Kỹ Năng Sống

Boristo nguyen

Bạn đang xem: Boristo nguyen Tại Website chongthamvietnam.vn
Bạn đang xem: Boristo nguyen Tại Website chongthamvietnam.vn

Thưa bạn cà phê một thời…
Một ngày…

Gặp lại bạn xưa trường cũ, nhóm anh em Kiến Trúc miền đông cũng như anh em Nguyễn Trãi – Chu Văn An 56-63, với tôi bạn bè như cái gạch nối giữa hiện tại và quá khứ. Mà gặp lại nhau qua điện thư với máy vi tính, nên viết trở thành một nhu cầu cần phải có, dài cũng như ngắn, nhưng cái nhiễu sự là không biết viết gì. Một mảnh vườn, vài chậu bonsai, năm ba món đồ cổ, quanh đi quẩn lại thì cũng chỉ từng ấy, riết róng rồi cũng nhàm chán đến buồn tênh. Viết về mình ư… Về những cuộc tình, tình đầu, tình giữa, tình cuối thì cũng không tránh được những ngộ nhận và trái khoáy vì đang nằm ở cái tuổi già thì chưa già, nhưng ắt hẳn chẳng còn trẻ nữa. Hay là hãy tạm dừng chân ở một ngã ba đường, một khúc quanh nào đó…Ở nơi chốn ấy, có quán cà phê cùng bằng hữu, với những mẩu chuyện vu vơ, vụn vặt, không đầu không đuôi.

Tôi muốn nhắc đến quán Thằng Bờm…

Cuối năm 75 hay qua năm 76 thì phải, tôi không nhớ rõ lắm, tình cờ gặp anh Đỗ Ngọc Yến từ Austin lên Houston đi chợ mua đồ khô, chẳng là dạo ấy ở thành phố này có dăm tiệm chạp phô của người Hoa bé bằng cái lỗ mũi. Hai anh em gặp nhau tán gẫu chuyện vật đổi sao rời, chuyện người chuyện ta. Cả một thời xa vắng hiện về với những cái tên và hỏi nhau, chẳng biết bây giờ họ đang luân lạc ở nơi nao. Anh Yến và tôi cũng chẳng hơn gì, cả hai vừa chấn ướt chân ráo với cùng một lứa bên trời lận đận cũng chẳng biết đi về nơi chốn nào. Bắt qua chuyện ta, anh thân mật vỗ vai tôi cười đùa: ‘Hay là làm lại qúan Thằng Bờm’. Tôi cũng chỉ đành lắc đầu cười trừ, rồi hai anh em chia tay mỗi người một ngả, anh suôi về miền viễn tây với đất ấm tình nồng, sau làm báo như một cái nghiệp dư. Tôi ở lại tiếp tục đi cầy trả nợ áo cơm. Vì vậy có thể nói, anh Đỗ Ngọc Yến là người tôi gặp đầu tiên và nhắc đến quán này.
Cả chục năm sau nghe hơi nồi chõ, có một nhóm anh em nào đó mở quán cà phê ở bên ấy và trang trí như quán Thằng Bờm. Lại nữa, đọc một hai bài báo, thấy quán chiếm được năm ba dòng cùng một chuỗi quá vãng của những ngày này năm nọ. Bài báo lại nhắc đến dăm cái tên nghe quen quen, tôi lại bồi hồi nao nao nỗi nhớ…Gần đây ở thành phố tôi đang cư ngụ, nhà thơ Ngu Ý có tổ chức đêm ra mắt thơ, ông anh họ nghe hội luận lóang thóang trên đài thì với âm hưởng của quán Thằng Bờm. Nhưng rất tiếc ông anh cho biết qúa trễ, nên tôi đã không tìm lại cái không khí của qúan xưa. Những ngày đó, bạn cũng như tôi, chẳng biết làm gì ngoài…ngồi đồng ở những quán cà phê. Những chỗ ngồi của một thời, một thuở ấy, mặc dù chỉ thoáng qua âm hưởng một dòng nhạc bất chợt, nhưng ít nhất thì cũng níu kéo một khoảng thời gian với một nhớ hai quên…

Thế nhưng, gửi gió cho mây ngàn bay về một cái quán khuất nẻo trên, chẳng hẳn lúc nào cũng như người cưỡi mây. Một ngày…Cũng ở thành thành phố vắng gió đìu hiu này, tôi đang thả rong, ngước mặt lên nhìn trời, bỗng bắt gặp cái bảng hiệu với cái tên Quán Thằng Bờm. Không bước vào, nhưng tôi biết bên trong có ánh đèn mầu xanh xanh đỏ đỏ, vì rõ ra ấy là…cà phê ôm. Ghé quán bên cạnh, ngồi lơ mơ thả hồn đi hoang về với lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Và tôi cũng không quên bắt một chai bia lạnh, gọi thêm một ly nước đá.
Để nhớ về một thằng bạn cũ…
Tất cả bằng vào tôi quen Lưu Trọng Đạt ở quán cô Hồng đường Pasteur, gần như nửa thời gian đi học tôi trấn thủ lưu đồn ở quán này, lúc sáng khi chiều, để đắm chìm trong khói thuốc, day dứt với… người con Việt Nam da vàng của một thời để yêu, một thời để nhớ. Quán nhỏ, không bảng hiệu, bàn ghế thấp lè tè cùng hai chị em cô chủ tóc dài liễu trai, lặng lẽ đi ra đi vào như hai chiếc bóng, áo quần như sương sa mờ nhân ảnh. Như một thói quen không thể bỏ, tôi ngồi ở đấy từ ngày này qua tháng nọ, đến mụ người như cánh vạc bay, rồi đàn bò vào thành phố cùng cỏ hoang lạc lối…Rồi cô Hồng, cô Hà, con chị nó đi con dì nó lớn, quán mỗi ngày một vắng, đại bác đêm đêm vọng về theo ánh hỏa châu của chiến trường. Để rồi, quán cứ thưa thớt dần, khách khứa đếm trên đầu ngón tay, thằng còn thằng mất, anh nằm xuống hơn một lần…

Xem thêm :  Từ đồng dao đến thơ hiện đại: trường hợp trần dần

Cả một khoảng không gian thu hẹp của một cõi, cùng những luyến lưu với ngày là lá tháng là mây. Ít lâu sau này gặp lại bạn bè ngồi như đóng chốt ở cái quán cuối phố, nhớ lại mỗi đứa một góc, cả một khung trời quen thuộc, thằng này thằng kia, rồi cũng thân quen. Nghĩ cho cùng thì ở cái tuổi này, cũng cần phải có một nơi chốn để trở về cùng những ngày tháng cũ. Để rồi không ai bảo ai, như gió đánh đò đưa lại cùng nhau hẹn hò về ngày này năm ấy…Ngày ấy quán như một nơi chốn để gặp nhau, tới không gặp thì để lại một vài hàng nhờ cô chủ quán chuyển dùm. Cũng nơi chốn đó, tuần trước thằng bạn về phép, tuần sau bàng hoàng nghe tin anh nằm xuống, hơn một lần…. Ngồi chơ vơ một mình, đốt điếu thuốc như thắp nén hương lòng cho những thằng bạn đã bỏ cuộc chơi, để bất chợt thấy ly cà phê đắng chát và nguội ngắt. Để ngay lúc này, nghĩ về những thằng bạn quen biết một thời, đã áo bào thay chiếu anh về đất, để nhiều thằng, bây giờ với năm tháng còm cõi, chẳng nhớ nổi một cái tên, nhưng như mới đâu đây, như mới ngày nào.

Để rồi lại quên…
Nhớ với quên, cũng không thể vắng mặt với một vài quái tướng dị nhân, có khứa lúc nào cũng ngồi ở một góc cố hữu và quay đầu vào tường, mặt mày đăm chiêu táo bón như một triết nhân sinh bất phùng thời qua…dạng Phạm Công Thiện với mặt trăng hiếp dâm mặt trời. Đến một nhóm khác cùng ‘tuổi trẻ phải là một cái gì?’. Một cái gì đâu không thấy, chỉ toàn nói chuyện đội đá vá trời, trên thông thiên văn dưới thuộc lòng địa lý, giải quyết được tất cả những khó khăn chính trị, kinh tế toàn cầu và đến mục nhức nhối là khoản chi tiền chầu cà phê thì…quên, tên này đùn tên kia, thuốc lá điếu mồi, điếu hút, điếu ‘sơ cua’. Để rồi bỗng dưng không đâu, đột nhiên đứng dậy và biến mất như người hành tinh…và hôm sau lại tiếp nối chuyện trên trời dưới biển, tưởng chẳng bao giờ dứt.
Qua đây, thỉnh thoảng nhận được điện thọai cuả bạn bè Pasteur ngày ấy, tôi lại ú a, ú ớ với cái trí nhớ èo uột của mình. Rồi lại hình bóng mờ nhân ảnh từng thằng lần lượt cũng có mặt, như một khứa lúc nào cũng trấn ngay trước cửa quán, chăm chăm canh chừng chiếc xe Suzuki, đến khi thằng thổi xế đạp máy, nổ ga chạy được gần…ba giây phù du mới tỉnh cơn mê trần la ơi ới. Đến thằng đang tập thổi kèn ở trường Quốc Gia Âm Nhạc, người như chiếc lu, mắt hấp ha hấp háy, miệng cười ruồi, tay nhón điếu thuốc lá. Và cũng không thể quên thằng bạn xưa trường cũ, mỗi lần người xuất hiện trước cửa quán là một lũ trong này ào ào như ong vỡ tổ, không hẹn mà gặp cùng nhau hô hóan rằng người ruồi reo máu lửa đến. Quá khứ lũ lượt rủ nhau kéo về ào ào như cơn gió lốc, tất cả không ngòai là những cái tên ngủ quên từ lâu trong tâm khảm, nay được đánh thức dậy như một dấu ấn của một quãng đời nào đó, để ai chẳng một lần cùng với những cảm hòai của những ngày tháng qua mau.

Từ quán cà phê Pasteur, tôi thân hơn với Đạt khi đi quân sự học đường ở trung tâm huấn luyện Quang Trung, buổi tối hai thằng ngồi ở sân cột cờ, nó ấm ớ hỏi tôi ‘Mày họ gì..’. Ấy đấy, quen nhau cả năm trời, tên thì biết, họ thì không. Tôi đáp: ‘Họ Phí’. Nó gật gù: ‘Để cuối tuần về phép lục gia phả nhà tao, may ra có họ mày..’. Xong, nó kể tiếp nó là con cháu của Lưu Vĩnh Phúc, giặc Cờ Đen , 54 di cư vào Nam chia làm hai nhánh, một nhánh ở Gia Định nói tiếng Việt, nhánh khác vào Chợ Lớn, chuyên trị tiếng Tầu. Tuần sau trở lại trại, nó báo cho tôi một cái tin không mấy vui gì cho lắm là tôi con cháu của giặc Cờ Trắng, chủ trì ở Đông Triều…Tiếp đến hai thằng con cháu tướng cướp rủ nhau mở quán…cà phê, kéo thêm mấy thằng bạn ăn cơm nhà vác ngà voi bên Vạn Hạnh, Kiến Trúc và Luật.
Lưu Trọng Đạt ‘luận’ về quán Thằng Bờm, cái thằng với giọng nói chậm rãi, nhẹ nhàng và ấm áp, luận đâu ra đấy, không thừa không thiếu, nghe bùi tai mát dạ. Nào là quán là quán văn nghệ, chủ trì là ngâm sĩ Thanh Hùng, tháng tháng sẽ có cặp Lê Uyên Phương từ Đà Lạt xuống, cuối tuần sẽ có ra mắt sách, nói chuyện, bình thơ, triển lãm tranh…Nghe thuyết tôi sướng mé đìu hiu, trộm nghĩ rằng, cứ theo đuôi nó, theo đóm ăn tàn thì con đường vào văn học sử ắt hẳn là sẽ thênh thang rộng mở. Thế là tôi bổ nhào đi bắt bộ máy ở quán Lam của nhóm anh em bạn Quốc Gia Hành Chánh, về thuê “căn hộ” khu Đề Thám gần Phạm Ngũ Lão, “tụ điểm” văn nghệ của những nhà văn lớn, nhà thơ thời danh với vang bóng một thời của thập niên bẩy mươi lúc bấy giờ.

Xem thêm :  [9001+] câu nói hay về tình yêu vĩnh cửu chạm đến triệu trái tim

Khoảng thời gian này có những quán danh trấn giang hồ như quán Cháo Lú bên Thị Nghè, quán Hầm Gió đường Phan Bội Châu, quán chị Chi con phố nhỏ Nguyễn Phi Khanh – Tân Định, cùng thời của Khánh Ly đi chân đất hát nhạc Trịnh Công Sơn ở quán Văn. Trước đó mấy tuần, tình cờ có bài báo viết về Thằng Bờm, bỗng dưng thằng bờm được khoác lên người cái áo bàng bạc với thuyết vô vi con chuồn chuồn của Lão-Trang…khi vui thì đậu khi buồn thì bay…và nó đề nghị đặt tên là quán Thằng Bờm. Tôi ứ hử thì nó ậm ừ ai muốn hiểu sao thì hiểu, miễn là có…nắm sôi là được rồi.

Về trang trí lúc đầu tôi có ý định dùng tre rồi lấy đèn hàn sì hun nóng cho lên nước ở mấy cái đốt tre, kỹ thuật này tôi học được qua anh họa sĩ Thái Bá lúc tôi làm ‘thợ vịn’ cho anh, nhưng chủ nhà không chịu vì phải bắt đà đục tường. Sau một thằng bạn kiến trúc có sáng kiến làm mấy cái khung, bọc vải bố, vừa để treo tranh triển lãm, vưà để hút khói thuốc lá, ghế là những khúc cây với bàn thấp lè tè của cái thế trung tọa với cái hào khí, đứng lên thì chẳng bằng ai, ngồi xuống thì chẳng ai hơn mình. Quán thành hình, rất đông vào những tối thứ sáu, thứ bẩy vì có văn nghệ góp gió thành bão như nó đã dự trù, đông đến độ khách phải đứng ngòai đường. Ban ngày thì lơ thơ tơ liễu buông mành, chiếu trên chiếu dưới đóng hụi chết có Nguyễn Hoàng Đoan, Vũ Thế Ngọc, Nguyễn Quỳnh.
Đâu đó gần mùa hè đỏ lửa năm 72, đẩy đưa anh em vào nơi gió cát, nó đi tiểu khu nắm một đại đội địa phương quân. Nhờ bà chị quen biết với Hòang Đức Nhã nên nó có tin hai, ba ngày nữa sẽ được biệt phái về Saì gòn làm cho cục Dân Vận. Ván cờ đã đến lúc cờ đang tàn cuộc không còn nước, mặc dù vẫn còn mã nhập tượng điền xe liền pháo cách đấy, nhưng Đạt không muốn mang pháo sang sông, Kinh Kha sang Tần một đi không trở lại. Thế nên buổi chiều, nó mượn hồ trường, nào ai tỉnh, nào ai say, xách súng bắn lung tung ngoài thị xã, cố tình để quân cảnh bắt nhốt.

Trước đó, nó kể tôi nghe một ngày, ông quan một đang ngồi quán, súng dắt sau lưng, thầy trò ngất ngưởng. Bất thình lình ông bố từ Sài Gòn lên thăm, vào tiểu khu tìm không thấy, ra tiền đồn cũng vắng bóng. Ông bố bèn vào quán nghỉ thở ra vì mệt. Bất chợt ông bố thấy thằng con đang tuổi trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương, thế là ông nổi xung tát ông con quan một một cái cho đỡ bực. Vài năm sau, đến lượt tôi khoác áo lính, cũng có mặt ở thành phố Bảo Lộc này, cũng ngồi ở một cái quán đầu thị xã, súng gác bên chân và uống rượu một mình. Lúc ấy, tôi đã mường tượng đến cái cảnh nó bị ông cụ bốp cho một cái, mặt anh con cứ nghệt ra. Tôi đã hình dung đến hình ảnh người hùng phố núi…bất đắc dĩ cầm súng bắn vung trời dậy đất ngoài đường phố…Và tôi tần ngần tự hỏi hay là chính ở cái quán này, cái thằng Lưu Trọng Đạt nó đã ngồi đây…

Và tôi ngẩn người vì gần gũi thằng này bao nhiêu năm, chẳng hay nó biết…uống bia tự lúc nào. Vì người tình chăng . Cũng có thể lắm, vì chuyện này tôi cũng biết qua.

Trở về lại với trận chiến mà Đạt có mặt dạo ấy, thế nhưng vì thiếu hụt quân số sao đó nên Đạt vẫn bị bốc ra khỏi quân lao đi hành quân. Trận đó tiểu đoàn của Đạt thắng lớn và cũng vừa lúc có sự vụ lệnh hoán chuyển. Trên đường về tiểu khu, Đạt dẵm phải mìn và…nhất tướng công thành vạn cốt khô đâu không thấy, chỉ thấy anh trở về…hòm gỗ cài hoa trong một chiều nhạt nắng, thê lương và ảm đạm, mây mù giăng giăng đầu núi.

Viết về quán Thằng Bờm như một dấu ấn, đánh dấu một đoạn đường đã qua: Quán Thằng Bờm chẳng của riêng ai, vì mỗi người có một quán cà phê của riêng mình ở Sài Gòn đầu đường cuối phố. Nói cho ngay, quán chỉ là cái mốc của thời gian và không gian nào đó. Như một chuyến đò qua sông, cây đa bến cũ, cùng những đam mê, những nhiệt tình của những mẫu người, những khuôn mặt như những Bí, những Lộc, những Lập…Nay nếu có hình dung lại từng khuôn mặt, hồi tưởng lại từng cái tên, dường như đều mờ nhân ảnh trong một cõi đi về, Để nhớ thằng này lộn qua thằng kia. Như thằng thổi kèn nay ở bên Úc chẳng hạn, hai thằng chỉ hàn huyên chuyện cũ, chuyện mới qua quán cà phê ngày nào, qua đường giây điện thoại viễn liên như mọi lần. Và chuyện…mới là đang mày tao chi tớ, bất chợt nó hỏi “Mày biết tao đang ở đâu không”. Chẳng đợi trả lời, nó cho biết là đang nằm trên xe lăn tới bàn mổ để thông van mạch, nhớ thì gọi vậy thôi. Vậy mà ngay sau đấy nó lặng lẽ đi vào cõi tĩnh mịch, chẳng ai biết, chẳng ai hay. Cái tình của thằng bạn cà phê là như thế đấy…Trước khi đi vào chốn vô cùng cũng chẳng quên ới cho bạn một tiếng…

Xem thêm :  Hoàng trung thông ngữ văn 6

Ngược lại giữa khoảng năm 75 với 80, giữa lúc nửa đêm về sáng có tiếng chuông điện thoại reo. Giọng bên kia có tiếng reo vui “Mày còn nhớ tao là ai không”. Ông cố nội ai mà nhớ, vì cái khoảng thời gian tranh tối tranh sáng này, nửa đêm choàng tỉnh dậy, mồ hôi lấm tấm đẫm lưng vì nằm mơ thấy Việt Cộng vác AK đuổi chạy có cờ nên quên tuốt. Hiểu theo nghĩa là chẳng chịu nhớ cho. Thế là tìm lại được một tên bạn cà phê. Ít lâu sau gặp ở San Francisco, biết thêm gã này cũng học Quốc Gia Âm Nhạc nhưng thuộc trường phái múa may kịch nghệ. Gã đang ở cái chung cư cấu trúc kiểu Âu Châu như một thành phố nhỏ, có lối đi lát đá quanh co khúc khủyu, cây to bóng mát, êm đềm và thanh tịnh. Gã đang học anh văn để sinh ngữ sinh tồn, hoài bão của gã là mở một quán cà phê bỏ túi trong nhà với hai, ba cái bàn cùng dăm chiếc ghế đốt lò hương cũ về những ngày tháng cũng cũ sì mốc meo và dự định sẽ học lại…múa tay múa chân. Tôi cũng đành ‘ngậm ngùi’ xiết chặt tay bạn ngả mũ chào thua và hết ý! Gần hai mươi năm sau tôi nghe tin gã vẫn còn ở chốn ấy, cũng vẫn mấy bộ bàn cũ thấp, mùa đông khệ nệ mang vào phòng khách, mùa xuân lại còm cõi khuân ra vườn. Và lạy chúa tôi, gã vẫn còn đang học…kịch nghệ, với nỗi niềm khắc khỏai không nguôi, đi đến chỗ hoang tưởng khôn cùng: Một ngày nào đó, trở về Thăng Long hòai cổ với tạo hóa gây chi cuộc hí trường, đến nay thấm thoát mấy tinh sương, để dàn dựng lại kịch bản Thần Tháp Rùa của một Vũ Khắc Khoan ngày nào của Hà Nội 54.

Đảo qua chuyện trên, tôi muốn trở lại những mẫu người, những nhiệt tình, như một Đỗ Ngọc Yến với báo Người Việt, một Lưu Trọng Đạt với quán Thằng Bờm. Cùng những bạn cà phê một thời, một thuở, như đang có mặt ở đâu đây…Ấy vậy mà mất cả mấy năm trời đằng đẵng, đến cái tên húy của gã kịch nghệ, tôi cũng chịu chết không nhớ nổi một cái tên.
Và chỉ nhớ nó là… một thằng bạn cà phê.

Thưa bạn cà phê một thuở…
Như trên tôi đã tản mạn, gặp lại bạn bè cũ để u hoài những ngày tháng sập sùi, để thấy mình còn có một quá khứ, mặc dù chỉ là cái quán, cái tên, nhưng ấy là những cái gạch nối để thấy mình còn hiện hữu đằng góc phố cuối đường. Ừ thì bằng vào tất cả những gì tôi nhắc tới qua bài viết này là một thóang ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của một trong những quán cà phê Sài Gòn qua trí nhớ. Mây vẫn bay, ngày vẫn trôi đi, ai chẳng có một cái quán để nấp bóng còn đang bồng bềnh ở đâu đó nơi quê nhà. Và cũng để hòai cảm có một ngày nào đó, ngồi bên quán vắng chiều hôm ở một thành phố lạ, bỗng dưng bắt gặp lại một vài khuôn mặt quen thuộc qua một dòng nhạc, qua những giọt cà phê đang lặng lẽ buông rơi…Để hoài cố nhân với còn ai nữa, những người của dĩ vãng thấp thoáng ẩn hiện trong một ngày nhạt nắng….

  • Phí Ngọc Hùng
    Xem them : Phi Ngoc Hung @ Ai Huu Dai Hoc Su Pham Saigon

Bình chọn

Thích bài này:

Thích

Đang tải…


Thằng Bờm ♪ Phim Ca Nhạc Thiếu Nhi Bé MAI VY Thần Đồng Âm Nhạc Việt Nam [MV Official]


♪ Thằng Bờm ♪ Phim Ca Nhạc Thiếu Nhi Bé MAI VY Thần Đồng Âm Nhạc Việt Nam [MV Official]——————————————————
☞ Mọi Người hãy ☞ \

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kỹ Năng Sống
Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kỹ Năng Sống

Related Articles

Back to top button