Tổng Hợp

Hủ tiếu cả cần: một phần di sản sài gòn

Người Sài Gòn hầu như ai cũng biết đến thương hiệu hủ tiếu và bánh bao “Cả Cần” nằm ở góc tiểu đảo ngay ngã tư Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương này (phía trước công viên Văn Lang và khá gần với bùng binh Ngã Sáu). Cũng có nhiều người thắc mắc sao cái quán đề bảng “ hủ tiếu cả cần” có phần cũ kỹ, xập xệ đó lúc nào cũng đông khách, nhất là từ giấc trưa đến tối khuya. Nhưng nếu biết được lịch sử thú vị cũng như những câu chuyện xung quanh nó, có thể bạn cũng sẽ rất ngạc nhiên.

Hủ tiếu Cả Cần: Một phần di sản Sài Gòn - Hình 1

Tô hủ tiếu có tuổi đời hơn 40 năm

Đầu tiên là cái tên trứ danh “Cả Cần”. Chủ của thương hiệu hủ tiếu này là ông Trần Phấn Thắng (nay đã mất). Theo lời tâm sự của ông khi còn sống, thì “Cần” là tên của một người bạn thân chẳng may mất sớm. Chữ “Cả” được ghép thêm vào vì ông thích những chữ có cùng phụ âm theo kiểu “Tin-Tình-Tiền-Tù-Tội”. Và cũng từ cái tên “Cả Cần” đó mà ông rất tâm đắc với câu quảng cáo toàn chữ “c” của quán: “Có Cả Cần Cần Chi Có Cả”.

Vợ chồng ông Cả Cần xuất thân từ công chức chế độ cũ. Bà là người gốc Bến Tre và nấu ăn rất ngon, còn ông thì khiếu ăn nói khéo léo và tài giao thiệp rộng rãi. Từ sự kết hợp trên họ đã quyết định từ bỏ công việc hiện tại và mở quán hủ tiếu và bánh bao Mỹ Tho. Cái tên “Cả Cần” được ông chọn cho quán đầu tiên nằm ở ngã tư Công Lý (Nguyễn Văn Trổi bây giờ) – Trương Quốc Dung. Năm 1969, khi mở quán thứ hai thì ông Thắng mời bà Năm Sa Đéc (nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời, vợ của học giả Vương Hồng Sển) đứng tên hộ như như một cách mượn danh người nổi tiếng để quảng cáo. Cách làm này rất hiệu quả khi những người hâm mộ cả lương và bà Năm Sa Đéc kéo đến nườm nượp để vừa thưởng thức món ăn ngon cũng như chiêm ngưỡng thần tượng của mình bằng xương bằng thịt.

Sự kết hợp này cũng làm nảy sinh nhiều đồn đoán: ông Cả Cần gốc Sa Đéc chư không phải Mỹ Tho, hoặc bà Năm Sa Đéc có quan hệ với ông Cả Cần, hoặc bà Năm có phần hùn trong quán… Thậm chí còn có nguồn thông tin cho rằng thương hiệu “Cả Cần” do bà Năm tạo dựng ra, và ông Thắng đã hợp thức hóa thương hiệu này trước qua các văn bản pháp luật để chính thức sở hữu nó. Tuy nhiên, thông tin chính xác nhất vẫn là bà Năm chỉ là người đứng tên như một hình thức khuyếch trương thương hiệu. Tiếp theo đó có một vụ thưa kiện giữa quán và chính quyền về việc giải tỏa mặt bằng mà cuối cùng là ông Thắng đã thắng kiện. Bà Năm Sa Đéc sau đó đã rút tên ra. Quán được đổi tên thành”Mỹ Tiên”, là tên cô con gái lớn của ông Thắng.

Sau năm 1975 gia đình ông Thắng định cư ở Montreal, Canada và mở một số nhà hàng mang thương hiệu “ONG CA CAN” khá thành công. Rồi những năm 90 mở cửa, ông cùng gia đình về lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn. Quán hủ tiếu nức danh ngày xưa nay đã xuống cấp và mất dần khách. Gia đình ông thương lượng lại mặt bằng, để rồi ngày nay quán có đến 2 chủ: bữa sáng do người quản lý cũ bán, từ chiều đến tối là của gia đình ông. Khách đến đây sẽ thấy dòng chữ Việt – Anh trên tờ menu: “Sáng và chiều khác nhau” (Morning and afternoon different) như một cách làm rõ về những khác nhau trong chất lượng tô hủ tiếu, cũng như khẳng định buổi chiều mới là chính hiệu hủ tiếu và bánh bao Cả Cần.

Xem thêm :  Light novel là gì? khác biệt so với anime/manga như thế nào?

Hủ tiếu Cả Cần: Một phần di sản Sài Gòn - Hình 2

Tô hủ tiếu khô với nước sốt chua ngọt độc đáo

Tô hủ tiếu Cả Cần theo nấu trường phái hủ tiếu Mỹ Tho, món ăn được “Việt hóa” từ hủ tiếu của người Tiều (Triều Châu). Chủ các tiệm hủ tiếu Mỹ Tho thường là người Việt gốc Hoa, tuy nhiên chủ các lò sản xuất bánh hủ tiếu lại thường là người Việt chính gốc. Bánh hủ tiếu Mỹ Tho là loại bánh khô được chế biến từ các loại gạo thơm địa phương như Nàng Thơm, Nàng Út hoặc thậm chí là loại cao cấp như Nàng Thơm Chợ Đào. Ngày nay có 2 trung tâm sản xuất bánh hủ tiếu khô nổi tiếng: một ở Mỹ Tho và một ở Gò Công, sản xuất hầu hết hủ tiếu khô cung cấp cho cả nước. Nhờ vậy mà sợi hủ tiếu Mỹ Tho có mùi thơm của gạo, trụng với nước sôi thì mềm nhưng không bở, nhai thì nghe dai dai nên gọi là hủ tiếu dai, ăn không có mùi chua.

Cách thưởng thức món hủ tiếu Cả Cần cũng theo 2 cách là khô và nước. Để thấy hết cái đặc biệt của tô hủ tiếu này tôi nghĩ bạn nên gọi một tô khô. Cái khác biệt và độc đáo của món khô so với nước là ẩn dưới lớp thịt bằm, sườn non, xá xíu và con tôm luộc kia là một loại nước sốt chua ngọt rất đặc biệt. Chính vị chua ngọt này hòa với vị mặn của lớp tôm khô cháy tỏi phía trên tạo nên hương vị đậm đà của tô hủ tiếu khô. Nêm thêm một chút chanh, ngắt thêm vài cọng giá sống, rau cần, hòa lẫn với bánh hủ tiếu mới thấy hết cái ngon của tô hủ tiếu Cả Cần trứ danh qua bao thập kỷ này.

Hủ tiếu Cả Cần ngày nay có cải biên thêm một chút, ngoài các thành phần sườn non, thịt bằm, xá xíu, tôm còn có thêm chả cây và dồi chiên (như trong món cháo lòng). Phiên bản đặc biệt này được bán với giá 67,000 hẳn sẽ làm bạn hơi bất ngờ. Tuy nhiên với thành phần đặc biệt và đa dạng như vậy, cũng đáng để thử qua.

Ngoài ra còn có món bánh bao đã làm nức lòng bao thế hệ khách hàng. Bạn sẽ sửng sốt thêm một lần nữa khi biết một cái bánh bao đặc biệt có giá đến 32.000đ (nhân tôm, thịt, trứng muối và nấm đông cô). Bánh được hấp trên một bếp lớn với kỹ thuật bí truyền, tạo ra độ thơm ngon mà hiếm quán nào sánh bằng. Rất nhiều thực khách khi ăn hủ tiếu xong còn gọi một cái bánh bao đặc biệt ăn thêm, vì như vậy mới trọn vẹn một lần đến ăn ở Cả Cần.

Hơn 40 năm trôi qua cùng với bao biến cố và sự kiện, tô hủ tiếu cùng cái bánh bao vẫn giữ đúng hương vị từng làm mê đắm bao thế hệ người Sài Gòn. Sẽ không quá lời nếu cho rằng hủ tiếu Cả Cần là một phần của di sản ẩm thực Sài Gòn.

Video đang HOT

Hủ tiếu Cả Cần: Một phần di sản Sài Gòn - Hình 3

Hủ tiếu Cả Cần

110 Hùng Vương, phường 09, quận 05

(ngay ngã tư Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương)

Mở cửa: Ca sáng (6h đến 12h), ca chiều (12h đến 2h sáng)

Xem thêm :  Review quán nhậu tự do: bảng giá và menu có gì ngon?

Giá: Hủ tiếu – tô nhỏ (45.000đ), tô lớn (67.000đ); bánh bao đăc biệt (32.000đ/)

Theo SGAT

6 món ngon nên ăn khi đến Sài Gòn

Cơm tấm, lẩu, bún bò, hủ tiếu hay các món ốc… là những món ngon bạn không nên bỏ qua khi đến Sài Gòn.

Dưới đây là một số món ngon ở Sài Gòn.

Cơm tấm

Cơm tấm là món ăn bình dị, hầu như có mặt trên các tuyến đường ở Sài Gòn. Ai đến đây mà chưa ăn cơm tấm là coi như chưa từng đặt chân tới Sài Gòn. Cơm được nấu từ tấm (gạo nát, gạo vụn), đĩa cơm tấm ngon là cơm phải khô, khi chín hạt cơm không được dính nhau.

6 món ngon nên ăn khi đến Sài Gòn - Hình 1

Cơm tấm là món ăn đường phố rất phổ biến ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.

Với cơm tấm sườn, miếng sườn lợn phải được ướp đúng gia vị, khi nướng tỏa hương thơm ngào ngạt đến quyến rũ. Khi ăn mềm nhưng lại hơi dai và đậm đà. Ngoài sườn nướng, nguyên liệu ăn kèm còn rất phong phú như: trứng ốp la, bì, chả….

Ăn cơm tấm không thể thiếu chén nước mắm chua ngọt đơn giản nhưng rất tinh tế. Nước mắm được nấu với đường và nước lạnh theo một tỷ lệ nhất định, sao cho nước chấm có độ sánh, khi tưới lên dĩa cơm dễ dàng thấm vào từng hạt gạo, thớ thịt. Thêm một ít đồ chua như củ cà rốt, củ cải trên đĩa cơm nữa là món ăn trở nên đủ vị và ngon miệng.

Hủ tiếu

Hủ tiếu tương đối xa lạ với người miền Bắc, nhưng lại quá đỗi quen thuộc đối với người miền Nam. Món ăn này được người Hoa du nhập vào Việt Nam và biến đổi cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Ở Sài Gòn hiện nay có những thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng như hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Sa Đéc và một món hủ tiếu bình dị, dân dã là hủ tiếu gõ.

6 món ngon nên ăn khi đến Sài Gòn - Hình 2

Ở Sài Gòn có nhiều thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng như: hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc. Ảnh: Khánh Hòa.

Một bát hủ tiếu đầy đủ gồm nước dùng, tôm, thịt lợn, thịt băm, sợi bánh nhỏ như sợi bún nhưng có màu đục, ăn kèm với xà lách, cải cúc, hẹ, giá tươi… Ngày nay, hủ tiếu còn được biến tấu với nhiều nguyên liệu ăn kèm phong phú như: cá, mực, lòng, sườn…

Trong bát hủ tiếu thì nước dùng là quan trọng và chuẩn bị công phu nhất. Muốn nồi nước dùng trong vắt và có vị ngọt thanh, người bán phải mua xương ống về hầm chung với mực khô, tôm khô, khi hầm để lửa nhỏ và phải vớt bọt liên tục. Rau ăn kèm hủ tiếu khá đơn giản với giá tươi, hẹ, xà lách, cần tay…

Các món bún

Có thể nói Sài Gòn là mảnh đất thiên đường của bún với hơn 20 loại bún khác nhau. Có thể kể ra đây một vài loại bún quen thuộc và nổi tiếng như: bún bò Huế, bún mọc, bún thịt nướng, bún mắm, bún cá…

6 món ngon nên ăn khi đến Sài Gòn - Hình 3

Bún bò là một trong những loại bún phổ biến nhất ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.

Khác nhau về nguyên liệu và cách chế biến nhưng các món bún đều đem lại cho người ăn sự hấp dẫn và ngon miệng. Một lý do nữa khiến người Sài Gòn ưa thích bún là sự tiện lợi, có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Cùng với đó là sự phong phú của món ăn giúp bạn có thể thay đổi và không đem lại cảm giác ngấy.

Xem thêm :  Khóa học cắt may cơ bản

Phở

Phở là món ăn nổi tiếng từ miền Bắc vào Sài Gòn. Không còn giữ được nguyên bản, những quán phở ở Sài Gòn đã biến tấu để phù hợp với khẩu vị của người miền Nam. Bạn có thể nhận biết được điều đấy khi nhìn vào bát phở của người Sài Gòn, sợi phở bé và mảnh hơn bánh phở Hà Nội, nước dùng có vị ngọt chứ không đậm như bát phở của miền Bắc.

6 món ngon nên ăn khi đến Sài Gòn - Hình 4

Có nguồn gốc từ miền Bắc, phở nhanh chóng là món ăn được ưa thích ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.

Nguyên liệu ăn kèm truyền thống trong bát phở là thịt bò với các cách chế biến như tái, nạm, gân, gầu… Ngày nay, phở được biến tấu phong phú với nhiều loại như phở cá, phở gà, phở đà điểu…

Các món lẩu

Lẩu là món ăn chơi được ưa thích khi Sài Gòn về đêm. Ở Sài Gòn có các con phố lẩu nổi tiếng như: lẩu dê ở khu Nguyễn Công Trứ (quận 1), lẩu bò, lẩu dê khu Ngô Thời Nhiệm – Trương Định (quận 3); lầu cá kèo khu Bà Huyện Thanh Quan – Sư Thiện Chiếu (quận 3); lẩu thập cẩm khu Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5); khu bờ kè kênh Nhiêu Lộc (quận Bình Thạnh)…

6 món ngon nên ăn khi đến Sài Gòn - Hình 5

Lẩu là món ăn rất đa dạng, thích hợp trong buổi chiều tối ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa.

Lẩu tương đối dễ ăn, nguyên liệu lại phong phú nên thích hợp với nhiều người. Có nhiều loại lẩu rất nổi tiếng như: lẩu Thái, lẩu cá kèo, lẩu hải sản, lẩu nấm… ngoài ra còn có nhiều loại đặc sản như: lẩu cua đồng, lẩu ốc, lẩu ếch… Bên cạnh nguyên liệu thì rau ăn kèm lẩu rất phong phú, tùy theo loại lẩu mà lựa chon rau phù hợp như rau nhút, rau muống, bắp chuối, cải thảo, cải bẹ xanh, cải ngọt…

Các món ốc

Khổng thể bỏ qua món ốc khi kể đến các món ăn ở Sài Gòn. Ốc là tên gọi chung, bao gồm rất nhiều loại hải sản khác nhau như: nghêu, sò, ốc, chem chép…. Những con đường như Thành Thái (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4)… là những địa chỉ quen thuộc của tín đồ mê ốc ở Sài Gòn.

6 món ngon nên ăn khi đến Sài Gòn - Hình 6

Cách chế biến phong phú, hương vị thơm ngon tạo nên sự hấp dẫn của các món ốc. Ảnh: Khánh Hòa.

Các quán ốc thường mở cửa từ buổi trưa cho đến tối, khuya, cá biệt có nhiều quán mở cửa đến rạng sáng hôm sau. Sở dĩ món ốc được nhiều người ưa thích vì có cách chế biến phong phú với nhiều hương vị khác nhau. Bạn có thể nướng, xào, hấp, luộc, nấu cháo… với nhiều gia vị khác nhau như: nướng nước mắm, nướng mỡ hành, xào bơ cay, xào tỏi…

Ngoài những món ngon kể trên, còn rất nhiều món ngon khác cho du khách tha hồ thưởng thức khi đến Sài Gòn như: bánh canh, bánh xèo, bánh khọt, các loại chè…

Khánh Hòa

Theo VNE


HỦ TIẾU CẢ CẦN hơn 40 năm | Có gì trong tô hủ tiếu 70k chính gốc Mỹ Tho ở Sài Gòn


Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp

Related Articles

Back to top button