm phát sinh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao nhưng thích hợp nhất là nhiệt độ 25- 30ºC. Hạch nấm có thể tồn tại 5 năm trong đất khô nhưng chỉ tồn tại 2 năm trên đất ẩm. Bệnh thường phát sinh nặng hơn khi lượng lá rụng trên ruộng quá nhiều mà không được thu gom tiêu hủy. Bệnh xuất hiện có thể rải rác hoặc từng vạt trên ruộng tùy theo điều kiện ngoại cảnh đất đai và quá trình chăm sóc.

Héo vàng (Fusarium oxysporum)

Triệu chứng: Bệnh chủ yếu xuất hiện ở thời kỳ cây con đến khi ra hoa. Triệu chứng điển hình thường thấy là phần thân sát mặt đất có vết nấm tạo thành mảng trên bề mặt thân làm phá hủy hệ thống mạch dẫn của cây làm cho cây héo và chết.

Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh do nấm Fusarium oxysporum gây ra.

Đặc điểm phát sinh gây hại của nấm: Nấm phát sinh gây hại mạnh ở nhiệt độ 25-30ºC.

Bệnh lây lan mạnh khi trên ruộng đất cát, chua, đất thiếu đạm và lân.

Biện pháp phòng trừ: Dọn sạch tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng. Luân canh với cây trồng khác họ. Chọn giống khỏe sạch bệnh để trồng, giống trên ruộng không bị bệnh. Tránh gây tổn thương rễ trong quá trình trồng trọt, chăm sóc. Khi trồng cần lên luống cao, sâu rộng để dễ thoát nước khi gặp mưa lớn.

Bón phân cân đối và hợp lý. Tăng cường bón phân hữu cơ.

Xem thêm :  Mèo anh lông ngắn (mèo aln) thuần chủng, lai đẹp,giá rẻ toàn quốc

Thường xuyên kiểm tra phát hiện cây bị bệnh để nhổ bỏ kịp thời và hạn chế tưới nước, tránh bệnh lây lan trên ruộng.

Biện pháp hóa học: Do chưa có thuốc đăng ký phòng trừ trong danh mục, có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc BVTV có hoạt chất sau để phòng trừ: Chlorothalonil, Polyphenol, Validamicin.

Bệnh héo xanh vi khuẩn (Pseudomonas solanacearum)

Triệu chứng: Bệnh gây hại ớt ở các giai đoạn sinh trưởng nhưng nặng nhất là vào giai đoạn ớt trong giai đoạn thu hoạch. Ban đầu cây có biểu hiện héo, sau đó phục hồi vào ban đêm. Sau vài ngày thì cây chết không phục hồi được nữa, lá không chuyển màu vàng. Khi cây bị héo nhưng vẫn giữ được màu xanh. Bệnh có thể làm chết cả cây hoặc chết dần từng nhánh, gốc cây bị thối nhũn.

Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra.

Điều kiện phát sinh, phát triển: Vi khuẩn trừ trong đất, nước tưới… phát triển mạnh ở nhiệt độ 30-35 ºC, xâm nhập vào cây qua vết thương do mưa, gió, côn trùng, dụng cụ lao động…

Nguồn bệnh tồn tại trong đất, hạt giống, tàn dư cây bệnh để trở thành nguồn bệnh cho vụ sau, năm sau.

Biện pháp phòng trừ: Sử dụng giống ớt chống chịu bệnh. Luân canh với cây trồng khác họ. Vệ sinh đồng ruộng. Không để cây bệnh tồn tại trên ruộng bởi vì đó là nguồn lây lan bệnh trên đồng ruộng. Tăng cường nguồn phân hữu cơ cho cây khỏe (có thể dùng phân ủ) để tăng khả năng chống chịu bệnh của cây.

Biện pháp hóa học: sử dụng thuốc Fugous Proteoglycans (Elcarin 0.5SL) để phòng trừ.

Bệnh Thán thư (Colletotricum spp.)

Triệu chứng bệnh: Đầu tiên trên quả có vết ướt, sau đó lan rộng, vết bệnh thường có dạng vòng tròn đồng tâm, ở giữa vết bệnh có màu đen.  Khi gặp thời tiết ẩm ướt trên vết bệnh có lớp bào tử màu hồng cam.

Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh thán thư hại ớt do nấm Colletotricum spp.

Điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh: Bệnh thán thư là bệnh nguy hiểm gây thối quả hàng loạt và thường xuất hiện vào các tháng nóng, ẩm trong năm (tháng 5, 6, 7, 8). Nấm bệnh tồn tại trên tàn dư cây trồng nhiễm bệnh của vụ trước.

Biện pháp phòng trừ

Vệ sinh đồng ruộng, thu hái các trái bệnh đem huỷ. Luân canh cây trồng khác họ, không trồng cây họ cà liên tục trong 2 – 3 năm. Chọn giống kháng bệnh. Tăng cường bón thêm phân chuồng hoai mục cho ruộng ớt. Tránh trồng ớt trong mùa mưa.

Sử dụng một trong các loại thuốc BVTV sau để phòng trừ: Iprovalicarb + Propineb (Melody duo 66.75WP), Kasugamycin (Bactecide 20AS, 60WP), Mancozeb (Penncozeb 80 WP), Mancozeb  + Metalaxyl (Vimonyl  72 WP).

Thối nhũn vi khuẩn (Erwinia carotovora)

Triệu chứng: Trái bị nhiễm bệnh thường bị đổ sụp xuống và treo như những túi đầy nước.

Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh: Bệnh thối nhũn do Vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra.

Bệnh phát sinh và gây hại nặng trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao. Nguồn bệnh tồn tại trên các tàn dư cây trồng và xâm nhập qua vết thương.

Biện pháp phòng trừ: Luân canh cây trồng khác họ. Trồng trên nền đất thoát nước tốt. Sử dụng màng phủ nông nghiệp và hệ thống tưới nhỏ giọt để hạn chế đất, nước bắn lên trái. Khử trùng dao, kéo khi cắt tỉa lá và thu hoạch.

Hiện chưa có thuốc bảo vệ thực vật đăng ký phòng trừ bệnh thối nhũn hại ớt, có thể tham khảo sử dụng thuốc có hoạt chất Kasugamycin, thuốc gốc đồng để phòng trừ.

Bệnh do Virus

Triệu chứng: Cây bị nhiễm virus xoăn lá cây phát triển chậm chạp và trở nên còi cọc hoặc lùn. Cây sinh trưởng chậm, lá biến dạng xoăn vào trong hướng lên trên, lá có thể biến màu vàng hoặc nhợt nhạt. Lá, hoa có khuynh hướng nhỏ lại về kích cỡ, số lượng hoa và chùm hoa giảm, trái nhỏ và chất lượng giảm.

Nguyên nhân gây: Bệnh virus thường gây hại nặng cho cây họ cà (cà chua, ớt ngọt…)

Có rất nhiều loài virus gây hại trên cây ớt: TMV, CMV, TLCV, TYLCV

Điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh: Virus xoăn lá lây nhiễm vào cây khoẻ qua “vector” là côn trùng môi giới, hoặc lây lan cơ giới qua đất, hạt giống, tàn dư thực vật, cỏ dại, công cụ lao động, tay người làm vườn tuỳ theo loài virus.

Biện pháp phòng trừ: Sử dụng giống kháng bệnh. Dọn sạch tàn dư cây ký chủ trên đồng ruộng. Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các cây có triệu chứng bị bệnh, nhổ bỏ ngay và đem ra khỏi ruộng để xử lý. Sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp diệt trừ các loài chích hút (ruồi đục lá, bọ phấn, rầy, rệp…) là tác nhân truyền virus gây bệnh.

Biện pháp hóa học: Có thể sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Ningnanmycin (Cosmos 2SL, Niclosat 2SL, 4SL, 8SL, Somec 2 SL), Garlic oil+Ningnanmycin (Lusatex5SL).

7. Thu hoạch

Thu hoạch ớt khi trái chuyển màu có vết đỏ (bắt đầu chín) làm cho kích thích ra hoa nhiều tạo năng suất cao hơn cho đợt sau.  Ngắt cả cuống trái, tránh làm gãy nhánh. Ớt hiểm lai cho thu hoạch 65-70 ngày sau trồng. Ở các lứa rộ, thu hoạch ớt mỗi ngày, bình thường cách 1-2 ngày thu 1 lần.

Nếu chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ, ớt có thể cho nhiều đợt trái, năng suất có khả năng đạt trung bình từ 25 – 30 tấn/ha hoặc cao hơn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Cách trồng ớt.Trồng ớt năng xuất cao và cách chăm sóc


Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Cây Xanh

Related Articles

Back to top button