Kỹ Năng Sống

Văn hóa thời gian rỗi trong thơ nguyễn trãi

Nguyễn Trãi (1380-1442), tự là Ức Trai – một nhân tài kiệt xuất trong lịch sử nước ta, văn võ song toàn. Nói riêng thơ văn, ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị cao về nhiều mặt, đặc biệt là về tinh thần yêu nước và tư tưởng nhân nghĩa. Chỉ nói về thơ chữ Nôm và chữ Hán của Nguyễn Trãi, thì một trong những nội dung nổi bật nhất – là tình yêu thiên nhiên say đắm, nồng nàn của ông. Đọc lại những vần thơ về tình yêu thiên nhiên của một tâm hồn thi nhân lớn của đất nước, thiết tưởng cũng là một điều có nhiều ý nghĩa và lý thú để tưởng nhớ một vị “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa” của dân tộc ta.

Bạn đang xem: Thiên nhiên trong thơ nguyễn trãi

Thiên nhiên giàu đẹp, cảnh trí xinh tươi, giang sơn gấm vóc bao giờ cũng là nguồn đề tài và nguồn cảm hứng vô tận của các thi nhân. Văn học Việt Nam trung đại, thời kỳ Lý – Trần – Hồ và từ sau Nguyễn Trãi, có Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan… cũng là những thi nhân có làm thơ về thiên nhiên. Nhưng có thể nói, văn học thời phong kiến ở nước ta ít có thi nhân viết nhiều thơ về thiên nhiên mà lại hay và đặc sắc như Nguyễn Trãi.

*

Thi hào Nguyễn Trãi(1380-1442)

Thơ viết về thiên nhiên của Ức Trai chiếm phần lớn và cũng là những bài thơ hay nhất trong hai tập thơ của ông. Những dẫn chứng về thơ Nguyễn Trãi, trong bài viết này – đều theo tập “Thơ chữ Nôm” (do hai nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm phiên âm, chú giải, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, xuất bản năm 1956) và tập “Thơ chữ Hán” (do các nhà Hán học uyên thâm: Phan Võ, Lê Thước và Đào Phương Bình dịch, NXB Văn hóa, Hà Nội, xuất bản năm 1962).

1. Thiên nhiên thấm đẫm cảm xúc, tâm hồn thi nhân Nguyễn Trãi

Thiên nhiên nước ta, trong “đôi mắt xanh non” của nhà thơ Nguyễn Trãi, hiện lên rất đa dạng, sinh động, có sức sống riêng. Đứng trước một cảnh vật, dù cảnh vật đó có bình thường đến đâu chăng nữa, tâm hồn thi nhân của Nguyễn Trãi cũng rung cảm một cách dào dạt, thắm thiết lạ thường. Từ những cảnh tượng hùng vĩ như Vân Đồn, cửa bể Bạch Đằng, cửa bể Thần Phù, đến những cảnh bình dị như một ánh trăng, một buổi chợ, một bông hoa nở, một nõn chuối, một luống mùng tơi, hay một tiếng chim kêu… tất cả đều gợi lên trong tâm tưởng Ức Trai những tứ thơ mênh mông, lai láng, những khoảnh khắc say sưa, nồng nhiệt. Thật đúng là Nguyễn Trãi đã có một mối tình với thiên nhiên, như ông viết: “Non nước cùng ta đã có duyên” (Tự thán – 4; Thơ chữ Nôm). Ông đã biểu hiện thiên nhiên với nhiều màu sắc, đường nét, âm thanh. Thiên nhiên ấy mang hồn người, mang tư tưởng, tình cảm của nhà thơ.

Đây là những cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ trong “Thơ chữ Hán”. Hãy xem phong cảnh của vùng núi Vân Đồn (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh): “Lộ nhập Vân Đồn san phục san/ Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan/ Nhất bàn lam bích trừng minh kính/ Vạn hộc nha thanh đọa thúy hoàn” (Bài Vân Đồn); dịch nghĩa: “Đường vào Vân Đồn núi rồi lại núi/ Trời bầy đất đặt nên áng kỳ quan/ Một mâm lam biếc, (nước) lắng tấm gương trong/ Muôn hộc đen xanh, (núi) bỏ xõa mái tóc màu thúy” (Ghi chú: Từ đây, thơ chữ Hán chỉ dẫn chứng phần dịch nghĩa, hoặc dịch thơ – ĐNĐ). Và đây là những nét phác họa hết sức sắc sảo về vẻ đẹp hùng vĩ của cửa bể Bạch Đằng – nơi diễn ra những chiến thắng vang dội của Ngô Quyền chống quân Nam Hán và Trần Hưng Đạo đánh tan giặc Nguyên – Mông: “Gió bấc thổi mặt biển, thế nước lên cuồn cuộn/ Giương cánh buồm thơ nhè nhẹ lướt qua sông Bạch Đằng/ Như cá sấu bị chặt, cá kình bị phanh, núi uốn quanh co/ Như cây giáo chìm, như chiếc kích gẫy, bờ xây lởm chởm…” (Bạch Đằng hải khẩu). Bài thơ toát lên lòng tự hào của Nguyễn Trãi về truyền thống dân tộc kiên cường chống giặc ngoại xâm. Còn đây là cảnh trí thơ mộng nhưng không kém phần hùng tráng của cửa bể Thần Phù (thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa): “Thần Phù qua đó, lúc đêm khuya/ Gió mát trăng thanh cảnh tuyệt kỳ/ Măng mọc nghìn đầu, non dựng đứng/ Rắn xanh một dải, nước quanh đi/…” (Thần Phù hải khẩu). Và đây nữa, cảnh đẹp núi Dục Thúy (ở Ninh Bình): “Cửa biển có núi tiên/ Năm xưa thường đi về/ (Như bông) Hoa sen nổi trên mặt nước/ Cảnh tiên sa xuống trần gian/ Bóng tháp như cái trâm ngọc xanh cài vào/ Món tóc biếc chiếu trong làn sóng/…” (Dục Thúy sơn).

Xem thêm :  Thơ về giang hồ hay ngắn ❤️️tình nghĩa anh em giang hồ

Xem thêm: What Does (Cos(2X))^2 Equal? ? (Cos Square X)

Có những khi thiên nhiên làm cho nhà thơ ngây ngất, cảm hứng của tác giả càng dạt dào, mãnh liệt. Cũng như Lý Bạch (nhà thơ nổi tiếng đời Đường), Nguyễn Trãi tha thiết với trăng. Trăng tạo nên tứ thơ phóng khoáng, tự do, nâng tâm hồn nhà thơ lên đến tột đỉnh của cảm xúc: “Góc biển bên trời mặc ý ngao du/ Trong cõi kiền khôn, đến đâu cũng phóng tầm mắt thơ/ Hát chài cất lên ba lần, mặt hồ có khói thêm rộng mênh mông/ Sáo mục đồng thổi lên một tiếng, mặt trăng trên không càng lên cao vút/ Đêm thanh dựa vào khoảng không ngắm xem vũ trụ/ Gió thu thổi thừa hứng cưỡi lên cá kình, cá ngao/ Sau khi muôn việc đã thoáng quên/ Lẽ màu nhiệm thật đáng đưa vào chén rượu đục” (Chu trung ngẫu thành). Đặc biệt, trong bài “Côn Sơn ca”, bằng những nét tả thực rất sinh động, ta thấy nhà thơ chan hòa trong cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, với nhiều màu sắc, âm thanh tươi tắn, rộn ràng: “Côn Sơn nước chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá, như ngồi chiếu êm/ Trong ghềnh, thông mọc như nêm/ Tìm nơi bóng mát, ta lên ta nằm/ Trong rừng có trúc bóng râm/ Trong màu xanh mát, ta ngâm thơ nhàn/…”. Trong “Thơ chữ Hán” của Nguyễn Trãi, ta còn bắt gặp những cảnh vật rất bình dị, thân thuộc của làng quê Việt Nam. Ví như cảnh cuối xuân bắt đầu sang hè trong bài “Mộ xuân tức sự”: “Trong tiếng cuốc kêu, mùa xuân có chiều hướng già đi/ Đầy sân mưa lác đác, giữa lúc hoa xoan đang nở/…”.

Thiên nhiên trong “Thơ chữ Nôm” của Nguyễn Trãi cũng thật là đẹp và trong sáng, thân thuộc với đời sống nhân dân. Trong các sự vật thiên nhiên, Nguyễn Trãi yêu trăng nhất. Hình ảnh “trăng” đi lại rất nhiều trong thơ Nôm của ông. Trăng với Nguyễn Trãi như người bạn tri kỷ, tri âm. Hãy đọc vài bài, vài câu tuyệt bút: “Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi/ Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu” (Bài Bảo kính cảnh giới – 26); “Dò trúc, bước qua lòng suối/ Tìm mai, theo đạp bóng trăng” (Tự thán – 7); “Khách đến chim mừng, hoa xảy động/ Chè tiên nước kín, nguyệt đeo về” (Thuật hứng – 3. Chú giải tiếng cổ: “kín” – là múc, “đeo” – theo); “Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt/ Khoan khoan những lệ thỏ tan vừng” (Tích cảnh – 1. Chú giải: “Lệ” – e ngại, “thỏ” – mặt trăng)… Nguyễn Trãi tả một nõn chuối (lá chuối non, cuộn lại) mà tài tình, gợi cảm và… lãng mạn như thế này: “Tình thư một bức, phong còn kín/ Gió nơi đâu, gượng mở xem” (Ba tiêu).

Cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng làm cho Nguyễn Trãi rung động, tâm trạng lâng lâng: “Một phút xuân là một động người”. Nếu như nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất Nguyễn Trãi với những bức thư địch vận “mưu phạt tâm công” khiến nghĩa quân Lam Sơn nhiều khi chiếm được thành mà không mất một mũi tên, với “Bình Ngô đại cáo” – một bản “thiên cổ hùng văn” hừng hực khí thế anh hùng ca, thì thi nhân Nguyễn Trãi lại hết sức say sưa, hòa nhập cùng thiên nhiên, hết sức quý trọng những giờ phút được sống với thiên nhiên ấy: “Gẫm trong nhàn, nào thửa được/ Đầy song hoa nở, tiếng chim kêu” (Bảo kính cảnh giới – 37. Chú giải: “Song” – cửa sổ). Cũng vì rất yêu và hòa nhập với thiên nhiên, mà Nguyễn Trãi càng khao khát sống – dù nhiều lúc ông bị bọn quyền thần dèm pha, hãm hại, bị Lê Lợi ruồng rẫy; càng khao khát được trẻ lại và nuối tiếc vì tuổi trẻ đã qua: “Xuân xanh chưa dễ hai phen lại/ Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên” (Tích cảnh – 3), và: “Thấy cảnh, lòng thơ càng vấn vít/ Một phen tiếc cảnh, một phen thương” (Tích cảnh – 4). Nguyễn Trãi muốn trẻ lại, để được sống hết mình vì đất nước, vì nhân dân. Thật vậy, không phải chỉ ở tuổi tráng niên, mà ngay khi về ở ẩn, ông vẫn cháy bỏng nguyện vọng thực hiện lý tưởng của mình là xây dựng một đất nước thái bình, thịnh trị. Bài “Bảo kính cảnh giới – 43” không chỉ là bài thơ tả cảnh quê hương, đất nước đầy vẻ đáng yêu, mà còn biểu hiện đậm nét khát vọng cao cả của ông về một xã hội tốt đẹp: “Rỗi hóng mát thủa ngày trường/ Hòe lục đùn đùn tán rợp giương/ Thạch lựu hiên, còn phun thức đỏ/ Hồng liên trì, đã tiễn mùi hương/ Lao xao chợ cá làng ngư phủ/ Dắng dõi cầm ve lầu tịch dương/ Dẽ có Ngu cầm, đàn một tiếng/ Dân giầu đủ, khắp đòi phương” (Ngu cầm – đàn của vua Ngu. Truyền thuyết của Trung Quốc kể rằng: Đất nước của vua Ngu thời cổ đại rất thịnh trị, yên vui; nhân dân sống đầy đủ, hạnh phúc).

Xem thêm :  Những câu nói hay về nắng và gió, stt về nắng

2. Nghệ thuật tả cảnh và biểu cảm tài tình, mới lạ của Nguyễn Trãi

Ở thế kỷ XV, văn học viết của ta đang trên đà xây dựng và phát triển, Nguyễn Trãi đã tìm tòi một thể thơ mới cho dân tộc, để thoát khỏi ảnh hưởng của thơ Đường, thơ Tống. Trong thơ chữ Nôm, ông tạo nên thể thơ lục ngôn, với những câu thơ 6 chữ, mới lạ so với đương thời: “Dò trúc, bước qua lòng suối/ Tìm mai, theo đạp bóng trăng” (Tự thán – 7); hoặc: “Rỗi hóng mát, thủa ngày trường” (Bảo kính cảnh giới – 43)… Về ngắt nhịp trong câu thơ thất ngôn, nhiều khi ông không theo nhịp 4/3 như trong thơ Đường, thơ Tống, mà ngắt nhịp rất tự do, phóng khoáng, tùy theo cảm xúc. Ví như ngắt nhịp 2/2/3: “Khách đến/ chim mừng/ hoa xảy động// Chè tiên/ nước kín/ nguyệt đeo về” (Thuật hứng – 3. Chú giải: “đeo” – nghĩa là theo, “kín” – là múc); hoặc ngắt nhịp linh hoạt 3/3, rồi 4/3 và 3/4 như trong bài thơ chữ Nôm “Bảo kính cảnh giới – 43”: “Rỗi hóng mát/ thủa ngày trường// Hòe lục đùn đùn/ tán rợp giương// Thạch lựu hiên/ còn phun thức đỏ// Hồng liên trì/ đã tiễn mùi hương”… Về ở ẩn, sống gần những người bình dân, Nguyễn Trãi dùng nhiều từ láy – một hình thức độc đáo, sinh động của ngôn ngữ dân tộc: “Hương cách gác vân, thu lạnh lạnh/ Thuyền kề bãi tuyết, nguyệt chênh chênh” (Bảo kính cảnh giới – 31). Nguyễn Trãi có những câu thơ diễn tả một niềm vui thanh thoát, tế nhị, kín đáo mà tứ thơ rất mới lạ, đáng để nhiều nhà thơ ngày nay phải… “giật mình”, kính nể. Ví như ông tả nõn chuối: “Tình thư một bức, phong còn kín/ Gió nơi đâu, gượng mở xem” (Ba tiêu). Hoặc: “Dò trúc, bước qua lòng suối/ Tìm mai, theo đạp bóng trăng” (Tự thán – 7). Ở đây, trí tưởng tượng của nhà thơ thật kỳ diệu. Ta liên tưởng tới câu thơ tuyệt bút của Thế Lữ trong Phong trào Thơ mới, 1930-1945: “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”! Với một tâm hồn thi sĩ, bằng giác quan rất nhạy cảm, Ức Trai đem lại cho chúng ta những tứ thơ rất đẹp. Ví như: “Sau trận mưa, con nước mùa xuân đầy ngoài cửa biển/ Gió trời thổi tới, hoa sóng phun lên/ Những tia sáng xuyên qua nửa cánh rừng, sàng qua chòm cây có khói/ Tiếng chuông ở cách sông nện trong xóm có trăng” (Chu trung ngẫu thành – Thơ chữ Hán. ĐNĐ có sửa bản dịch).

Xem thêm :  Những câu nói hài hước về tình yêu bá đạo nhất, 25+ câu nói hài hước nhất về tình yêu

Thơ thiên nhiên của Nguyễn Trãi thể hiện lòng lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống của nhà thơ. Nó khẳng định chỗ đứng của Nguyễn Trãi ở giữa cuộc đời, trong lòng nhân dân, không hề thoát tục. Cái vui tươi, lạc quan trong thơ viết về thiên nhiên của Nguyễn Trãi là sự phản ánh cái vui tươi, lạc quan của cả dân tộc ta ở nửa đầu thế kỷ XV vừa mới hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống giặc Minh, đang xây dựng lại đất nước. Đúng như lời nhận định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Thơ Nguyễn Trãi là tâm hồn của Nguyễn Trãi, trong sáng và đầy sức sống. Thơ Nguyễn Trãi có bài buồn, có câu buồn, vì lẽ gì chúng ta đều biết, nhưng cả tập thơ của Nguyễn Trãi là thơ của một người yêu đời, yêu người, tâm hồn Nguyễn Trãi sống một nhịp với non sông đất nước tươi vui” (Phạm Văn Đồng – “Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ”; NXB Văn học, Hà Nội – 1973, tr.318-319).


Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi


Bình Ngô đại cáo (1428) là bài cáo của Nguyễn Trãi viết thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt.
Bản dịch của Ngô Tất Tố như sau.
Thay trời hành hoá, hoàng thượng truyền rằng.
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cỏi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Cho nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại;
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét, chứng cứ còn ghi.
Vừa rồi:
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim trả, chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa?
Nặng nề những nổi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Lẽ nào trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?
Ta đây:
Núi Lam sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.
Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi
Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
Chính lúc quân thù đang mạnh.



Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay.

Đại Việt Media
Youtube: http://bit.ly/2kIh4yR
Facebook: http://bit.ly/2kw0d2t
Twitter: http://bit.ly/2kIqevc
Pinterest: http://bit.ly/2kxvF0f
Website: http://bit.ly/2kw0G4J

BìnhNgôĐạiCáo
NguyễnTrãi
TiềnLê

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kỹ Năng Sống
Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kỹ Năng Sống

Related Articles

Back to top button