Kỹ Năng Sống

Tư tưởng nho giáo về gia đình và việc xây dựng gia đình mới ở việt nam hiện nay :: suy ngẫm & tự vấn :: chúngta.com

  •  
  • Nghiên cứu triết học
  • Triết học Văn hóa

Tư tưởng Nho giáo về gia đình và việc xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay

Khác với các học thuyết triết học phương Tây, triết học phương Đông nói chung và đặc biệt là Nho giáo nói riêng, luôn xem xét con người trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Ở Nho giáo, chúng ta thấy, không tồn tại một con người cá nhân, một cái tôi tách khỏi xã hội. Chính việc nhìn nhận con người trong các mối quan hệ xã hội đã giúp Nho giáo đề ra được những giải pháp bình ổn xã hội.

Theo quan niệm Nho giáo, mọi người trong xã hội đều bị trói buộc bởi năm mối quan hệ tự nhiên. Đó là quan hệ cha – con, vợ – chồng, anh – em, vua – tôi, bạn – bè. Năm mối quan hệ này phản ánh hai mặt của cuộc sống hiện thực là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội. Trong xã hội phong kiến, mối quan hệ gia đình được củng cố bằng chế độ tông pháp và chế độ gia trưởng; còn các quan hệ xã hội thì được duy trì bởi chế độ chính trị đẳng cấp. Đi cùng với các mối quan hệ đó là những yêu cầu giao tiếp bắt buộc mà mỗi thành viên trong xã hội phải thực hiện. Tương ứng với mỗi quan hệ, Nho giáo đặt ra những yêu cầu mang tính quy phạm đạo đức và được pháp luật ngầm bảo trợ. Tất cả những mối quan hệ trên và các phương thức ứng xử tương ứng với nó, theo Nho giáo, là cái trời đã định sẵn cho con người. Đã là gia đình thì phải có vợ – chồng, cha – con, anh – em. Trong gia đình thì vợ – chồng phải hòa thuận, phu xướng thì vợ phải tùy; là cha – con thì cha phải hiền từ biết thương yêu và nuôi dạy con cái, biết làm gương cho con cái học tập. Ngược lại, phận làm con phải biết ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, biết hiếu thuận với cha mẹ. Đã là anh em thì phải biết đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau; là anh chị thì phải biết nhường nhịn, thương yêu; là em thì phải biết nghe lời và lễ phép với anh chị. Trong quan hệ xã hội, Nho giáo đòi hỏi trước hết phải có lòng trung thành trong quan hệ vua tôi và trên dưới. Người dưới phục vụ người trên phải lấy chữ trung làm đầu. Kẻ trên đối xử với kẻ dưới phải lấy chữ nhân làm đầu, phải biết giữ lễ và phải có lòng tín thật. Xét chung trong mọi mối quan hệ, Nho giáo yêu cầu mỗi cá nhân phải lấy mình làm mốc mà yêu cầu đối với người. Cái gì mình muốn thì cũng làm hết lòng cho người khác và ngược lại, cái gì mình ghét thì cũng đừng đem lại cho người khác.

Bên cạnh đó, Nho giáo còn quan niệm rằng, mọi sự bất ổn trong xã hội đều có nguyên nhân từ việc ứng xử không tốt các mối quan hệ xã hội. Để bảo đảm sự ứng xử được đúng, Nho giáo yêu cầu mỗi người phải làm tốt vai trò của mình. Vai trò đó được xác định bởi danh phận của mỗi người do xã hội quy định. Đó là phận làm vua, phận làm tôi, phận làm cha, phận làm con…. Danh phận của mỗi người quy định cách ứng xử của họ. Cách ứng xử theo danh phận Nho giáo gọi là lễ. Theo Nho giáo, nếu trong xã hội mỗi người đều làm tốt bổn phận của mình thì xã hội sẽ thái bình. Nếu xã hội thái bình thì mọi người ai cũng được an cư lạc nghiệp. Khi đó, tất cả những người già cả, trẻ nhỏ và những người cô quả sẽ được mọi thành viên trong xã hội quan tâm giúp đỡ. Cảnh tranh giành và chém giết nhau vì cái lợi sẽ không còn. Để làm được điều đó, Nho giáo đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của gia đình.

Xem thêm :  Trách nhiệm của người làm trai qua chí làm trai nam bắc đông tây

Nho giáo cho rằng, gia đình chính là một cái nước nhỏ. Vì thế, nếu “một nhà nhân hậu thì cả nước nhân hậu. Một nhà lễ nhượng thì cả nước ăn ở đều có lễ nhượng. Một người tham lam thì cả nước bị rối loạn” (Đại học, chương 9). Do đó, một xã hội muốn thanh bình thì trước hết cần phải có những gia đình hòa thuận. Gia đình hòa thuận là gia đình mà mọi thành viên luôn quan tâm đến nhau, chăm lo cho nhau. Trong gia đình đó, vợ chồng sống hòa thuận thương yêu nhau, cùng nhau chăm lo nuôi dưỡng dạy dỗ con cái nên người. Cha mẹ phải luôn giữ gìn lời ăn tiếng nói cũng như tác phong làm việc của mình để làm tấm gương cho con cái noi theo. Ngược lại, con cái phải luôn hiếu kính với ông bà, cha mẹ; biết phụng dưỡng chăm sóc ông bà, cha mẹ; biết làm cho ông bà, cha mẹ được rạng rỡ và không làm việc gì khiến cho ông bà, cha mẹ phải tủi hổ với hàng xóm láng giềng. Một gia đình hoà thuận còn là một gia đình mà anh em biết bảo ban nhau cùng tiến bộ, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau; biết em ngã thì chị nâng.

Để làm được điều đó, Nho giáo đòi hỏi mỗi người trong gia đình phải biết giữ gìn và tuân theo lễ, bởi cho rằng, chỉ có lễ con người mới trở thành con người xã hội: “Chim anh vũ có thể biết nói nhưng vẫn thuộc loài chim; con tinh tinh có thể biết nói nhưng vẫn thuộc loài cầm thú. Làm người mà không có lễ thì tuy biết nói đấy nhưng có khác gì loài cầm thú? Chỉ có loài cầm thú là không có lễ, cho nên cha con ở lẫn lộn với nhau. Vì vậy việc làm của bậc thánh nhân là lấy lễ dạy người khiến người ta ai cũng biết lễ để tự phân biệt mình với cầm thú” (Kinh Lễ, Khúc lễ thượng). Nhờ có lễ, con người mới có thể biết được như thế nào là có hiếu với cha mẹ, là kính với người trên, là từ đễ với anh em thân thích, là bạn hiền của bằng hữu, là nhân với người chung quanh, là tín thực với thân thuộc. Theo lễ, người con có hiếu và biết lễ phép thì “Khi ở trước mặt cha mẹ ruột hoặc cha mẹ chồng, nếu  có lệnh phải vâng dạ kính cẩn, tiến thoái phải chu toàn thận trọng, lên xuống ra vào phải cung kính, không dám ho oẹ, đằng hắng hay ngáp dài, không được đứng dựa nghiêng ngả liếc ngang liếc dọc, không dám phun nước bọt chùi nước mũi… Nếu như cha mẹ có lỗi lầm gì, mình vẫn phải vui vẻ hoà nhã dùng lời nói ôn hoà mà can gián. Nếu can mà (cha mẹ) không nghe lại càng phải giữ thái độ hoà nhã cung kính hơn, đợi cha mẹ nguôi ngoai rồi lại can gián. Nếu cha mẹ không nghe để đến nỗi phạm lỗi lầm có tội với bạn bè hàng xóm, ta vẫn phải ôn hoà khuyên can. Nếu cha mẹ nóng giận đánh ta đến chảy máu, ta vẫn không dám giận oán mà vẫn phải kính trọng hiếu thuận với cha mẹ” (Kinh Lễ, chương 12, tiết 2). Ngược lại, ngay từ khi con cái đến tuổi biết ăn cơm, cha mẹ “cần thiết phải dạy nó biết sử dụng tay phải, con trai phải biết thưa dạ, con gái phải biết nhu hòa… Khi con lên sáu tuổi, hãy dạy chúng về số học và đếm số… Tám tuổi, dạy chúng khi ra vào hay khi ngồi vào bàn ăn, nhất nhất phải theo sau bậc trưởng thượng, bắt đầu dạy cho chúng biết nhường nhịn… Mười tuổi, cho ra ngoài học thêm sách vở khác… bắt đầu hướng dẫn chúng về lễ, sớm tối tuân theo nghi thức của trẻ nhỏ… Hai mươi tuổi là làm lễ đội mũ, bắt đầu học lễ… dạy chúng thuần hậu về hiếu đễ” (Kinh Lễ, chương 12, tiết 3). Nho giáo khẳng định, nếu xây dựng được một gia đình hoà thuận, con cái biết hiếu đễ, cha mẽ biết từ nhượng thì đó cũng là làm chính trị rồi. Bởi nước cũng chỉ là một cái nhà to. Các căn nhà nhỏ – gia đình mà hòa thuận thì căn nhà to cũng sẽ hòa thuận. Vì thế, làm chính trị không cứ là phải ra làm quan.

Xem thêm :  Tổng hợp quotes buồn, tâm trạng về tình yêu, cuộc sống

Những tư tưởng trên của Nho giáo, ở một mặt nào đó có thể nói rằng, phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Chúng ta cũng coi “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng trong giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Vì thế, Đảng ta đòi hỏi “Các chính sách của nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hoà thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”(1). Với tính cách tế bào xã hội, vườn ươm các nhân tài của đất nước, nơi nuôi dưỡng những công dân mới cho tương lai, gia đình có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành công nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự tốt xấu của mỗi gia đình đều có ảnh hưởng tới sự ổn định của xã hội, tới sự chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang tiến hành. Tất nhiên, gia đình mới mà chúng ta xây dựng là một gia đình hòa thuận dựa trên cơ sở dân chủ: vợ chồng, cha con anh em tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau bàn bạc và quyết định những vấn đề lớn của gia đình. Gia đình mới mà chúng ta xây dựng cũng đòi hỏi vợ chồng phải có lòng chung thuỷ, làm cha, mẹ phải có đức nhân từ, làm con phải có đức hiếu kính, làm anh em phải có sự thương yêu nhường nhịn. Hạt nhân của mỗi gia đình ấy chính là vợ và chồng.

Có thể thấy rằng, gia đình mới hiện nay, trước hết, cần phải là một gia đình vợ chồng sống chung thuỷ, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng với nhau về quyền lợi và trách nhiệm. Vợ chồng cùng nhau chia sẻ trách nhiệm giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà.

Thứ hai, là một gia đình con cái biết hiếu kính với cha mẹ, ông bà bởi đức hiếu kính của người làm con để thờ cha mẹ cũng là cái gốc của đức nhân. Nói tới đức nhân là nói tới lòng yêu thương người. Cái gốc của yêu thương người trước hết chính là yêu thương cha mẹ mình, anh em của mình. Người mà không biết yêu thương cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục mình thì cũng không thể có được lòng yêu thương đồng chí, đồng bào mình. Vì vậy, chúng ta ngày nay cũng yêu cầu người làm con cần phải biết phụng dưỡng cha mẹ. Khi phụng dưỡng cha mẹ phải kính cẩn và có lễ phép. Chúng ta cũng kiên quyết phê phán những hành động ngược đãi cha mẹ già, không muốn làm nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ già mà đùn đẩy cho xã hội hoặc con cái đun đẩy trách nhiệm chăm sóc cha mẹ cho nhau, hoặc có nuôi cha mẹ thì như nuôi vật cảnh mà thiếu sự kính trọng lễ phép. Đức hiếu ngày nay cũng đòi hỏi người làm con trong hành động và việc làm phải làm sao để cho cha mẹ có thể được tự hào với bà con lối xóm. Việc lười lao động, ham cờ bạc rượu chè chỉ biết đến của cải, lo liệu cho vợ con mà không nghĩ đến cha mẹ, không phải chỉ Nho giáo mà ngày nay chúng ta cũng cần lên án là hành vi bất hiếu.

Thứ ba, anh em trong gia đình phải biết bảo ban nhau, yêu thương nhau trên tinh thần em ngã chị nâng. Là người anh, người chị thì phải biết bao bọc che chở cho em, nhường nhịn em. Là người em phải biết kính trọng anh chị, nghe lời anh chị dạy bảo. Xã hội xưa cũng như nay không chấp nhận việc anh em chỉ biết yêu thương nhau qua đồng tiền, nhìn tình cảm anh em dưới lăng kính vật chất thuần tuý.

Như vậy, gia đình mới là một gia đình mà mỗi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với danh phận của mình. Do đó, việc xây dựng gia đình mới cần được gắn liền với việc giáo dục trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người theo đúng danh phận của họ. Đó là cha phải ra cha, con phải ra con, anh phải ra anh, em phải ra em. Cần kiên quyết lên án những người cha không còn ra cha bởi lối sống ích kỷ, thực dụng đã để lại tấm gương xấu cho con cháu; cũng cần lên án và có biện pháp nghiêm khắc đối với những người con không còn ra con, chỉ biết tiền mà không biết tình, chỉ biết tới quyền lợi mà không biết tới nghĩa vụ khiến cho cha mẹ phải tủi hổ.

Xem thêm :  Những khúc ca huyền bí: 'đừng bỏ em một mình'

Việc xây dựng thành công gia đình mới có một ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi gia đình mới chính là nền tảng của sự ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc, là nơi phòng chống có hiệu quả nhất mọi tệ nạn xã hội đang làm phương hại đời sống tinh thần của con người. Gia đình mới còn là nơi có khả năng nhất trong việc bảo lưu giữ gìn những bản sắc truyền thống văn hoá của dân tộc. Ngoài ra, đây còn là nơi cung cấp những công dân mới có đức, có tài cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta tiến hành xây dựng một nền kinh tế thị trường cùng với sự mở cửa hội nhập với thế giới thì gia đình mới càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Mô hình gia đình vợ chồng hoà thuận, cha từ con hiếu, anh em thương yêu đùm bọc nhau chính là thành trì để ngăn cản sự xâm hại những tư tưởng thực dụng, vị kỷ, lối sống gấp chỉ biết hôm nay mà không cần biết ngày mai. Như vậy, có thể nói rằng, nếu loại bỏ những tư tưởng bảo thủ, mất dân chủ thì việc kế thừa những giá trị luân lý tích cực của Nho giáo về gia đình để xây dựng gia đình mới nhằm đáp ứng được sự phát triển đất nước là điều nên làm. Gia đình mới chính là nơi kế thừa những tinh hoa của gia đình cũ kết hợp với những chuẩn mực đạo đức mới của xã hội mới. Những tinh hoa đó, trước hết, là tư tưởng vợ chồng hoà thuận, cha từ con hiếu, anh em thương yêu đùm bọc nhau… của Nho giáo.

Thực tế những lý tưởng nhân đạo, khát vọng hoà bình của Nho giáo cũng là lý tưởng và khát vọng của chúng ta hiện nay. Mặc dù bị hạn chế do lịch sử, song một số tư tưởng cũng như biện pháp mà Nho giáo đề ra cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng giống như Nho giáo, hiện nay chúng ta đã và đang ra sức phấn đấu cho một thế giới hoà bình, cho sự bình đẳng của mọi dân tộc trên toàn thế giới. Vì vậy, chúng ta cần ngăn chặn được các tệ nạn xã hội, mọi thảm hoạ chiến tranh, chống lại được nạn khủng bố trên phạm vi toàn thế giới. Do đó, kế thừa các tư tưởng nhân văn trong ứng xử và giao tiếp giữa người với người của Nho giáo là một việc làm hết sức cần thiết.

 

(*) Nghiên cứu viên, Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

(1) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.5.

Nguồn:
Tạp chí Triết học, số 10 (173), tháng 10 – 2005

Các tin khác:


  • Học thuyết đấu tranh giai cấp – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn hiện nay

    (01/11/2015)


  • Cấu trúc lưỡng hợp trong bản sắc văn hóa Việt Nam

    (01/11/2015)


  • Một số mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay

    (01/11/2015)


  • Văn hóa kinh doanh và một số giải pháp xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam

    (31/10/2015)


  • Thần học Thiên Chúa giáo hiện đại với xu hướng phát triển của thế giới

    (24/10/2015)


  • Bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa

    (29/08/2015)


  • Con người trong bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam

    (29/08/2015)


  • Con người nhìn từ góc độ văn hóa – xã hội

    (17/06/2015)


  • Hiện đại hóa xã hội và giá trị văn hóa truyền thống ở Nhật Bản

    (04/02/2015)

Xem tin phát hành ngày:


Nhớ Gia Đình Lê Bảo Bình


Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kỹ Năng Sống
Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kỹ Năng Sống

Related Articles

Back to top button