Tổng Hợp

Nhà thơ Hải Như trong lòng bạn đọc

Sau 49 ngày nhà văn Trần Huy Thuận trụ thế 76 năm đã để lại một dấu ấn trong làng văn Việt Nam với văn phong độc đáo đầy cá tính, ông đã dồn tâm huyết viết về nhà thơ Hải Như với nhận xét rất riêng. Được sự đồng ý của nhà thơ Hải Như, tranmygiong.blogtiengviet.net xin phép hương hồn nhà văn Trần Huy Thuận cho đăng di cảo cuối cùng của ông.

NHÀ THƠ HẢI NHƯ TRONG LÒNG BẠN ĐỌC
“Hải Như thơ ngang biển cả”
(Hoàng Tùng)

TRẦN HUY THUẬN
.


.

MỞ ĐẦU

Cuối năm 2012, tôi viết bài “NHÀ THƠ HẢI NHƯ NHƯ TÔI BIẾT” đăng trên trang điện tử nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Trần Nhương. Thấy lượng bạn đọc vào đọc nhiều, tôi quyết định gửi đăng trang điện tử của Hội Nhà Văn Việt Nam và giữa tháng 12/ 2012, bài đã được đăng ( http://vanvn.net/news/20/2859-nha-tho-hai-nhu-ma-toi-biet.html ). Về nội dung, vanvn.net không thay đổi, chỉ đổi một chữ trong đầu đề, từ “NHÀ THƠ HẢI NHƯ NHƯ TÔI BIẾT”, thành “NHÀ THƠ HẢI NHƯ MÀ TÔI BIẾT”. Chắc người biên tập cho là tôi bị “lặp từ”.
Nhưng sau hơn một năm tiếp xúc, tìm hiểu thêm về Hải Như, tôi mới nhận ra, mình chưa thể nói đã BIẾT về ông, một nhà hoạt động cách mạng từ trước 1945, một nhà báo được đào tạo bài bản từ những năm đầu kháng chiến, một nhà thơ có nhiều cá tính này. Tôi quyết định viết lại. Kiến trúc sư Vũ Kỳ Hạnh – con trai út của Hải Như đã giúp tôi nhiều tư liệu để tôi hoàn thành bài viết.

*

Không thể không viết về Hải Như khi Hoàng Tùng, nguyên chủ tịch hội Nhà Báo VN, một người kiệm lời khen, đã viết:


Ảnh trên: “Hải Như thơ ngang biển cả/ thắm đượm tình người đượm cả núi sông/ ước ao thơ tứ càng nồng/ Lời thơ càng đẹp, tâm trong ngọc hồ”

Và càng không thể không viết về Hải Như khi chính đồng nghiệp của nhà thơ – Lưu Xá (Vũ Ân Thi, nguyên thư ký tòa soạn báo SGGP) cách nay 12 năm đã viết về ông như sau: “Hải Như thi sĩ – MỘT TÂM TÌNH HIẾN DÂNG”. Tác giả viết “… cho đến hôm nay còn lại một con người suốt 78 năm qua vẫn trọn vẹn một tâm tình hiến dâng cho cuộc đời, cho con người, cho Quê hương và Tổ Quốc – thi sĩ Hải Như… ” (báo SGGP chủ nhật 3/6/2001):

Là người “ngoại đạo” với văn chương như tôi, mà cả gan chọn một đề tài khá “hắc búa” như thế, tôi không thể không lo. Nhưng khi được cả hai vợ chồng nhà thơ và con cái cụ tán thành để tôi viết, thì tôi vững tâm hơn.
Nhưng điều này thì chắc nhiều người tán thành với tôi: “đánh giá một nhà văn, nhà thơ… điều tôi thiết là phải đánh giá được tác phẩm của người đó, và căn cứ để đánh giá tác phẩm khách quan, cuối cùng phải là bạn đọc, là dư luận bạn đọc chứ hoàn toàn không dựa vào giải thưởng, càng không thể chỉ căn cứ vào chức danh Hội viên của hay không hội viên của tác giả”. Và như vậy, tôi tự thấy mình có khá nhiều thông tin, tư liệu để đáp ứng nội dung bài viết. Và phải viết sớm, vì năm nay nhà thơ Hải Như đã bước qua tuổi 90, bài viết sẽ là một món quà mừng ĐẠI THỌ đầy ý nghĩa đôi với nhà thơ cũng như nhiều bạn đọc xa gần.

***

MỘT

HẢI NHƯ: MỘT TRONG 80 THÀNH VIÊN THAM GIA
ĐẠI HỘI VĂN NGHỆ TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT

Trong bài “NHỮNG SỰ KIỆN VÀ ĐỊA DANH LỊCH SỬ” viết nhân dịp 60 năm Hội LHVHNT VN của tác giả Đỗ Ngọc Dũng, cho biết, Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần thứ nhất, nhà thơ Hải Như nằm trong số 80 văn nghệ sĩ đã tham dự Đại hội:

Tại đại hội ấy, Hải Như được xếp vào danh sách lớp nhà văn trẻ cùng với nhà văn Trần Đăng (hy sinh trong cuộc kháng chiến 9 năm), nhà báo Xuân Thủy (nguyên Bộ trưởng bộ Ngoại giáo 1963 – 1965) – Sau Đại hội, nhà thơ Xuân Diệu viết: “Kể sao cho hết những tài năng mới, Bửu Tiến, Trần Đăng, những nhà báo: Xuân Thủy, Hải Như”.
Trong suốt 65 năm ấy, ông đã để lại một gia tài văn học khá đồ sộ, như thống kê tóm tắt của tác giả Trần Mỹ Giống dưới đây:

NHÀ THƠ HẢI NHƯ

TÁC PHẨM CHÍNH:

– Trái đất mai này còn lại tình yêu (tập thơ, 1985).
– Bài thơ trên bến Nhà Rồng (tập thơ, 1990).
– Nỗi buồn hoa bất tử (tập thơ, 1990).
– Có hai dòng văn chương (NXB Trẻ – 2009)
– Trò chuyện với người xưa (dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, 1994).
– Xin ai chớ phụ hoa ngâu (văn xuôi, 1996).
– Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng (kịch bản văn học, 1990).
Ông viết nhiều thơ về đề tài Hồ Chí Minh, ông còn viết ca từ – 1 loại hình để nhạc sĩ dựa vào đó làm bài hát. Thơ ông đầy chất nhạc, đã có trên 100 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có những bài được nhiều người biết như:
– Thành phố hoa phương đỏ (nhạc: Lương Vĩnh).
– Như hoa hướng dương (nhạc: Tô Vũ).
– Chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu (nhạc: lưu Hữu Phước).
– Cả Hà Nội hành quân (nhạc: Lê Lôi).
– Thành phố tiếng thoi – viết về quê hương Nam Định (nhạc: Huy Thục).
– Chào bình minh thời đại (hợp xướng, nhạc: Nguyễn Đình Tấn)…
– Với Bình Định, ông là tác giả thơ, phần lời của những ca khúc: Khúc tình ca Bình Định (nhạc: Trương Quang Lục), Hát từ bán đảo Phương Mai (nhạc: Vũ Trung), Quy Nhơn trang mới (nhạc: Văn Lương)…
– Hà Nội thành phố của niềm tin (Nhạc: Hồ Bắc).
– Hoa trong vườn Bác (Nhạc Nguyễn Đình Tấn).
– Nhớ Sài Gòn (Nhạc: Trương Tuyết Mai).
– Ninh Bình điểm hẹn (Nhạc: Trương Tuyết Mai).
– Hát từ thành phố sông Hàn (Nhạc: Trương Tuyết Mai).
– Sài Gòn thế kỷ mới (Nhạc: Hoàng Đạm)
– Tình ca màu tím (Nhạc: Hoàng Đạm)
– Thành phố không có hoàng hôn (Nhạc : Hoàng Đạm)
– Nụ cười Đà Lạt (Nhạc: Trương Quang Lục)
– Nụ cười Đà Lạt (Nhạc: Lưu Nhất Vũ).
– Hà Nội hôm nay, Hà Nội ngày mai (Nhạc: Lương Ngọc Trác).
– Gửi Phan Thiết (Nhạc: Quang Đẩu).
– Gửi chợ Đông Ba (Nhạc: Mạnh Đạt)
– Hoa sữa (Nhạc: Phạm Đình Sáu)
– Khúc hát Thành Đồng (Mai Đoan)
– Tôi muốn nói cùng em (Nhạc: Đỗ Hồng Quân)…

ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM:

– Sân khấu kịch nói VTV1: Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng (2003).
– Phim tài liệu VTV3: Bài thơ hoa sữa (2003).
– Phim tài liệu VTV1: Thơ Hải Như với Bác Hồ (2003).
– Phim chân dung 2 tập, Hãng phim TFS Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất (2006) HTV9 phát sóng tháng 9 – 2006. Đài Truyền hình Việt Nam phát lại trên VTV1 tháng 5 – 2007.

CÁC ĐÀI TRUYỀN HÌNH ĐỊA PHƯƠNG:

+ Truyền hình HTV tp. Hồ Chí Minh (Hãng phim TFS):
– Phim chân dung 2 tập: Nhà thơ Hải Như.
– Phát sóng ra mắt 2 – 9 – 2006 và phát lại nhiều lần HTV9.
+ Đài Truyền hình Hải Phòng:
– Phim tài liệu: Người đặt tên Hải Phòng là thành phố Hoa Phương Đỏ (2003).
+ Đài Truyền hình Bình Định:
– Phim tài liệu: Hải Như với quê hương Bình Định (2004).
+ Đài Truyền hình Nghệ An:
– Phim tài liệu: Hải Như với quê Bác (2004).
+ Đài Truyền hình Hà Nội chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – hà Nội:
– Phim chân dung: Nhà thơ Hải Như với hà Nội (6 – 2010).
– Đài Truyền hình Việt Nam VTV9 phát lại ngày 2 – 10 – 2010.

MẤY ĐIỀU GHI THÊM (theo Vietnamnet.vn):

Năm 1942 ông là học sinh trường Cao đẳng sư phạm Đỗ Hữu Vị (Hà Nội). Ông tham gia cách mạng trước năm 1945 là thư kí Hội truyền bá Quốc ngữ ở Hà Nội cùng hoạt động với cụ Nguyễn Văn Tố và cụ Nguyễn Hữu Đang. Năm 1946, ông vào quân đội, tham gia lớp đào tạo báo chí cách mạng Việt Nam đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc. Thư kí toà soạn báo Sông Lô ( quân khu 10) năm 1948.

***

HAI

HẢI NHƯ VÀ QUAN NIỆM CỦA ÔNG VỀ CHỨC NĂNG CỦA VĂN HỌC

Dự lớp báo chí cách mạng Huỳnh Thúc Kháng năm 1948 tại Việt Bắc, suốt thời kháng chiến chống Pháp, nhà báo – nhà thơ Hải Như tham gia Báo Sông Lô Quân khu 10, Báo Vệ Quốc Quân. Sau hòa bình 10-1954, ông chuyển sang làm văn học, tạo tên tuổi trong làng văn.
Xuất phát từ nhận định “Mỗi con người là một vũ trụ riêng” (Emerson, triết gia Mỹ), nhà thơ Hải Như thường tự nhủ rằng: “Văn học là khoa học khám phá lòng người”. Ông viết: “Con người ngày càng làm chủ kỹ thuật hiện đại nhưng mãi mãi không làm chủ được lòng mình” (Có hai dòng văn chương, Hải Như, NXB Trẻ 2009). Và ngay từ khi bước sang tuổi ngoài “thất thập”, ông tâm sự: “Người làm văn học – các nhà văn, nhà thơ có sứ mạng cao quý giúp con người nhận diện được mình qua những trang sách, giúp con người tự vấn lương tâm, thanh lọc mình”. Ông còn quan niệm “Văn học mang tính độc lập và đòi hỏi độc lập cao… Người làm văn học phải dám là mình với niềm tự tin cao”.
Hải Như luôn khẳng định: “Đề tài của nhà thơ, nhà văn phải là đề tài có tính nhân loại, cái mà nhân loại quan tâm. Con người thuộc mọi dân tộc, mọi màu da, mọi thời đại đều yêu cái đẹp, cái thật và ghét cái xấu, cái ác – đều hướng về chân – thiện – mỹ. Chức năng của văn học là làm thức tỉnh con người trở lại “chân thân”. Đối tượng của văn học là con người, không phân biệt đức vua với lê dân. Đức vua cũng cần được nhà thơ, nhà văn thức tỉnh như một người cùng dân”. “Nhà thơ không chỉ là pháp sư ngôn ngữ mà phải là nhà tư tưởng. Người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ”, Hải Như khẳng định.
Ngay trong bài thơ Tự Bạch (viết năm 1978), Hải Như đã trải lòng:
“Thơ của anh viết ra không để cho người
lười suy nghĩ đọc
Anh không thuộc dòng thù tạc – sân chơi
Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời
Em xem đó con người vẫn còn bị con người
xúc phạm”.
Trong bài thơ viết sau đó 2 năm, bài “Một trăm năm sau”, Hải Như thêm một lần khẳng định quan điểm của mình:
“Nhưng không phải ai cũng nhân danh
nhà thơ em nhỉ
Tiêu chuẩn nhà thơ: Bênh vực con người”.
Do “bênh vực con người”, nên:
“Mọi người sinh ra đều sống một lần. Riêng
nhà thơ hai lần được sống
Lần thứ hai không giới hạn trăm năm”
(trích thơ “Trò chuyện với Kỳ Anh” – con trai nhà thơ Hải Như).

Là thi sỹ nổi tiếng với đề tài Hồ Chí Minh nhưng cách viết của ông rất riêng, không hề lẫn với nhiều nhà thơ khác. Đề tài chỉ là cái cớ để chuyên chở tư tưởng của nhà thơ, thông qua đề tài Hồ Chi Minh ông viết về chúng ta, về thời đại chúng ta. Ông tâm sự: “Tôi đề ra cho mình phương châm: Không thần thánh hóa mà người hóa Bác Hồ”. Để chứng minh quan điểm ấy, ngay từ năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Hồ Chí Minh, Hải Như có bài viết nhan đề “Bác Hồ cũng có những hạn chế – tại sao không?”. Hải Như là nhà thơ chiến sĩ (ông tham gia quân đội từ năm 1946), có hàng trăm bài đăng trên Báo Nhân Dân; em và con trai ông là liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Vậy mà chưa bao giờ ông nghĩ mình phải đứng trong hàng ngũ của Đảng (thực ra trong việc này có một sự bợ đỡ hèn hạ… đã làm tổn thương tới lòng tự trọng của ông dẫn ông đến quyết định: Thà đứng ngoài đảng chứ không chịu luồn cúi – chúng tôi sẽ đề cập ở phần bốn). Có lần một chính khách thân thiết đã đem điều đó hỏi ông, ông trả lời: Tôi muốn mình như một gián quan, một nhà thơ gián quan!
Quan niệm về chức năng của văn học còn được thể hiện khá sâu sắc qua bài trả lời phỏng vấn của báo TuanVietnam.net nhan đề “NHÀ VĂN: XIN ĐỪNG TỰ TRÓI BUỘC MÌNH” (trích):

Nhà báo Thu Hà: Trang nhất tạp chí Cộng sản, tạp chí lý luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 7/1988 từng đăng một bài viết với tựa đề: “Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị không phải là quan hệ giữa hai “bá quyền” của tác giả Lê Xuân Vũ. Nhà thơ nghĩ thế nào về mối quan hệ này? Ông đã trả lời thẳng thắn:
Nhà thơ Hải Như: Cái chính là nhà văn đứng về phía nào, yêu và bênh vực ai, ghét và chống lại cái gì. Đầu thập niên 70 thế kỷ trước, nhà văn hóa Trường Chinh từng hỏi tôi: “Anh nghĩ thế nào về sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ sĩ cũng như văn nghệ sĩ chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng như thế nào?”. Tôi đã trả lời: “Nhà văn chúng tôi chấp nhận sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng với một tinh thần là nhà văn chúng tôi được phép nghĩ với Đảng – nguyên văn tôi nói tiếng Pháp với ông Trường Chinh cụm từ này là “Réflechir avec notre Parti”. Nghe xong, ông đứng dậy bắt tay tôi và nói ” anh nói rất đúng, nhà văn phải nghĩ với Đảng, chúng tôi mong được các anh đóng góp ý kiến”. Từ đó, tôi bắt đầu làm thơ theo cách suy nghĩ của tôi, đó là nghĩ với Đảng.
Vấn đề “CHIẾN TRANH”, quan điểm của nhà thơ được thể hiện khá quyết liệt qua bài phỏng vấn tiếp theo của Báo TuanVietnam.net: “QUYỀN LỰC CỦA THI CA, QUYỀN UY CỦA THI SĨ” (trích):
Nhà báo Thu Hà: Thưa nhà thơ Hải Như, lâu nay chúng ta vẫn tự hào có một nền văn học, thi ca thời chiến rực rỡ? Chẳng phải có một thời những bài văn, bài thơ đã tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc một thế hệ cầm súng chiến đấu với quân thù đó sao?
Nhà thơ Hải Như: Chúng ta mới có văn học chiến công chứ chưa có văn học chiến tranh; mới có thơ ca trống trận chứ chưa có thơ ca nói về nỗi đau của con người. Còn rất nhiều điều chúng ta vẫn nợ nhân gian. Tôi tin rằng bất cứ ai cũng hiểu, chiến tranh – dù bên nào thắng thì nhân dân hai bên cũng đều thua thiệt, đều mất mát khổ đau như nhau. Chiến thắng của bên này là khổ đau mất mát của người mẹ, người cha, người vợ và những đứa con của phía bên kia. Vậy hà cớ gì cổ súy chiến tranh? Thơ văn không thể cổ súy chiến tranh, mà phải ngăn chặn chiến tranh, cảnh báo cái xấu xa hủy hoại xã hội, con người.
Nhân đây, xin chia sẻ cùng độc giả Tuần Việt Nam những suy nghĩ của tôi.
“Chiến tranh là gì?
Là nước mắt – chia ly, là máu đổ
Là “Nhất tướng công thành vạn cốt khô
Thời của thế hệ chúng tôi không nên dùng mỹ từ “Thời hoa lửa”…
(trích trong bài Lời liệt sĩ thành cổ Quảng Trị)
Chính vì vậy,
“Đừng thi vị đường đầy hoa ra mặt trận
Mẹ già ta cần ta cạnh bên người
Suốt đời mẹ đã làm nàng Tô Thị
Chiếc áo trấn thủ chồng, mẹ ấp ủ tàn hơi.”
(trích trong bài Tô Thị)

Xem Thêm :   Cách may váy đầm suông tại nhà đơn giản và dễ hiểu nhất – Lava

Xem thêm :  tin tức mới nhất về 10 định luật nguyên lý thị giác – Giao Hàng Số 1: Dịch vụ giao hàng thu hộ nội thành TP HCM


Khi phóng viên báo XÂY DỰNG ĐẢNG (trong bài “NHỮNG THÔNG ĐIỆP CHO CUỘC ĐỜI TRONG THƠ HẢI NHƯ” ngày 20/9/2012) hỏi:
– Vậy nên, khi đọc tập “Thơ viết về Người”, độc giả thấy ở đó có nhiều điều tác giả muốn nhắn nhủ?
Nhà thơ Hải Như: Xin cho phép tôi được mượn câu của Boileau (Pháp) để trả lời: “Dù hay hay không hay, thơ tôi bao giờ cũng có điều này điều nọ tôi muốn nói”. Cuộc đời đòi hỏi nhà thơ không dừng lại ở tài gieo vần làm “pháp sư ngôn ngữ” mà đòi hỏi thi sĩ phải vươn lên làm nhà tư tưởng. Thơ tồn tại, truyền tụng từ đời này sang đời khác chính nhờ “cái lõi” – hạt nhân tư tưởng bài thơ chứa đựng. Hồ Chí Minh là một con người vĩ đại, nhưng cả cuộc đời Người trong sáng, giản dị vô cùng. Cái giản dị đó góp phần làm nên sự vĩ đại của Người. Viết về Người không chỉ giúp tôi hoàn thiện mình, mà còn để nói lên quan điểm của mình về CON NGƯỜI, về thời đại. Qua nhân cách Hồ Chí Minh, đó là sự chiêm nghiệm của bản thân về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Từ đó, tôi đặt ra những câu hỏi trước đời sống và thời cuộc. Những câu hỏi không dễ trả lời. Và mong muốn mỗi người sẽ tìm cách trả lời, bằng cách trở về với lòng mình, soi vào đó và nhận ra mình, để tự hỏi, tự trả lời mình.
Về vấn đề mang tính thời sự “NHÀ VĂN HỘI VIÊN, NHÀ VĂN KHÔNG HỘI VIÊN”, Hải Như khẳng định “Chỉ có một nhà văn”, Ông viết: “Có thể nói chưa có nền văn học nào có nhiều phân biệt như nền văn học chúng ta. Chúng ta có nhà văn địa phương, nhà văn Trung ương, nhà văn trong Đảng, nhà văn ngoài Đảng, nhà văn hội viên, nhà văn chưa hội viên, nhà văn ban chấp hành, nhà văn ban thư ký… Có nghĩa là muốn được công nhận (đồng nghĩa với được đứng trong biên chế hưởng đặc quyền đặc lợi), trở thành một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hôm nay, người cầm bút phải phấn đấu từng mức thang trong mục tiêu, mà quên một mục tiêu duy nhất để trở thành nhà văn, đó là tác phẩm – Không ít nhà văn hội viên chúng ta chưa có tác phẩm. Ở đây chúng ta đừng lẫn lộn giữa đầu sách được in với tác phẩm văn học”. Ông nhấn mạnh: “Nói đến nhà văn là phải nói đến độc giả. Độc giả không chỉ một thời mà độc giả lâu dài do sức bền của tác phẩm nhà văn tạo nên”. Và (nhà văn) hãy “bằng vào tác phẩm, làm giấy thông hành cho mình”.

*

Không dừng lại ở lý luận, Hải Như đã thể hiện rất rõ những quan niệm trên trong những sáng tác của mình. Báo SGGP ngày 19/5/2012 đã đăng bài phỏng vấn “Nhà thơ Hải Như: Tôi học Bác Hồ cách làm người” (http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/nguoicuacongchung/2012/5/289230/) do Vũ Đàm thực hiện. Xin chép lại đây một số câu đối thoại thể hiện quan điểm nhất quán của nhà thơ:
– PV: Thưa nhà thơ Hải Như, nói đến cuộc đời thơ ca của ông, không thể không nói đến mảng thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến nay ông đã sáng tác được bao nhiêu bài thơ về Người?
Nhà thơ HẢI NHƯ: Tôi đã viết được 41 bài thơ về con người Hồ Chí Minh, một vĩ nhân nhưng rất con người Việt Nam.
– Trước ông đã có nhiều nhà thơ nổi tiếng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông là người đi sau, ông không sợ cái bóng của họ trùm lên mình?
Không, bởi tôi chọn cho mình một lối đi riêng, tôi viết về con người Hồ Chí Minh chứ không viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong bài thơ Một lối đi riêng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cũng đã viết:
Bác không muốn giẫm lên mọi đường mòn có sẵn
Khi đích đã nhắm rồi
Người luôn luôn tạo cho mình: Một lối đi riêng.
(Tháng 1 năm 1970)
– Bài thơ đầu tiên ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi!”, được ông sáng tác sau 5 ngày Bác mất. Bài thơ đã được đăng trên báo Nhân dân ngày 20-9-1969 làm lay động bao lòng người. Sau đó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã đọc bài thơ và lấy bút gạch chân 16 câu tâm đắc và nhận xét: Bài thơ “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu sáng tác cùng thời điểm là bài thơ con khóc cha, còn bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” của Hải Như là bài thơ quần chúng khóc lãnh tụ. Khi đó, ông cảm nhận thế nào về lời nhận định của ông Trường Chinh?
Mỗi người đều có cách cảm thụ, thẩm mỹ riêng về một tác phẩm văn học. Khi đó tôi không mấy quan tâm đến lời nhận xét về nội dung bài thơ của Chủ tịch Trường Chinh mà thấy rất cảm động vì ông Trường Chinh, một chính khách tuy rất bận việc quốc gia đại sự vẫn dành thời gian để đọc thơ, không những đọc mà còn suy ngẫm kỹ càng. Đó là một hành động rất văn hóa của một nhà văn hóa lớn Trường Chinh.

Theo TS Hoàng Kim (giảng viên chính trường Đại học Nông Lâm Tp HCM): “Hải Như là nhà thơ viết về Bác Hồ ấn tượng nhất của lòng tôi trong số những nhà thơ Việt Nam. Dẫu Tố Hữu đã có các bài thơ “Việt Bắc”, “Theo chân Bác” viết rất hay về Người, Chế Lan Viên có bài thơ”Người đi tìm hình của nước” thật xúc động; Viễn Phương có bài “Viếng lăng Bác” hay nao lòng, và rất nhiều bài thơ khác nữa. … Nhưng lạ lùng thay, trên 43 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in lời thơ của Hải Như “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ Bác Hồ ơi!”. Bài thơ do thầy Phạm Ngọc Căng, Phó Hiệu trưởng Trường cấp ba Bắc Quảng Trạch đọc trong đêm truy điệu Bác ngay sau khi bài thơ vừa ra đời, lên sóng truyền thanh Đài Tiếng Nói Việt Nam và thầy chép lại. Cả hội trường mênh mông không ai cầm được nước mắt…

CHÚNG CHÁU CANH GIẤC BÁC NGỦ, BÁC HỒ ƠI

Hải Như

“Trăng vào cửa sổ đòi thơ”
Bác vừa chợp mắt, xin chờ trăng ơi!

Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa
Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cúi đầu…
Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu
Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ.

Hỡi ai đó, không được rời đội ngũ
Theo hàng hai, đi lặng lẽ tiến dần
Đừng khóc oà, hãy rón rén bàn chân
Bước nhẹ nữa. Bác Hồ vừa chợp mắt

Bác nằm đó, bộ ka-ki Bác mặc
Chưa kịp thay, Người vừa ngả lưng nằm.
Nếu ta đoán không lầm; Bác mới đi thăm
Một xóm thợ, xem nơi ăn chốn nghỉ…

Nhưng không phải – vì khi ta ngắm kỹ
Trên má Bác Hồ còn in dấu chiếc hôn
Các cháu nhi đồng lớp học đầu thôn
Được Bác ghé thăm, Bác cho bá cổ…

Hỡi ai đó, cắn chặt môi, hãy cố
Đừng để cho tiếng nấc động tai Người.
Bác Hồ vừa chợp mắt ngủ đó thôi
Trước giường Bác, ta nghẹn ngào đứng ngắm

Mái tóc Bác lẫn với mầu gối trắng
Râu Bác thưa cũng bạc trắng một mầu,
Ta muốn làm con nhỏ vuốt chòm râu
Từng sợi bạc dãi dầu sương, nắng, gió.

Đôi dép lốp như cùng ta kể rõ
Người quên Người, dành hết thảy cho ta!
Từ có Bác Hồ, thêm rạng rỡ ông cha
Tên của Bác đẹp thắm trang lịch sử.

Ta đứng lặng trước giấc Người yên Ngủ!
Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa
Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cúi đầu…
Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu
Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ.

Hỡi ai đó, đừng gục đầu ủ rũ
Bác dặn ta: nhớ Bác phải vươn mình
Giường Bác nằm chiếu sáng giữa trăng thanh,
Chiếc giường một suốt đời, ta nhớ mãi…

Cạnh nách Bác, đồng chí đi bên ơi, có phải
Ta nhìn như chiếc quạt Bác hay dùng
Chiếc quạt quê nhà, Bác vẫn giắt lưng!
Cùng với khúc ca dao ngọt ngào, Bác thuộc.

Bên gối Bác còn ấm lời non nước
Ánh hào quang sông núi tụ trên mình
Bác chan hoà như biển lớn mông mênh
Hồn dân tộc kết tinh hồn thời đại…

Hỡi ai đó, như trẻ thơ khóc mãi
Hãy lau khô đừng để lệ chảy tràn
Bác không muốn ta chìm trong biển lệ khóc than
Trước khi ngủ, Bác dặn dò tha thiết

Vầng trán Bác in giấc mơ tuyệt đẹp!
Hãy đọc trong mi mắt khép: nụ cười,
Bác Hồ nằm, tay không để buông xuôi
Đặt trước ngực như khi Người dạo mát.

Ôi ta nhơ hai bàn tay của Bác
Vỗ nhịp cho cả nước hát Kết Đoàn.
Ngày mai đây khi giải phóng Miền Nam
Cả nước hát, vắng bàn tay Bác vỗ…

Ta đứng lặng trước giấc Người yên ngủ!
Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa
Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cúi đầu…
Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu
Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ.

Hỡi ai đó, từ Cà Mau về đủ
Tạm dừng bên nhường bước bạn bè xa
Hỏi có ai giàu hơn Bác Hồ ta
Người chợp mắt, cả năm châu cùng đến

Trên giường Bác, chúng tôi không thắp nến
Đã có trăng sao ôm ấp quanh Người
Bác yêu trăng như yêu một con người
Trong thơ Bác, trăng với hoa là bạn

Giao thừa tới từ nay đâu tiếng Bác
Chúc đồng bào chiến sĩ, giọng ngân vang
Giọng của Bác Hồ làm ấm cả không gian
Nghìn thế hệ mai đây còn ấp ủ…

Hỡi ai đó, xiết chặt thêm đội ngũ
Người vẫy ta kia, môi Bác mỉm cười
Bác giữa Ba Đình rực rỡ nắng tươi
Trong tim óc chúng ta, Người vẫn sống

Bác dẫu ngủ, kẻ thù đừng hy vọng
Ánh sáng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đời
Bác thức tỉnh ta: giữ lấy kiếp người
Ta thức tỉnh, nguyện bên Người vĩnh viễn

Xin Bác ngủ giữa dòng đời lưu luyến
Với Mác Lênin, giấc ngủ nghìn đời
Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi…

(Chiều 8 tháng 9 năm 1969)

Đến đây, chúng ta cùng đọc lại một số trong số 41 bài thơ Hải Như viết về HCM, hầu hết trong số đó, đều đăng ở báo Nhân Dân (có bài đăng đi đăng lại mấy lần):

Chất Vấn

Bác Hồ không thích chất vấn mọi người
Bác thường tự chất vấn mình trước khi đi nghỉ
Tổ quốc chưa hêt đau thương, ta đã góp gì?
Ngày ấy nửa đất nước, miền Nam vẫn còn giặc Mỹ
Tôi hiểu được điều này
Qua cuốn sổ công tác Người ghi
Bác còn…
Phải chi Bác còn hôm nay
Chắc Bác sẽ đêm đêm tự hỏi mình câu hỏi:
Miền Nam sau hai năm sạch bóng quân thù
Sao vẫn có người bỏ Tổ quốc ra đi.
5- 1977.
Ghi chú: Vấn đề người Việt Nam di tản sau 1975 là một mảng tối trong lịch sử dân tộc, chưa có nhà văn nào khai thác đề tài.

Xem Thêm :   Cách kinh doanh quần áo nhất định không được bỏ qua

Xem thêm :  {20+} các kiểu nhuộm tóc đẹp 2021, tổng hợp các màu tóc đẹp 2020

Bác Hồ đi dép lốp cao su

Đâu chỉ vì giản dị
Mà vì lẽ cao hơn
Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm

Khi trái đất này còn những trẻ em
Chưa có đủ giày đi
Người không sao sống khác.

KỸ NIỆM SINH NHẬT NGƯỜI NĂM ẤY

Hải Như

Nếu tôi nhớ không lầm
Có một nhà phê bình văn học được Bác Hồ mời lên
Thân tình góp ý:
“Làm nhà yêu nước đủ rồi! (Người cười vui)
Đừng bắt Bác “cõng” thêm nhà thơ,
Bác mệt!”

Cũng vậy – khi trao đổi với mọi người
Hồ Chí Minh không bao giờ
tự cho mình đúng hết

Hãy cãi lại Bác Hồ…

(Người đưa tay nghiêm nghị chỉ vào từng chúng ta)

Có lẽ nào
Các chú
lại không cho Bác
có quyền được biết mình sai!

(Tháng 5 năm 1980).

NGƯỜI SAU KHÔNG BỊ KHUẤT

Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp…
Bạn mình!
(10 – 1970)

KHÔNG ĐÁNG SỢ KẺ THÙ TRƯỚC MẶT

Ta hãy tự trả lời ta – Bạn hỡi
Khi ta vui
Và cả lúc ta buồn
Tâm hồn ta có trong sáng đẹp hơn
Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn
Không đáng sợ kẻ thù trước mặt
Sợ nhất
Kẻ thù ẩn náu trong ta!
(1970)

Hải Như đã tìm được cho mình “Một lối đi riêng”. Vâng, một lối đi vì con người, vì cuộc sống con người thấm đẫm trong từng bài thơ của Hải Như!

***

BA

HẢI NHƯ: KHÓ TÍNH TRONG QUAN HỆ

Trong suốt cuộc đời làm thơ của Hải Như, ông là bạn bè thân thiết của rất nhiều thế hệ nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, trí thức như nhà viết chèo Tào Mạt, nhà thơ Quang Dũng, GS,BS Vân A, học giả Đào Duy Anh, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, KTS Nguyễn Cao Luyện, nhà báo Phùng Bảo Thạch, hòa thượng Thích Đức Nghiệp… Hải Như cũng là bạn thân của khá nhiều chính khách như Phan Điền, Đoàn Duy Thành, Hoàng Tùng, đặc biệt là Trần Xuân Bách. Ngay cả thời gian ông Bách bị “quản thúc lỏng” cho đến khi được “phục hồi”, năm nào vợ chồng Hải Như cũng ghé thăm nhà; ngược lại, vợ chồng ông Bách cũng nhiều lần đến thăm gia đình Hải Như. Đó tuyệt nhiên chỉ là những mối quan hệ trong sáng, giữa con người với con người, giữa hai nhà thơ.
Hải Như là nhà thơ dịch chuyển, hay đi đây đi đó. Ông để lại dấu ấn tình nghĩa với rất nhiều địa phương ông ghé qua bằng những vần thơ say đắm được rất nhiều nhạc sĩ tiếng tăm phổ nhạc, từ “Thành phố hoa phượng đỏ”, đến “Thành phố tiếng thoi”; từ “Hà Nội thành phố của niềm tin” đến “Hà Nội hôm nay, Hà Nội ngày mai”; từ “Ninh Bình điểm hẹn” đến “Khúc tình ca Bình Định”; từ “Nụ cười Đà Lạt” đến “Gửi Phan Thiết”; từ “Hát từ bán đảo Phương Mai” đến “Sông Hàn nước vẫn xanh”… Những năm gần đây, báo chí các địa phương, các nhà lãnh đạo những nơi đó đều có bài, thư nhắc đến ông, Hà Nôi, Tp HCM còn dựng phim về ông:

Báo Bình Định viết: “Chuyến du xuân đầu năm Nhâm Thìn của nhà thơ Hải Như cùng vợ ông, bà Nguyễn Thị Tỉnh (nguyên phóng viên Báo Lao động, cán bộ Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh) bắt đầu từ ngày 13.2, ông bà có mặt tại TP Quy Nhơn và dự định lưu lại Bình Định khoảng một tuần”.
“Nhà thơ Hải Như hào hứng kể về mối duyên giữa ông và Bình Định: “Khoảng trước năm 2000, anh Mai Ái Trực khi đó là chủ tịch tỉnh, vốn đã biết một số tác phẩm tôi viết về Bác Hồ, mời tôi đóng góp với tỉnh. Khi đó, tôi đã viết bài thơ “Khúc tình ca Bình Định”, được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc. Năm 2001 tôi lại viết bài thơ “Quy Nhơn trang mới”, lấy cảm hứng từ con đường Quy Nhơn – Sông Cầu mới xây dựng, do nhạc sĩ Văn Lương phổ nhạc. Năm 2005, tôi lại được Chủ tịch tỉnh Vũ Hoàng Hà mời ra Quy Nhơn nhân dịp khởi công xây dựng cầu Thị Nại và tôi đã viết “Thơ viết bên Đầm Thị Nại”, được nhạc sĩ Vũ Trung phổ thành bài hát “Hát từ bán đảo Phương Mai”. Ra Quy Nhơn lần này, tôi muốn viết một bài mới. Có thể là Cảng Quy Nhơn. Tôi muốn mượn Cảng Quy Nhơn để nói về Bình Định”.

*

Đài truyền hình Tp. HCM làm phim về nhà thơ Hải Như (2 tập). Bộ phim đã được công chiếu lần đầu trên sóng HTV9 ngày 2/9/2006, năm sau (5/2007) VTV1 phát lại:

MỜI XEM TẬP 1 TẠI ĐÂY: http://clip.vn/watch/PTL-Nha-tho-Hai-Nhu-Tap-1-2,WxRr/
MỜI XEM TẬP 2 TẠI ĐÂY: http://clip.vn/watch/PTL-Nha-tho-Hai-Nhu-tap-2-2,WxR4/


ảnh: chụp lại từ tập 1 bộ phim về nhà thơ Hải Như của HTV9

Về bộ phim này của hang TFS cũng như bộ phim “nhà thơ Hải Như với Hà Nội”, ngày 24/7/2010 ông Hữu Thỉnh chủ tịch hội Nhà Văn VN đã có công văn gửi tới đài truyền hình Tp. HCM và đài phát thanh truyền hình Hà Nội, đề nghi “xin quý đài gửi cho Bảo tàng Hội Nhà văn VN đĩa phim tài liệu trên để lưu giữ”:

*

Hải Như còn là tác giả nhiều bài thơ viết về các địa phương mà ông đã sống, đã ghé qua để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với địa phương:


ảnh: Thư của ông Nguyễn Bá Thanh chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng gửi nhà thơ Hải Như

*

Báo chí trung ương, từ báo “Nhân Dân”, báo “Xây dưng Đảng” đến báo chuyên ngành, cũng có nhiều bài viết về Hải Như. Báo Nhân Dân số ra ngày 8/1/2006 viết về lần tiếp xúc của nguyên chủ tịch Ủy ban thường vụ QH Trường Chính với nhà thơ Hải Như, có những tiêu đề nhỏ như “bài thơ đầu tiên”, “những câu thơ bị gạch chỉ đỏ”… Mở đầu bài viết, tác giả nêu câu hỏi: “Trong con mắt nhiều người, Hải Như cô đơn ” trên con đường thơ “chẳng giống ai” trong mảng sáng tác đề tài HCM. Nhưng suốt gần nửa thế kỷ gánh trên vai sứ mệnh nhà thơ, có phải ông chưa bao giờ tìm thấy một điểm tựa, chưa bao giờ tìm thấy một tri âm chia sẻ những niềm day dứt?” :

Tạp chí “NHÀ VĂN” số ra ngày 28/12/2012 đăng một chum thơ của nhà thơ Hải Như viết về quê hương Nam Định, thông qua các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ nổi tiếng của quê hương:

Thơ Hải Như

Với nhà thơ Tú Xương

Căn gác phòng văn của nhà thơ ở phố Hàng Nâu chúng tôi vẫn trân trọng giữ
Chiếc ô lục soạn, tiếc không còn
Chúng tôi sẽ sắm chiếc mới đặt vào thay
Cây hồng bạch hoa đơn Nhà thơ trồng góc sân dạo ấy
Chồi non vẫn đơm bông giữa buổi sáng tôi đến thăm này
Dòng sông Vị giờ thành đường đi
Có khách sạn mang tên quê Nhà thơ vừa được xây
Qua cái tên chúng tôi muốn nói:
Vị trí của Nhà thơ trong nền văn học mới hôm nay.


Về Nam Định nhớ Đặng Thế Phong

Không có Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong
Chúng ta làm sao hiểu được “dương thế bao la sầu” ngày ấy.
Về Thành Nam lần này tôi vẫn chưa tìm được ra căn nhà nhạc sĩ ở năm xưa
Nhạc sĩ của những tháng năm buồn
Vô cùng trung thực với lòng mình anh viết Con thuyền không bến
Tôi đi hết phố Bến Ngự
Đi hết phố Hàng Thao. Ra cả bến Đò Quan
Tưởng tượng sẽ gặp anh trên một lối ngoặt bất ngờ
Đặng Thế Phong. Nhờ những ca khúc không nhiều của Anh
Chúng tôi thêm yêu những ngày đang sống
Và nhận ra cái – còn lại – muôn đời của nhạc và thơ.

Với Tào Mạt

Trong nền văn học nhạt nhòa chúng ta
Anh là một người cầm bút có ngạnh – từ lâu tôi nghĩ về anh
Tác giả Chèo làm sống lại Bài ca giữ nước không phải vì ông cha
Mà vì thế hệ cháu con – anh đòi “đối diện”
Anh làm chức năng muôn đời thức tỉnh của thơ ca
Tôi đang nghiên cứu lẽ vô thường đạo Phật
Về Nam Định mùa xuân này anh em cho hay Tào Mạt có thể sắp đi xa
Tôi ghi vào đầu trang viết sáng nay của mình:
Có nhiều – rất nhiều người đi xa không bao giờ còn gặp lại
Với anh – khi tiếng trống chèo năm 2000 rung lên
Tào Mạt ơi! Anh lại sẽ hiện ra…

*

Hải Như còn giao tiếp trực tiếp với nhiều chính khách tên tuổi, ngoài trường hợp với nguyên chủ tịch UBTVQH Trường Chinh, với nguyên chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Hoàng Tùng đã nói ở trên, ông còn có duyên gặp trực tiếp nhiều chính khách khác, đặc biệt là trường hợp Trần Xuân Bách. Điều cần nói là tất cả những cuộc tiếp xúc đó đều không phải nhà thơ chủ động “xin gặp”.

Cuộc gặp Trần Xuân Bách là một ví dụ: Khi báo đưa tin về việc xây dựng bảo tàng HCM, Hải Như (lúc đó đang ở Tp. HCM) đã gửi thư tới Bộ Chính Trị kiến nghị ngừng thi công (kèm một bài thơ nói về vấn đề này). Lập tức ông Trần Xuân Bách (khi làm thơ thường lấy bút danh Bách Xuân) đã tìm đến nhà con của Hải Như (nhà báo Vũ Kỳ Anh) để gặp nhà thơ, báo cho nhà thơ biết bộ Chính trị cám ơn góp ý của nhà thơ, nhưng công trình đã thi công theo kế hoạch của Nhà nước, không thể thay đổi. Sau đó, hai người đồng hương đã trở thành bạn tri kỷ. Khi Trần Xuân Bách bị “vô hiệu hóa”, mọi người đều e ngại không muốn tiếp xúc và Trần Xuân Bách như một tù nhân bị giam lỏng không tuyên án tại chính ngôi nhà của mình. Nhưng Hải Như thì khác, ông vẫn đi lại thăm hỏi thường xuyên và cùng Trần Xuân Bách đàm đạo về THƠ. Có một chi tiết rất vui là 15 ngày sau khi UVBCT Trần Xuân Bách bị kỷ luật, Hải Như từ Sài Gòn đến thăm Trần Xuân Bách tại tư gia, ông đã ôm chầm lấy bạn và nói rất to: “Đêm qua tôi nằm mơ bác Hồ bảo tôi đến thăm anh, nên hôm nay tôi tới đây!” và Trần Xuân Bách đã rơi nước mắt, ôm chặt bạn hơn.

Rồi khi được tin Trần Xuân Bách mất, Hải Như đã khóc bạn bằng bài thơ (trích từ trang blog Trần Mỹ Giống):

VĨNH BIỆT NGƯỜI BẠN CÙNG QUÊ

(Thay một nén nhang tưởng niệm Bách Xuân – Trần Xuân Bách)
Hải Như

Ngồi trên ghế quyền lực cao nhất Anh tìm đến ngõ Hòa Bình 5 đường Minh Khai gặp nhà thơ
Anh và tôi cùng huyện nhưng 2 vị trí khoảng cách xa nhau – chưa giáp mặt bao giờ
Tôi ngạc nhiên khi thấy Anh lẫn trong đám đông và… không có 2 cằm
Nghe tôi từ Sài Gòn ra Anh tới thăm ngay để trả lời bài thơ gởi Trung Ương tôi kiến nghị
Ngừng xây dựng Bảo Tàng Hồ Chí Minh nhường cho công trình phúc lợi Người dân
Có cả một văn phòng – có thư ký riêng nhưng Anh đích thân “vi hành” vào ngõ hẻm
Tôi nhớ tới câu thơ hôm nào Anh ghi tặng tôi:
“Bác Hồ là chúng ta khi chúng ta thật sự là chúng ta…”
Ngày Anh đi xa trên báo Nhân Dân bạn đọc thấy Những – gì – thuộc – về – Anh đều được trả lại
Tôi bỗng liên hệ đến có kẻ nhất định đòi “treo cổ” Anh ngày ấy
Chẳng biết sẽ nghĩ gì khi cầm tờ báo sáng xuân nay
TRẦN XUÂN BÁCH. Tôi biết Anh “dám tin riêng mình đúng số đông sai” như câu thơ tôi viết về Kim Ngọc
Chúng ta từng nói với nhau: Chân lý nằm trên mặt phẳng
Nhưng nhiều khi đến được Chân lý con người bị “loạn thị” đã đi vòng…
(Sài Gòn, ngày 6/1/2006)
H. NH

***

BỐN

TRỜI XANH QUEN THÓI…

CHUYỆN THỨ NHẤT:

Trong phần nói về “Hải Như và quan niệm của ông về chức năng của văn học”, tôi có viết: “Hải Như là nhà thơ chiến sĩ (ông tham gia quân đội từ năm 1946), có hàng trăm bài đăng trên Báo Nhân Dân; em và con trai ông là liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc”. Vậy mà chưa bao giờ ông nghĩ mình phải đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thực ra không hoàn toàn như vậy. Năm 1965, ông đã được làm đầy đủ thủ tục để kết nạp đảng, nhưng khi người thủ trưởng cơ quan nơi ông công tác (ông Trần Phong, TBT báo Cứu Quốc) đột ngột được Trung Ương điều vào miền Nam, cũng rất đột ngột, khi chi bộ đã trang trí cờ hoa cho hội trường để tổ chức lễ kết nạp ông thì người ta cho mời ông lên gặp lãnh đạo báo Cứu Quốc để nghe “đả thông”: vui lòng nhường cho vợ ông TBT mới (vợ tên Trâm, con địa chủ; chồng tên Ngọc là TBT mới) được kết nạp trước, ông sẽ kết nạp sau! Nhưng hơn 20 năm sau, việc kết nạp đảng của nhà thơ Hải Như hoàn toàn rơi vào im lặng, không một lời giải thích – một sự xúc phạm nghiêm trọng, không chỉ với nhà thơ của chúng ta mà còn cả với chi bộ báo Cứu Quốc và đảng ủy cấp trên của họ, dẫn đến việc nhà thơ của chúng ta quyết định thôi không nghỉ đến việc đứng trong hàng ngũ của đảng nữa! Trong một lần ông Lê Đức Thọ vào Tp. HCM hẹn gặp Hải Như (năm 1978). Tại lần gặp ấy, ông trưởng ban Ban Tổ chức Trung Ương sau khi khen ngợi những bài thơ viết về bác Hồ của nhà thơ, ông Thọ đã đột ngột hỏi: “Tại sao anh không vào đảng?”, Hải Như trả lời: “Thưa anh, anh nên hỏi tổ chức đảng báo Cứu Quốc!”. Lê Đức Thọ hỏi tiếp: “Anh là tiểu tư sản?”, Hải Như: “Đúng! Tôi thuộc dòng dõi nhà Nho”. Trước đó ông Thọ kể, đã từng tự hào kể cho hai phái đoàn của ta ở hội nghị Paris rằng quê hương Nam Định có Văn Cao – Quốc ca và nay có Hải Như với bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ Bác Hồ ơi ”. Sau này gặp lai TBT Trần Phong, ông nguyên TBT báo Cứu Quốc tỏ ra vô cùng phẫn nộ về việc chi bộ Báo Cứu Quốc (sau là Đại Đoàn Kết) không kết nạp đảng nhà thơ Hải Như, nên đã đưa ông vào Tp. HCM (lúc đó ông Trần Phong là lãnh đạo MTTQVN TP phụ trách Tôn Giáo Miền Nam) và điều làm TBT Báo Giác Ngộ, tăng 4 bậc lương (20 năm làm việc ở Báo Cứu Quốc, Hải Như không hề được tăng lương). Không chỉ không thi hành quyết định kết nạp đảng, kìm hãm không tăng lương, lãnh đạo báo Cứu Quốc lúc ấy còn tiếp tục vô hiệu hóa nhà thơ của chúng ta ngay cả khi bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ Bác Hồ ơi” đăng trang trọng trên báo Nhân Dân, làm xôn xao dư luận thì chi bộ báo Cứu Quốc lại chỉ thị (đương nhiên là nội bộ) cấm khen vì chưa có chỉ đạo của cấp trên! Vào những năm tháng ấy, trong cuốn sổ tay của nhà thơ có ghi bài thơ: “Nghĩ Về Đảng”.

Xem Thêm :   Những cột mốc quan trọng mẹ nên nhớ!

Xem thêm :  Ý nghĩa bài ca dao “Cày đồng đang buổi ban trưa …”

NGHĨ VỀ ĐẢNG

Tôi yêu Đảng bởi tôi biết Đảng tôi yêu
Không bao giờ khuyến khích tôi
Hai mắt nhắm nghiền chẳng dám mở thật to
Nhìn cho khắp cho hết những thiếu sót sai lầm
Thuộc điều tất nhiên Đảng có
Tôi yêu Đảng bởi tôi biết hơn bất cứ ai – rất rõ
Đảng sẽ hết sức buồn đau
Sẽ vô cùng xấu hổ
Nếu thấy tôi lại biến thành “con chiên”
Nghĩ về Đảng như một Đức Chúa Trời…
(Hà Nội – 1970 )

CHUYỆN THỨ HAI:

Nhà thơ Hải Như kể: Sau năm 1975, ông chuyển công tác vào Tp. HCM. Năm 1976 ông được hãng phim Giải Phóng mời viết kịch bản phim về Bác Hồ với Miền Nam. Khi phim dựng xong, đã chiếu để thủ tướng Phạm Văn Đồng xem. Thủ tướng rất khen và đề nghị chiếu rộng rãi. Tiếp đó, ông Tố Hữu cũng xem bộ phim ấy. Tố Hữu đã nói với Mai Lộc giám đốc hãng phim Giải Phóng: “Anh mời Hải Như viết kịch bản phim về Bác là rất đúng ”. Vậy mà cuối cùng bộ phim đó không hề được chiếu, mặc dù đài Truyền hình Trung Ương đã lên lịch phát sóng và công bố thời gian công chiếu – cũng không hề nói lý do!


Ảnh: Thiếp chúc Tết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, với dòng chữ ghi thêm: “Đ/C Hải Như thân mến. Nhân dịp năm mới tôi thân ái gửi đến anh, đến nhà thơ những điều chúc mừng tốt đẹp”

CHUYỆN THỨ BA:

Xin trích nhận xét của ông Trần Mỹ Giống, một chuyên gia thư viện, một nhà nghiên cứu phê bình của hội Văn nghệ Nam Định, về sự lạnh nhạt đến vô lý, khó hiểu của quê hương Nam Định đối với nhà thơ Hải Như: “Trong khi nhiều tỉnh bạn rất coi trọng cống hiến của nhà thơ Hải Như đối với địa phương, đất nước, biểu hiện ở hàng trăm bài viết trên phương tiện thông tin, làm phim về ông, ca ngợi xứng đáng với ông, thì ở chính quê hương ông, những người đương kim nắm giữ quyền lực và những người lãnh đạo văn học nghệ thuật lại tỏ ra không mấy mặn mà với ông. Tôi được biết các nhà lãnh đạo địa phương trước đây như Phan Điền, Nguyễn Văn An, Bùi Xuân Sơn, Trần Minh Ngọc, Trần Văn Tuấn… rất coi trọng nhà thơ Hải Như. Mỗi lần nhà thơ về thăm quê đều được lãnh đạo địa phương cho xe đón từ Hà Nội và tổ chức gặp gỡ thăm hỏi. Cố Bí thư tỉnh Phan Điền có lần về tận quê thăm hỏi thân sinh nhà thơ Hải Như. Gần đây, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trong dịp vào thành phố Hồ Chí Minh đã đến nhà thăm nhà thơ Hải Như”.
Họ là thế hệ sau, không biết những người đi trước? Không phải! Chính họ là những người luôn nói đến TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG. Họ mải mê với những kế hoạch làm giầu cho địa phương? Không phải! Họ là những người luôn nhắc đến PHẢI GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC. Họ coi nhẹ vai trò của văn nghệ sĩ? Không phải! Tại nhiều cuộc họp, họ vẫn lớn tiếng khen ngợi sự đóng góp to lớn của văn nghệ sĩ đối với quê hương…
Trước tết Quý Tị, cụ Hải Như về Tp. Nam Định, bị ốm. Tôi đã gọi điện tới ông Nguyễn Văn An đề nghị tác động với lãnh đạo địa phương đưa cụ đi khám bệnh. Ông An liên lạc với ai, tôi không biết. Sau đó có một chiếc xe đến nhà họa sĩ em trai cụ Hải Như, anh lái xe vào hỏi: Cụ định đi khám ở đâu, xin đưa cụ đi. Nhà thơ đã cám ơn và nói: Tôi tự đi được!
Vậy thì tại sao, thế hệ trước, người ta vồn vã với nhà thơ Hải Như như thế mà thế hệ này lại thờ ơ đến vậy. Xin phép bỏ ngỏ câu hỏi tại đây!

***

KẾT

Vâng, không ai khác, chính tạp chí Xây Dựng Đảng (20/9/2012) đã đánh giá “qua nhiều lần tiếp xúc, Hải Như vẫn khiến người đối diện cảm phục bởi một trí tuệ minh mẫn, am tường các vấn đề thế sự và đặc biệt tâm huyết với nghề, với “sứ mệnh” của nhà thơ đích thực vẫn luôn nguyên vẹn” qua bài phỏng vấn “NHỮNG THÔNG ĐIỆP CHO CUỘC ĐỜI TRONG THƠ HẢI NHƯ:

Cũng trong bài phỏng vấn trên, Hải Như đã khẳng định: “Tôi luôn tâm niệm như câu thơ tôi viết: “Giữ trái tim ta không để cho cuộc đời biến thành vô cảm. Tràn đầy xúc động trước mỗi số phận con người và cảnh sắc quê hương…”. Bởi vậy, tôi sáng tác nhiều đề tài về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước”.
Năm nay Hải Như bước qua tuổi 90, sức khỏe nhà thơ có phần giảm sút, nhưng sức sống, sức sáng tạo và tình yêu đất nước, yêu con người trong ông thì như vẫn tràn đầy. Ông vẫn sáng tác, vẫn trả lời phỏng vấn, vẫn đọc văn chương của bạn bè, của cả thế hệ sau ông. Ông không hề có tư tưởng ngơi nghỉ, dưỡng già. Chuyến đi Tp. HCM tháng 6.2013 vừa qua, tôi đã tới thăm nhà thơ Hải Như và được ông tâm sự: “Trong đời người có cái “rủi” lại trở thành may khó mà đoán trước được. Nửa đầu thế kỷ 20, tham gia Cách Mạng tôi cũng như số đông lớp trẻ có yêu cầu chính đáng: Đứng trong hàng ngũ Đảng. Nửa thế kỷ sau, việc tôi không được xét duyệt đảng viên lại là cái may – là niềm vui. Nói theo nguyên Bí thư TƯ Đảng Cộng Sản Nam Tư Malevic: “Khi 20 tuổi không yêu CNCS là không có trái tim. Đến 40 tuổi không hoài nghi và từ bỏ Đảng CS là không có cái đầu!”

Thay cho lời kết, xin mượn ý Nhà văn Xô Viết Ilya Ehrenburg đã viết nhân mừng thọ 80 tuổi danh hoạ người Tây Ban Nha Pablo Ruiz Picasso: “Sớm muộn nghệ thuật cuối cùng cũng ủng hộ những nhà sáng tạo chân chính, xoá bỏ hết tên tuổi những kẻ “đoạt ngôi” được bọn cùng thời với chúng “xông hương”…

THT

(Viết trong đợt điều trị thứ 13 tại Viện huyết học và truyền máu TW)
Tháng 8 – 2013

Cảm nhận:

1. Cảm nhận từ: Đào Ngọc Chi [Bạn đọc] 26.10.13@06:57

Không phải phát biểu để sổ toẹt đâu bác Trần Mỹ Giống ạ. Nhưng giai đoạn văn học định hướng, văn học hiện thực Xã hội Chủ nghĩa rất ít ảnh hưởng được tầng lớp người đọc sau này. Giai đoạn văn học minh hoạ mà các bậc kì tài như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên…đã đọc lời ai điếu. Nếu có Bảo tàng Văn học thì nên có một kệ trưng bày các tác phẩm văn học giai đoạn này cho ai làm nghiên cứu hay phê bình đọc. Trong phát biểu của mình, Giáo sư Vương Trí Nhàn hay Trần Đình Sử( Tôi không nhớ rõ)nói rằng: Trong mấy chục năm nay không có sinh viên khoa Văn nào làm luận văn Tốt nghiệp về Thơ Tố Hữu nữa. Đó là một thực tế. Chúng ta nên buốn hay nên vui đây?

Link cố định Phản hồi

2. Cảm nhận từ: duyben [Blogger] 26.10.13@09:21

Tôi đọc Hải Như từ mấy năm trước, hôm nay biết thêm nhiều tình tiết thú vị về nhà thơ Hải Như. Có hai điều tâm đắc ;
– Văn chương vì con người, không viết theo kiểu khiên cưỡng nên bền lâu trước thời gian và người đọc
– Nhân cách nhà thơ không tầm thường như nhiều cây bút, đây chính là CỐT LÕI người cầm bút như những tinh hoa VHNT Việt Nam, đó là các văn nghệ sĩ NVGP, hay như Bùi Minh Quốc, Trần Mạnh Hảo…Viết về tâm thế chấp nhận sự thiệt thòi. Cám ơn anh TRẦN MỸ GIÔNG Link cố định Phản hồi

5. Cảm nhận từ: TRẦN PHƯƠNG [Bạn đọc] 26.10.13@18:09

Nhà thơ Hải Như – một nhân cách lớn đáng khâm phục, nổi tiếng về thơ chủ đề Hồ Chí Minh, kịch bản phim… Nhưng không hiểu sao nhà thơ vẫn không được trao giải thưởng HCM hay giải thưởng nhà nước, dù ông xứng đáng hơn nhiều người đã được tặng các giải này? Bác Trần Mỹ Giống có thể cho biết vì sao lại bất công như vậy không ạ?

Link cố định Phản hồi

5-1. Phản hồi từ: tranmygiong [Blogger] 26.10.13@21:37

Đã có một số bạn đọc hỏi chính cụ Hải Như câu hỏi như bạn Trần Phương hỏi. Cụ đã TRẢ LỜI MỘT BẠN ĐỌC:
Trên báo Văn Nghệ khi điểm các nhà thơ thế hệ chống Pháp
Không thấy nhắc tên Hải Như
Trên báo Văn Nghệ khi điểm các nhà thơ chống Mỹ
– Cũng không thấy
Xin cho hỏi: Tại sao vậy?
– Tại nhà thơ bạn mến mộ không nằm trong Dàn đồng ca…
(Sài Gòn, tháng 5 – 2003)
H.NH

Và tôi thì biết rõ cụ Hải Như không thèm làm đơn xin giải thường theo quy chế nhà nước. Đó là tất yếu của tính cách Nhà thơ. Và dĩ nhiên người ta không trao giải cho Cụ vì cái thủ tục hành chính hạ thấp nhân cách người cầm bút ấy… Chính tính cách riêng quy định hành vi từ chối làm đơn xin giải của Nhà thơ. Và chính hành vi đó đã nâng tầm Nhà thơ vượt lên trên những người khác và được bạn đọc kính phục.
Link cố định Phản hồi

5-2. Phản hồi từ: TRẦN MINH HẰNG [Bạn đọc] 27.10.13@05:14

Ông ơi, CÁI NƯỚC MÌNH NÓ THẾ!
NGƯỜI TA SINH RA VỐN ĐÃ KHÔNG BÌNH ĐẲNG (Ông Trần Huy Thuận cũng nói vậy rồi) – Bất công là phần tất yếu trong xã hội, chế độ ta hiện nay ông ạ, khi mà trong lãnh đạo vẫn “còn một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất”, “cả một bầy sâu tham nhũng” cùng những cơ chế lạc hậu…
Xét cho cùng, thì những Giải thưởng này nọ rồi cũng qua đi, chẳng ai nhớ đâu. Nhưng tác giả và tác phẩm còn được người đời nhớ mãi, tôn vinh như cụ Hải Như thì đó chính là Giải thưởng lớn hơn tất cả các giải thưởng, đó là tượng đài trong lòng dân về một thời kỳ văn học nước nhà.
Tuy nhiên, giải thưởng HCM và giải thưởng NN nếu tự tìm và trao đúng cho những tác giả tác phẩm xứng đáng thì mới thực sự có giá trị và mới đáng coi trọng.

Link cố định Phản hồi

6. Cảm nhận từ: thuhienhoa [Blogger] 26.10.13@22:17

Một nhà thơ, một nhân cách lớn, cảm ơn bạn chia sẻ bài viết công phu, biết thêm về tác giả bài thơ nổi tiếng CHÚNG CHÁU CANH GIẤC BÁC NGỦ, BÁC HỒ ƠI.
Chúc bạn có ngày nghỉ thật vui… Link cố định Phản hồi

7. Cảm nhận từ: ĐINH NGỌC MINH [Bạn đọc] 08.11.13@09:52

Cảm ơn bác BVBong giới thiệu blog hay rất đáng đọc. Bài viết của Nhà văn Trần Huy Thuận về Nhà thơ Hải Như thật tuyệt vời. Cả hai tác giả đều là người Nam Định đã làm vẻ vang cho quê hương.

Link cố định Phản hồi

9. Cảm nhận từ: PHẠM XUÂN NGHỊ [Bạn đọc] 08.11.13@21:27

Nhà thơ Hải Như – Người có một không hai: ý thức về sứ mạng của nhà thơ là phải nói lên sự thật, không lẩn tránh sự thật. Cụ đã rất hạnh phúc trong cuộc đời. Những bi kịch cuộc đời là sự đánh đổi có những tác phẩm để đời của nhà thơ

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Kiến Thức Chung

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp

Related Articles

Back to top button