Cây Xanh

Kỹ thuật nuôi heo thịt quy mô nông hộ

kỹ thuật nuôi heo thịt QUY MÔ NÔNG HỘ

PHẦN MỘT – CHUỒNG TRẠI

I. NGUYÊN TẮC BỐ TRÍ VÀ QUẢN LÝ CHUỒNG TRẠI

Môi trường chăn nuôi cần thích hợp cho heo tăng trưởng, sinh sản thuận lợi, hạn chế tối đa các cơ hội mầm bệnh phát triển, lây lan. Nguyên tắc chung về việc bố trí và quản lý chuồng trại chăn nuôi cần đạt các tiêu chuẩn sau:

1) Khô ráo – thoáng mát – sạch sẽ – yên tĩnh.

2) Không nuôi chung heo với các loại gia súc, gia cầm khác trong cùng chuồng, trại.

3) Khu vực chăn nuôi có tường, rào cách biệt với nơi sinh hoạt và ngăn chặn các loại động vật khác xâm nhập.

4) Hạn chế việc ra vào khu vực chăn nuôi và luôn thực hiện biện pháp sát trùng người, phương tiện ở lối ra vào.

II. VỊ TRÍ VÀ CÁC YÊU CẦU VỆ SINH

1. Vị trí

Nên bố trí chuồng nuôi ở địa thế nhận được nhiều nắng buổi sáng (theo hướng đông hoặc đông nam). Địa điểm dựng chuồng trại thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển, chăm sóc và có rào, tường tách biệt với nơi sinh hoạt của gia đình, khu dân cư, các nơi sinh hoạt công cộng.

Chuồng trại phải được che chắn mưa tạt, gió lùa, gió lộng, nắng nóng buổi trưa. Nên trồng cây xanh xung quang để tạo bóng mát và chắn gió.

2. Yêu cầu vệ sinh

Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm nên sử dụng các loại vật liệu xây dựng chuồng trại ít dẫn nhiệt; đồng thời, thực hiện công việc vệ sinh thường xuyên hàng ngày, định kỳ sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi ít nhất 15 ngày một lần; ngoài ra, cần sát trùng vào các thời điểm: chuyển heo lẻ bầy nuôi thịt, chuẩn bị bắt heo mới về và sau mỗi đợt xuất bán.

Các hóa chất thông thường dùng sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, khu vực xung quang chuồng trại là nước vôi 20% (pha 20 kg vôi sống trong 100 lít nước để quét vách, cửa và các phần khác của chuồng), sát trùng bằng nano bạc silver 1000 để đảm bảo an toàn sinh học. Lưu ý khi dùng bất kỳ loại thuốc sát trùng nào cúng đều phải thực hiện đúng và đầy đủ hướng dẫn của nơi sản xuất ghi trên nhãn của loại thuốc sát trùng đó.

III. KẾT CẤU CƠ BẢN CHUỒNG TRẠI

1. Nền chuồng

Cần đắp cao hơn mặt đất xung quanh ít nhất là 20 cm để tiện thoát nước, tránh ẩm thấp. Nền cần xây móng vững chắc, tráng xi măng hay lót tấm đan đảm bảo không bị sụp lở, không bị ẩm hay đọng nước. Không nên tráng nền quá láng để tránh heo bị trợt té nhưng cũng không quá nhám khó dọn phân, rửa chuồng. Nền có độ nghiêng 1 – 2% về phía mương thoát (tức có độ dốc 1 – 2 phân cho mỗi mét tới) để nước dội rửa chảy thoát nhanh, mau ráo. Mương thoát nước cần thường xuyên dọn sạch sẽ để thoát phân, nước rửa chuồng và các chất thải về nơi xử lý (hố ủ phân, hố chôn, ao sinh học, ủ biogas…).

2. Vách và cửa chuồng

Nên làm vách ngăn các ô chuồng bằng song cây, song sắt để tạo môio trường thông thoát, hạn chế xây vách bằng gạch để giảm nóng ; nếu xây vách bằng gạch thì nên chừa các khe hở như hông gió. Chiều cao của vách từ  0,8 – 1 mét là phù hợp.

Cửa chuồng heo cần rộng và thiết kế sao cho tiện lợi trong việc đóng mở lúc ra vào chăm sóc và di chuyển heo khi cần. Chất liệu làm cửa phải vững chắc vì heo có thói quen cắn phá phần cửa, tốt nhất là làm cửa song sắt.

3. Kích thước ngăn chuồng

Nhằm thuận tiện chăm sóc, thông thường độ sâu thích hợp của ngăn chuồng (từ vách phía ngoài cửa đến vách trong đối diện) từ 2,5 – 4 mét tùy điều kiện xây dựng.

Nhu cầu về diện tích cho heo thịt các lứa tuổi như sau: heo từ 2 – 3 tháng tuổi cần khoảng 0,5 m2/con ; heo từ 3 tháng đến lúc xuất chuồng cần 0,8 – 1 m2/con.

Tuỳ khả năng xây dựng và quy mô nuôi để thiết kế, xây dựng trại với các ngăn chuồng theo kiểu trại 1 dãy, 1 hành lang chăm sóc và 1 hệ thống mương thoát nước, chất thải ở phía sau hoặc kiểu trại 2 dãy, 1 hành lang chăm sóc giữa 2 dãy và 2 hệ thống mương thoát dọc theo hai bên trại.

4. Mái chuồng

Ở nông thôn, dùng mái lợp lá hoặc tranh là thích hợp nhất vì chi phí thấp và tạo môi trường thoáng mát cho heo. Thông thường mái chuồng cao khoảng 2,5 – 3 mét; nếu lợp tôn kẽm, tôn fibro xi măng, tôn nhựa tổng hợp thì nên tăng độ cao để giảm bớt sức nóng. Ngoài ra, trong các tháng mùa khô nên có biện pháp giảm nóng như: phun nước trên mái chuồng, lắp đặt hệ thống ống nước phun sương, quạt thông gió trong chuồng nuôi.

5. Xử lý phân và nước thải

Cần có biện pháp xử lý phân và nước thải tốt để chuồng, trại luôn được sạch sẽ, ngăn chặn mầm bệnh lưu tồn và hạn chế ô nhiễm ô trường. Tuỳ điều kiện mỗi nơi, có thể làm hầm ủ phân hay ủ khí sinh học (biogas) bằng hầm xây hoặc túi nhựa để diệt các loại ký sinh trùng trong phân, nước thải, có thêm nguồn phân chuồng tốt cho cây trồng và khí đốt tại chỗ.

Hầm ủ phân, hầm hoặc túi ủ khí sinh học nên bố trí ở phía ngoài và phía vách sau của chuồng. Cách tính toán thể tích hầm ủ hay túi biogas dựa trên khối lượng phân và nước tiểu của tổng đàn heo nuôi. Có thể tham khảo lượng phân và nước tiểu thải ra đối với heo các lứa tuổi như sau để tính toán: Trung bình mỗi ngày 1 heo lứa thải 1 – 1,3 kg phân và 1 lít nước tiểu; heo nặng từ 60 – 100 kg thải 5 – 8 kg phân và 2,5 – 4,5 lít nước tiểu; heo nái cùng bầy heo con thải 12 – 15 kg phân và 6 – 8 lít nước tiểu.

6. Vật dụng cho ăn và uống

6.1 Máng ăn

Tuỳ theo điều kiện riêng và quy mô chăn nuôi, có thể sử dụng các loại máng ăn bằng sành, gỗ và tiện lợi hơn hết là sử dụng các loại máng ăn bán tự động để tiết kiệm công lao động.

6.2 Máng uống

Tốt nhất là sử dụng các loại núm uống tự chảy vì cung cấp nước thích hợp với nhu cầu uống nước trong từng lúc của heo nên giúp heo tăng trưởng, sinh sản thích hợp ; đồng thời còn giúp tiết kiệm nước, công lao động, thuận tiện cho việc pha thuốc, chất bổ sung dinh dưỡng đúng liều lượng và giúp chuồng trại khô sạch hơn. Núm uống được lắp đặt ở độ cao cách nền chuồng từ 25 – 40 cm, mỗi núm uống có thể sử dụng chung cho 5 – 7 heo.

PHẦN HAI – GIỐNG

I. CÁC GIỐNG HEO HƯỚNG NUÔI THỊT

Các giống heo địa phương như heo Mọi, Thuộc Nhiêu, Ba Xuyên… hầu hết đều có đặc điểm thích nghi tốt; tuy nhiên, do nhược điểm tăng trọng chậm và tỷ lệ mỡ cao nên hiệu quả kinh tế thấp, không phù hợp chăn nuôi theo hướng hàng hoá. Vì vậy, chăn nuôi heo sinh sản tạo đàn heo thương phẩm có tỷ lệ nạc cao cần sử dụng các giống heo cao sản.

1. Yorkshire

Có sắc lông trắng, mặt từ thẳng đến hơi cong vớt lên, tai đứng, thân thon dài, lưng hơi võng và thẳng. Nếu nuôi dưỡng đầy đủ có thể đạt 100 kg lúc 5 tháng tuổi. Heo Yorkshire thích nghi tốt, đẻ sai và nuôi con giỏi nên thích hợp nuôi thuần, cho lai với heo nền địa phương để cải tạo chất lượng đàn giống hoặc cho  lai với các giống cao sản khác để tạo con lai có  tỷ lệ nạc cao, khả năng sinh sản tốt.       

2. Landrace

Có sắc lông trắng, thân dài, đầu nhỏ, tai xụ, phần mông phát triển nên bắp đùi to hơn các giống khác, nếu nuôi tốt có thể đạt trọng lượng 100 kg lúc 5 tháng tuổi. Khả năng tăng trọng và sinh sản đều tốt nhưng yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc và chế độ dinh dưỡng khá cao; do đó, cơ sở chăn nuôi cần đảm bảo các yêu càu này thì nuôi giống heo Landrace mới đạt hiệu quả tốt.

3. Duroc

Có sắc lông màu nâu đỏ, thể chất vững chắc, tai to và cụp về phía trước, thích nghi khá, tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc cao. Khả năng sinh sản không tốt bằng các giống khác nhưng sức tăng trọng nhanh nên thích hợp nuôi thịt và dùng heo nọc cho lai với heo cái nền địa phương hoặc các giống heo cao sản khác tạo con lai 3 máu, 4 máu nuôi thương phẩm.

4. Pietrain 

Được lai tạo từ các giống cao sản. Pietrain có sắc lông vá hai màu trắng và đen xen lẫn từng đám, tai thẳng đứng, đầu to vừa phải, bốn chân thẳng, ngắn, mông rất nở, lưng rộng, nhiều nạc, đùi to; tuy nhiên, tốc độ tăng trọng tương đối chậm và khả năng thích nghi có kém hơn các giống khác một ít. Ngoài ra, giống heo này có nhược điểm di truyền là tim yếu nên đễ chết đột ngột khi có stress nặng; dù sao hiện tượng nàu cũng hiếm xảy ra.

Với các đặc tính như trên nên giống Pietrain thường được sử dụng với mục đích tương tự như giống Duroc là dùng heo nọc lai tạo với các giống khác để tạo heo lai thương phẩm nhiều máu có tỷ lệ nạc cao; đặc biệt khi muốn gia tăng kích thước phần thịt đùi.

5. Heo lai

Có khá nhiều công thức lai nhằm kết hợp các ưu điểm riêng của từng giống. Phổ biến hiện nay là  heo lai 2 máu theo công thức: Yorkshire x Landrace, lai 3 máu: Duroc x (Yorkshire x Landrace) hay x Pietrain x (Yorkshire x Landrace) hoặc 4 máu như (Duroc x Pietrain) x (Yorkshire x Landrace),… Trong điều kiện chăn nuôi heo thịt ở nông hộ và theo hướng nâng cao tỷ lệ nạc và chất lượng quầy thịt thì nuôi heo lai nhiều máu sẽ cho hiệu quả cao hơn so với nuôi heo thuần.

II. TIÊU CHUẨN CHỌN HEO NUÔI THỊT

1. Chọn theo nguồn gốc

Dựa vào đặc điểm các giống heo thích hợp hướng nuôi thịt kể trên để xác định việc chọn giống nào là thích hợp với điều kiện chăn nuôi và thị trường tiêu thụ ở mỗi nơi.

2. Chọn chủng loại và nguồn gốc giống phù hợp với hướng nuôi thịt

Việc lựa chọn giống heo nuôi thịt cần căn cứ vào điều kiện, quy mô chăn nuôi của trang trại, gia đình và hướng tiêu thụ thị trường.

Trường hợp mua heo lẽ bầy từ nơi khác thì cần biết rõ nguồn gốc, chủng loại giống. Trường hợp heo được sinh sản từ heo nái nuôi tại chỗ thì trước đó cũng cần rõ nguồn gốc, chủng loại giống của từng heo nái để chọn nọc giống, tinh giống phù hợp với hướng nuôi thịt và đàn heo con có giá trị, chất lượng cao.

3. Chọn qua quan sát, đánh giá ngoại hình

Chọn những con tốt trong bầy, đạt trọng lượng chuẩn theo đặc điểm của giống. Thông thường, heo con thích hợp nuôi thịt phải sớm có các biểu hiện thể trạng khỏe mạnh, lanh lẹ, không dị tật, ngực to, lưng thẳng, mông tròn, bụng thon gọn, chân thẳng và cứng cáp.

PHẦN BA – DINH DƯỠNG, THỨC ĂN

I. Ý NGHĨA DINH DƯỠNG, THỨC ĂN

Nhu cầu dinh dưỡng của heo gồm nhiều chất; loại cần nhiều loại cần ít; tuy nhiên, yêu cầu chung là đầy đủ và cân đối. Nguồn dinh dưỡng chính cho heo được cấp qua khẩu phần hàng ngày và một số chất bổ sung trộn thêm vào thức ăn hoặc pha trong nước uống hoặc theo đường tiêm. Có thể phân chia các loại thức ăn theo chức năng dinh dưỡng cho heo như sau:

1. Loại thức ăn chứa nhiều chất bột đường

Chất bột đường có chức năng chính là cung cấp năng lượng để heo hoạt động và một phần để tạo mỡ. Gạo, tấm, bắp, khoai mì, khoai lang, cám… là các loại thức ăn chứa nhiều chất bột đường. Trong khẩu phần, chất bột đường chiếm tỷ trọng cao nhất  từ 70 – 80% tùy giai đoạn tăng trưởng của heo.

2. Loại thức ăn chứa nhiều chất đạm

Chất đạm có chức năng chính là giúp heo tăng trưởng và sinh sản. Thức ăn chứa nhiều đạm có thể chia làm 2 loại: Loại có nguồn gốc từ động vật như: bột cá, cá khô, cá tươi, tôm, cua, còng, ruốc, bột thịt công nghiệp. Loại có nguồn gốc từ thực vật như: đậu xanh, đậu nành, bánh dầu phộng, bánh dầu đậu nành, bánh dầu dừa… Trong khẩu phần, chất đạm chiếm khoảng 12 – 23 % tùy giai đoạn tăng trưởng, sinh sản.

Xem thêm :  Cách trồng và chăm sóc cây trầu bà chân vịt

3. Loại thức ăn chứa nhiều chất xơ

Chất xơ có chức năng chính là giúp heo dễ tiêu hóa và cấp thêm môt số vitamin (sinh tố) và chất khoáng. Các loại rau như  rau muống, rau lang, bèo, các loại quả, bột cỏ… là thức ăn chứa nhiều chất xơ. Tỷ lệ sử dụng trong khẩu phần không cao; thường chỉ khoảng 3 – 5%.

4. Loại thức ăn cung cấp các yếu tố dinh dưỡng bổ sung

Các yếu tố dinh dưỡng bổ sung bao gồm: các loại vitamin, các loại khoáng, men (enzym), acid amine, acid béo… tuy chiếm tỷ lệ rất thấp trong khẩu phần nhưng không thể thiếu vì các chất này liên quan đến quá trình chuyển hóa tất cả các chất dinh dưỡng khác, giúp cho heo sinh trưởng, sinh sản điều hoà và luôn có sức đề kháng tốt. Thức ăn bổ sung chiếm khoảng 1 – 3% trong khẩu phần.

Các loại thức ăn cung cấp các yếu tố dinh dưỡng bổ sung như: bột vỏ sò, bột xương (cung cấp nhiều chất vôi, lân), các chế phẩm được chế biến tổng hợp (thường gọi chung là prémix) cung cấp các loại khoáng như: vôi, (Ca), lân (P), muối (NaCl), đồng (Cu), kẽm (Zn), sắt (Fe), mangan (Mn), ma-giê (Mg),… và các loại vitamin như: A, D, E, K, B1, B6, B12, PP,…

II. CÁC DẠNG THỨC ĂN THƯỜNG DÙNG

1. Thức ăn tự trộn

Là cách sử dụng các loại thực liệu tại chỗ, dễ có để pha trộn. Thức ăn tự trộn có lợi điểm là chi phí thấp nhưng bất lợi là tốn công lao động mua và trộn các loại thực liệu theo từng công thức phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng, sinh sản của heo nuôi; ngoài ra, do phải mua từng loại thực liệu với khối lượng nhỏ nên khó kiểm soát được chất lượng, đọ an toàn vệ sinh thức ăn và sau khi trộn thường chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn.

Có nhiều công thức dùng để tự trộn thức ăn tùy theo nguồn thực liệu ở địa phương. Có thể tham khảo một số công thức thức ăn tự trộn sau đay để nuôi heo thịt:

Thành phần

(tính trên 100 kg thức ăn)

Heo dưới

30 kg

Heo từ

30 – 60 kg

Heo từ

60 – 100 kg

Bắp hoặc tấm

Cám

Bột đậu nành rang

Bánh dầu đậu phộng

Bột cá lạt

Premix khoáng

Premix vitamin

44

30

15

9,0

1,0

1,0

45

35,5

10

8,0

1,0

0,5

51

35,5

5,0

7,0

1,0

0,5

Có thể thay thế một phần cá lạt bằng con ruốc, cá mặn nhưng cần ngâm nước giã bớt mặn. Tuy nhiên, khi sử dụng loại bột cá mặn thì chỉ nên sử dụng ít; khoảng 3 – 4% trong khẩu phần.

2. Thức ăn hỗn hợp chế biến công nghiệp

Là loại thức ăn đã được các nơi sản xuất chuyên về thức ăn gia súc tổ hợp và pha thích hợp với nhu cầu dinh dưỡng của heo ở các giai đoạn sinh trưởng. Ưu điểm của thức ăn này là thành phần dinh dưỡng được tính toán, pha trộn cân đối; đồng thời, các nguồn thực liệu được kiểm soát, xử lý chặt chẽ nên chất lượng, độ an toàn và thời gian bảo quản đều cao hơn thức ăn tự trộn. Thức ăn công nghiệp thường được gọi là “thức ăn bao” tiện dụng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô trung bình, lớn do giảm được công lao đọng mua gom thực liệu để tự trộn.

Thức ăn hỗn hợp công nghiệp thường có hai dạng: dạng bột mịn và dạng viên. Hai dạng này không có sự khác biệt lớn về giá trị dinh dưỡng mà chủ yếu là  khác về hình thức, cấu trúc thức ăn nhằm phù hợp với đặc điểm tiêu thụ của heo trong từng giai đoạn tăng trưởng.

Tùy theo điều kiện đầu tư của nơi chăn nuôi để lựa chọn cách tự trộn hay sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, dù gia đình chăn nuôi heo quy mô nhỏ, có điều kiện tự trộn thức ăn thì ít nhất vẫn nên sử dụng loại thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho heo con tập ăn, heo ở giai đoạn đầu sau khi lẽ bầy để đẩm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng rất quan trọng cho heo ở các giai đoạn này.

Các loại thức ăn công nghiệp thường có ghi rõ trên bao bì thành phần các chất dinh dưỡng cơ bảo như: năng lượng trao đổi, tỷ lệ % đạm, xơ, béo, can-xi, phốt-pho… tương ứng với nhu cầu dinh dưỡng của giai đoạn tăng trưởng, sinh sản của heo. Do đó, người chăn nuôi cần chú ý đọc kỹ thông tin này để chọn đúng loại thức ăn phù hợp với lứa tuổi, giai đoạn sinh sản của heo.

3. Thức ăn đậm đặcchế biến công nghiệp

Có tính chất tương tự như thức ăn hỗn hợp công nghiệp; tuy nhiên, nơi sản xuất chỉ pha trộn các loại thực liệu chứa nhiều chất đạm, chất xơ và chất bổ sung, còn nơi chăn nuôi thì sử dụng các loại thức ăn có nhiều chất bột đường có sẳn hoặc dễ tìm ở địa phương như tấm, gạo, bắp, cám, khoai… để trộn với thức ăn đạm đặc theo tỷ lệ hướng dẫn của nơi sản xuất.

Thức ăn đậm đặc cũng được chế biến theo công thức thích hợp cho từng giai đoạn tăng trưởng của heo. Giữa các nơi sản xuất thức ăn đậm đặc thường có một ít khác biệt về thành phần thực liệu sử dụng và tỷ lệ pha trộn với thức ăn chứa nhiều bột đường; do đó, người nuôi cần chú ý yếu tố này khi chọn mua, sử dụng.

Ưu điểm của loại thức ăn đậm đặc là phù hợp với điều kiện chăn nuôi quy mô nhỏ, trung bình ở vùng nông thôn thường có sẳn hoặc dễ tìm mua các loại thức ăn chứa nhiều chất bột đường (cám, tấm, bắp …) nên giúp giảm một phần chi phí so với khi mua loại thức ăn hỗn hợp toàn phần; đồng thời, cũng tiện dụng hơn khi chuyên chở.

4. Thức ăn bổ sung

Ngoại trừ bột vỏ sò, bột xương… thì phần lớn được chế biến ở dạng các chế phẩm hỗn hợp premix để pha trong nước uống, trộn trong thức ăn. Các loại chế phẩm phổ biến thường gồm các loại vitamin, khoáng, men, một số acid amine, có hoặc không có một lượng thuốc kháng sinh để phòng bệnh; tuy nhiên, mỗi loại có hàm lượng, thành phần các chất dinh dưỡng và tỷ lê pha, trộn khác nhau. Vì vây, cần xem thật kỹ thông tin ghi trên nhãn chế phẩm để sử dụng đúng, không lãng phí. Thông thường khi đã sử dụng các loại thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc có chất lượng tốt thì có thể hạn chế sử dụng các loại thức ăn bổ sung.

5. Một số lưu ý trong cách sử dụng thức ăn, nước uống

– Nếu tự pha trộn thức ăn, cần lựa chọn nguồn thực liệu mới, có mùi thơm đặc trưng, không bị ẩm mốc… và chọn nơi cung cấp đảm bảo có chất lượng ổn định.

– Nếu sử dụng thức ăn hỗn hợp hoặc thức ăn đạm đặc cần lưu ý thời hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, yêu cầu bảo quản và không nên tự gia giảm hay bổ sung thêm thức ăn khác ngoài phần hướng dẫn của nơi sản xuất.

– Cần duy trì ổn định loại thức ăn sử dụng  và cách cho ăn. Nguyên tắc chung là nên hạn chế việc thay đổi thức ăn. Nấu phải đổi thức ăn thì cần chuyển dần từ ít đến nhiều, tránh đổi đột ngột có thể làm heo bị rối loạn tiêu hoá.

– Số lượng thức ăn (loại thức ăn hỗn hợp) cung cấp theo các lứa tuổi và trong lượng heo có thể tham khảo bảng theo dõi tổng quát như sau:

Giai đoạn

Ngày tuổi

Trọng lượng heo (kg)

Ước lượng số lượng thức ăn (kg/con/ngày)

Heo con tập ăn

Heo con cai sữa

Heo lứa

Heo choai

Heo vỗ béo

7 – 21

21 – 60

60 – 90

90 – 120

120 – 150

1,5 – 6

6 – 15

15 – 30

30 – 60

60 – 100

0,02 – 0,05

0,05 – 0,8

0,8 – 1,5

1,5 – 2,5

2,5 – 3

– Trong quá trình chăn nuôi, việc theo dõi trọng lượng heo là rất cần thiết để đánh giá sức tăng trọng nhằm tăng, giảm khẩu phần hoặc điều chỉnh thành phần dinh dưỡng trong thức ăn và cũng rất cần thiết để dịnh lượng thuốc dùng phòng trị bệnh. Dùng cân là chính xác nhất; tuy nhiên, trong thực tế để tiện dụng hơn có thể dùng thước dây để đo vòng ngực heo rồi quy chiếu ước tính trọng lượng theo bảng sau:

Vòng ngực (cm)

Trọng lượng (kg)

Vòng ngực (cm)

Trọng lượng (kg)

Vòng ngực (cm)

Trọng lượng (kg)

Vòng ngực (cm

Trọng lượng (kg)

Vòng ngực (cm)

Trọng lượng (kg)

51

14

69

32

87

58

105

95

123

147

52

15

70

34

88

60

106

98

124

150

53

16

71

36

89

62

107

100

125

153

54

17

72

38

90

64

108

103

126

156

55

18

73

40

91

66

109

106

127

159

56

19

74

41

92

68

110

108

128

162

57

20

75

42

93

70

111

111

129

165

58

21

76

43

94

72

112

114

130

168

59

22

77

44

95

74

113

117

131

171

60

23

78

45

96

76

114

120

132

174

61

24

79

46

97

78

115

123

133

177

62

25

80

47

98

80

116

126

134

180

63

26

81

48

99

82

117

129

135

183

64

27

82

50

100

84

118

132

136

186

65

28

83

52

101

86

119

135

137

189

66

29

84

54

102

88

120

138

138

192

67

30

85

55

103

90

121

141

139

195

68

31

86

57

104

92

122

144

140

198

141

201

142

204

143

207

– Với tập quán chăn nuôi heo ở nhiều nơi cho ăn khá nhiều rau là không cần thiết, nhất là khi nuôi các giống heo cao sản vì rau có khối lượng lớn nhưng chức năng dinh dưỡng thấp, chủ yếu chất xơ và nước; nhất là khi nuôi các giống heo cao sản. Khẩu phần rau xanh hàng ngàychỉ nên cho ăn khoảng 0,2 – 0,3 kg đối với heo 2 – 3 tháng tuổi và 0,4 – 0,6 kg cho heo 3 – 5 tháng tuổi.

– Cách cấp thức ăn cho heo tốt nhất là ở dạng khô hoặc sệt kết hợp với sử dụng núm uống tự chảy. Không nên cho ăn thức ăn lỏng, nấu chín vì vừa tốn công và nhiên liệu để nấu lại không cung cấp đủ số lượng, chất dinh dưỡng theo nhu cầu của heo (do phần nước nhiều làm heo mau no nhưng chưa đủ nhu cầu chất khô); nhất là khi nuôi với quy mô lớn.

– Nguồn nước uống cho heo phải tuyệt đối sạch, không nhiễm phèn, mặn. do đó, cần kiểm tra kỹ chất lượng nguồn nước sử dụng để có biện pháp lọc và khử trùng. Nước uống cho heo nên cấp bằng thiết bị núm uống tự chảy vì phù hợp với nhu cầu uống nước của heo trong từng lúc và việc dùng núm uống còn giúp thuận tiện xử lý nước trước khi cho uống, khi dùng phòng trị bệnh hoặc các chế phẩm premix có thể pha đúng liều lượng theo thể trọng đàn heo trong từng ngày và còn giúp môi trường chuồng nuôi khô ráo, không bị đọng nước, ẩm thấp.

– Tương tự, nguồn nước dùng tắm rửa cũng cần phải sạch để ngăn ngừa các bệnh ngoài da, viêm mắt… Ngoài ra, nên hạn chế tắm khi nuôi heo thịt do thao tác dội tắm kích thích heo tăng sinh nhiệt làm tích luỹ mỡ dưới da. Tốt nhất chỉ tắm một lần mỗi ngày hoặc mỗi ngày 2 lần; tuy nhiên, để có thể giảm số lần tắm heo thì môi trường chuồng trại cần phải thoáng mát, sạch sẽ. Nếu nuôi heo bằng chuồng lồng thì rất thuận tiện cho việc áp dụng cách tắm tiết kiệm nước và công lao đọng bằng hệ thống ống phun sương, ống nhỏ giọt nước.

Xem thêm :  3 cách làm thịt chồn hương: xào lăn, hấp sả, chồn hương rựa mận

PHẦN IV – CHĂM SÓC

Tiến trình nuôi heo thịt có thể chia làm 3 giai đoạn như sau:

1. Giai đoạn từ 15 – 30 kg (heo con)

Giai đoạn này heo lớn rất nhanh nên cần đầy đủ các chất dinh dưỡng; vì vậy, cần cho heo ăn đúng sức. Mặt khác, heo con rất nhạy cảm với các thay đổi đột ngột từ thời tiết, thức ăn, cách cho ăn, chuyển chuồng nuôi… nên dễ bị “stress”, cần duy trì cách chăm sóc và sử dụng khẩu phần thức ăn ổn định, nếu phải thay đổi thức ăn thì cần chuyển dần từ ít sang nhiều. Giai đoạn này nên sử dụng khẩu phần thức ăn có mức năng lượng trao đổi khoảng 3.000 Kcal/kg, tỷ lệ đạm 17%. Nên cho ăn 5 – 6 lần trong ngày. Ngoài ra, nên định kỳ 2 – 3 ngày liên tiếp mỗi tuần trộn trong thức ăn hay pha trong nước uống một trong các loại thuốc kháng sinh như Oxytetracyclin, Tetracyclin, Flumequine, Colistin… để phòng bệnh tổng quát. Nên bổ sung các chế phẩm có chứa men tiêu hoá trộn vào thức ăn để tăng khả năng hấp thu, chuyển hoá các chất dinh dưỡng.

2. Giai đoạn từ 30 – 60 kg (heo lứa)

Giai đoạn này heo thường ít bệnh do đã có sức chống chịu mạnh hơn giai đoạn trước, lúc này heo hấp thu thức ăn cao, tốc độ tăng trưởng nhanh. Nên sử dụng khẩu phần thức ăn có mức năng lượng trao đổi khoảng 2.900 Kcal/kg, tỷ lệ  đạm 15% và nên chia số lần cho ăn khoảng 4 lần trong ngày. Vẫn nên áp dụng cách định kỳ pha trộn thuốc phòng bệnh như giai đoạn trước và bổ sung men tiêu hoá trong thức ăn.

3. Giai đoạn từ 60 kg đến xuất chuồng (heo vỗ béo)

Ở giai đoạn này heo có khuynh hướng tạo mỡ nhiều hơn; do vậy, mức năng lượng trao đổi trong thức ăn cần ít hơn hai giai đoạn trước; cụ thể năng lượng trao đổi trong thức ăn chỉ cần khoảng 2.800 Kcal/kg, tỷ lệ đạm 13%. Số lần cho ăn trong ngày nên định kỳ 3 bửa và tiếp tục sử dụng thường xuyên men tiêu hoá trộn trong thức ăn.

PHẦN NĂM – BỆNH THƯỜNG GẶP & BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ

1. Dịch Tả

Thuộc bệnh truyền nhiễm gây ra do một loại siêu vi khuẩn (virus). Dịch tả lây lan mạnh trên heo ở mọi lứa tuổi và thường dễ bộc phát trong những tháng giao mùa, nhất là vào cuối mùa mưa.

Khi heo nhiễm bệnh, khởi đầu có hiện tượng bỏ ăn, sốt, đi phân bón, mắt đỏ có ghèn, sau 1 – 2 ngày chuyển sang tiêu chảy nặng, phân thối khắm. Heo kiệt sức rất nhanh và trên da xuất hiện những điểm lấm tấm đỏ (do xuất huyết), tỷ lệ gây chết rất cao. Bệnh tích điển hình ở nội tạng là lá lách nhồi huyết ở phần rìa và có hình răng cưa, thận cũng xuất huyết rất rõ và thành trong ruột bị loét có dạng hình cúc áo.

Do siêu vi khuẩn gây bênh nên bệnh dịch tả không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Biện pháp dùng kháng huyết thanh dịch tả ngay khi phát hiện tuy có hiệu quả nhưng trong thực tế ít có khả năng ứng dụng rộng rãi (nếu có sử dụng thì dùng liều 3 cc kháng huyết thanh/kg thể trọng/ngày và dùng liên tiếp 3 ngày). Do vậy, cần tập trung vào việc phòng bệnh bằng vắc-xin và áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Yêu cầu chủng ngừa vắc-xin lần đầu lúc heo được 28 – 30 ngày tuổi, còn heo con dưới 15 ngày tuổi chỉ nên chủng ngừa khi có dịch bộc phát tại khu vực chăn nuôi. Lần chủng thứ hai sau lần đầu 2 tháng đủ để bảo hộ heo nuôi đến khi xuất chuồng.

2. Tụ huyết trùng (Toi)

Thuộc bệnh truyền nhiễm do một loại vi trùng gây ra. Tụ huyết trùng thường bộc phát và lây lan mạnh khi môi trường chăn nuôi gặp các yếu tố: thời tiết thay đổi đột ngột, khi vận chuyển heo, chuyển chuồng mới… đặc biệt bệnh dễ xảy ra khi heo nuôi trong điều kiện chuồng trại thiếu vệ sinh, ẩm thấp, dinh dưỡng không đầy đủ hay kế phát từ các bệnh truyền nhiễm khác. Heo trên 2 tháng tuổi dễ bị nhiễm hơn heo con.

Bệnh phát rất nhanh, khởi đầu với triệu chứng bỏ ăn, sốt, mũi miệng chảy nhớt, thở khó, ho, tim đập nhanh, mắt đỏ, giai đoạn đầu đi phân bón, giai đoạn cuối tiêu chảy nặng, trên da xuất huyết lấm tấm đỏ và khi chết thì toàn thân tím bầm, một số con đầu và hàm bị phù. Bệnh tích điển hình ở nội tạng là các vết tụ huyết (nâu sẫm) ở phổi và thận, lá lách bị sưng to.

Biện pháp phòng bệnh quan trọng là khâu vệ sinh, sát trùng chuồng trại, dinh dưỡng đầy đủ, ổn định kết hợp với chủng ngừa vắc-xin. Lần chủng vắc-xin đầu tiên vào lúc 45 ngày tuổi đủ để bảo vệ heo nuôi đến lúc xuất chuồng. Có nhiều loại kháng sinh có hiệu lực điều trị bệnh tụ huyết trùng; tuy nhiên, phải xử lý sớm ngay khi phát hiện. Có thể dùng một trong các loại thuốc kháng sinh như: Terramycine LA, Duranixin LA, Amoxisol LA, Septotryl, Baytril, Clamoxyl, Genta-Tylosin… và phối hợp với kháng sinh khác trong trường hợp nghi ngờ có ghép chung với các bệnh truyền nhiễm do vi trùng khác. Đồng thời, trong quá trình điều trị nên bổ sung thêm các loại vitamin, thuốc trợ lực, giảm sốt.

3. Phó Thương Hàn

Thuộc bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một loại vi trùng. Phó thương hàn thường xảy ra ở heo con vào giai đoạn lẻ bầy và heo lứa. Khi mới nhiễm bệnh, heo có triệu chứng bỏ ăn, xù lông, phân bón như phân dê và có màng nhày bao bọc phân. Sau vài ngày chuyển sang tiêu chảy, đặc trưng của bệnh này là biểu hiện lúc sốt cao, lúc thấp hoặc không sốt và kéo dài trong nhiều ngày. Bệnh tích điển hình ở nội tạng là thành trong ruột non có những chỗ bị loét, trên có phủ bựa vàng trắng, lách bị dai, sưng, túi mật cũng bị sưng.

Có nhiều loại thuốc kháng sinh có hiệu lực đối với vi trùng gây bệnh, nhưng trong quá trình điều trị thường gặp khó khăn là việc dùng thuốc phải kéo dài cùng lúc phải có chế độ chăm sóc và dinh dưỡng đặc biệt là cho heo ăn thức ăn nấu chín, loãng để tránh ảnh hưởng thành ruột đang bị vi trùng bào mòn nên trong thực tế hiệu quả điều trị bệnh phó thương hàn không cao; do đó, chủ động phòng bệnh vẫn là vẫn là giải pháp hiệu quả hơn. Vắc-xin phòng bệnh phó thương hàn được chủng lần đầu lúc heo được 5 tuần tuổi đủ để bảo hộ cho heo nuôi đến lúc xuất chuồng.

Khi điều trị có thể dùng các loại kháng sinh như: Spira-colistin, Baytril Max, Amoxysol LA, Duranixin LA, Enro-Gentacol, Clamoxyl, Maxflo LA… kết hợp với thuốc kháng viêm, giảm sốt (các loại thuốc không thuộc nhóm corticoid) và các loại vitamin, chất điện giải để cân bằng điện giải trong máu khi heo bị tiêu chảy nặng.

Trong thực tế, các bệnh truyền nhiễm kể trên rất dễ có hiện tượng ghép 2 hoặc 3 bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị thường gặp khó khăn. Ví vậy, cần theo dõi kỹ trạng thái heo hàng ngày để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh nhằm nhanh chóng nuôi cách ly, dùng thuốc phối hợp theo hướng điều trị rộng lúc ban đầu, sau đó tiếp tục theo dõi, quan sát các biều hiện của heo để chẩn đoán loại trừ nhằm đi đến việc xác định bệnh chính xác. Tuy nhiên, cách tốt nhất để đối phó với các bệnh truyền nhiễm là áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học bao gồm các giải pháp: thường xuyên vệ sinh chuồng trại – định kỳ xử lý thuốc sát trùng chuồng trại và dụng cụ, phương tiện chăn nuôi – thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ và ổn định – tiêm phòng đầy đủ vắc-xin – hạn chế việc ra vào nơi chăn nuôi.

4. Cúm

Thuộc bệnh truyền nhiễm gây ra do một loại siêu vi khuẩn. Cúm gây ra triệu chứng viêm phổi, viêm khớp và thường xảy ra ở heo con theo mẹ, ít hơn ở heo tơ. Bệnh dễ bộc phát ở nơi chăn nuôi có môi trường xấu như: chuồng trại thường xuyên dơ bẩn, ẩm thấp hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột. Heo con nhiễm bệnh ban đầu có triệu chứng ủ rũ, bỏ bú, ho, sốt, đi phân bón, một số trường hợp bị viêm khớp gối. Bệnh tích chủ yếu là ở các ổ viêm, có thể có mủ tập trung ở phổi.

Phòng bệnh trước hết bằng biện pháp dinh dưỡng và vệ sinh chuồng trại, đồng thời nên sử dụng kháng sinh phòng tổng quát pha trộn trong thức ăn, nước uống.Việc điều trị bệnh cúm không trực tiếp diệt trừ được siêu vi khuẩn gây bệnh mà chủ yếu nhằm ngăn chặn các bệnh khác kế phát, vì vậy cần theo dõi kỹ để phát hiện sớm và điều trị nhanh bằng các loại thuốc kháng viêm (như Prednisolon, Hydrocortisone, Dexamethasone…), thuốc trợ lực kết hợp với thuốc kháng sinh (Septotryl, Strepnovil, Tylan 50, Suanovil …).

Ngoài ra, nên bổ sung sinh tố C với liều lượng 1 gr/50 kg trọng lượng heo trong quá trình điều trị để tăng sức đề kháng cho heo (lưu ý không pha chung sinh tố C với các loại thuốc khác).

5. Tiêu chảy ở heo con (phân trắng)

Thường xảy ra trên heo con theo mẹ, do nhiều nguyên nhân nên thực tế rất khó xác định; tuy nhiên, bệnh này có liên quan đến các yếu tố môi trường bất lợi và cách chăm sóc không tốt như do sữa mẹ thiếu dinh dưỡng hay mẹ đang mắc bệnh hậu sản, do heo con bị nhiễm trùng cuống rún, do chuồng trại dơ bẩn, ẩm thấp, do thời tiết thay đổi đột ngột, do heo con thiếu sắt… nên các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn dễ phát triển và gây bệnh.

Heo bệnh gầy sút rất nhanh, lông xù, đuôi cụp, run rẩy, đi lại khó khăn, tiêu chảy phân trắng. Nếu không điều trị kịp thời tỷ lệ chết có thể rất cao. Trong thực tế, heo con bị bệnh sau khi điều trị khỏi bệnh cũng mất rất nhiều sức; do đó, tốt nhất là chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp chính như sau: cho heo con bú được sữa đầu, khẩu phần của heo mẹ phải đầy đủ dinh dưỡng và không nên thay đổi đột ngột, chuồng trại heo nái và ngăn úm heo con phải luôn sạch sẽ, thông thoáng, khô ráo, không có gió lùa, tiêm ngừa đầy đủ vắc-xin phòng các loại bệnh truyền nhiễm cho heo mẹ trước khi sanh, nếu heo mẹ mắc bệnh hậu sản (sót nhau, viêm tử cung, viêm vú…) cần điều trị dứt sớm. Ngoài ra, lưu ý phải bổ sung chất sắt cho heo con bằng cách tiêm chế phẩm Fer – Dextran loại 200 mg (như Ferro 2000, Dexprol 2000, Prolongal…) với liều 1 cc lúc 3 – 4 ngày tuổi, nếu sử dụng loại Fer – Dextran 100 mg (Ferridex 100, Ferropen 100…) thì sau khi tiêm lần đầu lúc 3 – 4 ngày tuổi thì cần tiêm tiếp lần 2 cũng với 1 cc lúc 10 ngày tuổi.

Khi heo mắc bệnh nên sử dụng các loại kháng sinh như: Ampidexalone (Ampicilline + Colistine + Dexamethasone), Terramycine, Sultriject, Neomycine, Codexin, Baytril Max… Khi dùng kháng sinh nên phối hợp với các loại thuốc cầm tiêu chảy; nếu nhẹ có thể dùng nước sắc các loại lá có chất chát (lá ổi, cỏ mực…), than hoạt tính; nếu nặng thì dùng các loại dược phẩm cầm tiêu chảy thông thường; nếu nguy cấp thì cần tiêm ngay Atropin (0,2 – 0,5 cc/con). Ngoài ra, khi tiêu chảy heo con mất sức và mất nhiều nước; do vậy, cần cho uống nhiều nước pha Orésol hoặc dung dịch sinh lý tự tạo bằng cách pha 1 lít nước + 8 muỗng cà phê đường + 1 muỗng cà phê muối ăn. Cũng có thể cấp thẳng dung dịch sinh lý ngọt qua đường chích dưới da hay vào xoang bụng (40 cc/con/ngày).

6. Ký sinh trùng

Phổ biến là giun, lãi ở đường ruột và phổi. Ký sinh trùng làm heo còi cọc, chậm lớn, thường gây tiêu chảy nhẹ kéo dài. Thực tế, rất khó ngăn heo không bị nhiễm ký sinh trùng; do đó, cần dùng thuốc để tẩy giun, lãi định kỳ. Nên dùng các loại thuốc chích có tác dụng diệt cả lãi ở ruột và phổi. Có thể chọn một trong các loại sau: Tetramisol (còn có tên Anthelsil, Vinacor …), Ivermectin (Ivermectin cũng dùng để trị ghẻ), Dectomax… Nên xổ lãi lần đầu khi heo vừa lẻ bầy, lần thứ hai cách sau đó 3 tháng.

Xem thêm :  Tổng hợp 5 loại thuốc trị nấm da ở thỏ tốt nhất hiện nay

7. Lở mồm long móng (FMD)

Thuộc bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi khuẩn gây ra. FDM lây lan rất nhanh rộng. Bệnh thường gây chết cho heo còn nhỏ, ít gây chết cho heo trưởng thành nhưng làm giảm năng suất, sản lượng, giảm giá trị quày thịt và heo nái chửa thường gây sẩy thai.

Khi heo nhiễm bệnh, hời gian nung bệnh từ 2 – 3 ngày, một số trường hợp có khi đến 10 ngày. Lúc đầu heo có hiện tượng bỏ ăn, sốt cao, run rẩy, mụn nước mọc ở nướu răng, lưỡi, vành miệng, phần tiếp giáp giữa mong và chân, bầu vú heo nái. Sau vài ngày các mụn này vỡ ra tạo thành vết loét, dễ nhiễm trùng sinh lở, mủ làm heo không thể ăn uống, đi lại khó khăn, đau và khi lở loét nặng có thể gây sút cả móng. Do các vết loét trong miệng nên heo chảy nước dãi rất nhiều, lưỡi cứng và thè ra ngoài.

Bệnh tích điển hình là miệng có vết lở loét ở lợi, chân răng, hầu, thực quản, lưỡi. Phổi có thể bị viêm, tim mềm, có vết xám hay các chấm nhạt, lách sưng đen, móng bị long ra hoặc sút hẳn.

Do siêu vi khuẩn gây ra bệnh nên không có thuốc đặc trị đặc hiệu. Có thể dùng kháng sinh chữa các mụn loét ở miêng, móng và vú hoặc dùng chanh hay khế chà xát vào các vết loét này. Tuy nhiên, cần lưu ý các biện pháp này chỉ có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng kế phát, không diệt được siêu vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất la tập trung vào công tác phòng bệnh; trong đó, ngoài áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì yêu cầu bắc buộc là phải tiêm phòng vắc-xin. Thông thường, tiêm vắc-xin lần đầu cho heo vào lúc 2 tháng tuổi, nếu ở nơi đang có nguy cơ đe doạ thì cần chủng sớm hơn vào lúc 2 tuần tuổi. Lần chủng thứ 2 cách lần đầu 30 ngày, còn các lần kế tiếp cách khoảng 5 – 6 tháng. Bên cạnh yêu cầu tiêm vắc-xin cần kết hợp thực hiện các biện pháp: chỉ mua heo giống đã qua kiểm dịch, chăn nuôi cách ly heo mới nhập về để kiểm tra, định kỳ xử lý sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi… Do tính chất nguy hiểm của bệnh lở mồm long móng nên khi phát hiện heo bị bệnh tuyệt đối không được giết mổ hoặc bán chạy mà phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được hướng dẫn cách xử lý.

8. Viêm phổi do Mycoplasma

Bệnh do Mycoplasma gây ra (M. suispneumonia và M. hyopneumonia) và tấn công chủ yếu trên đường hô hấp. Heo con từ 3 – 4 tháng tuổi dễ nhiễm và mắc bệnh vào các thời điểm trời lạnh và ấm.

Biểu hiện chung của heo bệnh là thường tách đàn nằm ở góc chuồng, kém ăn, chậm lớn, da nhợt nhạt, thân nhiệt có thể không tăng hoặc chỉ tăng một ít (sốt nhẹ), heo hay hắt hơi từng hồi, chảy nước mũi, ho liên tiếp và kéo dài; sau đó chuyển sang trạng thái thở khó, thở nhanh và có lúc há hốc mồm để thở. Ở thể viêm phổi mãn tính, heo ho khan từng tiếng hay từng chuỗi dài, đặc biệt lúc sáng sớm hay buổi tối và sau cử ăn. Bệnh thường kéo dài dai dẳng, giảm tăng trọng, không điều trị dứt thí heo còi cọc và chết.

Bệnh tích đặc trưng là phổi bị viêm kiểu gan hóa, trên mặt phổi xuất hiện các dạng sợi làm phổi dính vào lồng ngực. Màng phổi viêm nặng, khí quản, phế quản viêm và có dịch nhầy, hạch lâm ba phổi sưng to, tụ máu.

Đối với bệnh viêm phổi do Mycoplasma thì phòng bệnh vẫn là biện pháp hàng đầu; cụ thể là các yêu cầu: chăm sóc tốt, giữ ấm, vệ sinh kết hợp với sử dụng vắc-xin (vắc-xin Respisure 10 cc lúc 21 ngày tuổi và tái chủng sau mỗi 6 tháng). Đông thời, lưu ý heo mới mua về cần nuôi riêng theo dõi ít nhất 21 ngày, nếu không có bệnh mới cho nhập đàn.

Khi phát hiện heo bệnh, có thể dùng các loại thuốc như Draxxin, Terramycin LA, Duranixin LA Excede, Tylan200… để điều trị nhưng chú ý cần nuôi cách ly để tránh lây nhiễm cho heo khoẻ.

9. Hội chứng rối loạn sinh sản hô hấp (PRRS)

Thuộc bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi trùng gây ra. PRRS lây lan mạnh và gây nhiều thiệt hại. Bệnh có thể lây truyền qua nhiều đường: lây trong cùng bầy, cùng chuồng, heo mẹ lây cho heo con, heo nọc cho heo nái, lây qua vật dụng chăn nuôi, thức ăn, nước uống và cả qua không khí.

Biểu hiện của bệnh rất thay đổi theo chủng siêu vi khuẩn gây bệnh cụ thể, khả năng miễn dịch của heo và cách chăn nuôi ở mỗi nơi. Triệu chứng của heo ban đầu là bỏ ăn, lừ đừ, sốt, khó thở, xung huyết dưới da; đặc biệt ở phần tai xuất hiện sắc tố xanh không bền (nên còn được gọi là bệnh tai xanh). Thời gian nung bệnh có thể từ 3 – 7 ngày. Heo nái mắc bệnh thường có hiện tượng rối loạn sinh sản như chậm lên giống, phối giống không đậu thai, dễ sẩy thai vào giai đoạn cuối, heo sơ sinh yếu, trọng lượng heo con không đồng đều, dị dạng hoặc thai khô. Ngoài ra, nái có thể có các triệu chứng thần kinh như rối loạn vận động, quay vòng, té ngã. Heo nọc có biểu hiện lờ đờ, tái xanh ở tai, giảm khả năng sinh dục và chất lượng tinh. Heo con theo mẹ bị chết nhiều trước và sau cai sữa, viêm kết mạc mắt, phù thủng mí mắt, tiêu chảy kéo dài, thở khó, ít hoặc không ho, lông xù, khô và có thể bị chảy máu ở rốn. Heo cai sữa và heo thịt thường có biểu hiện rối loạn hô hấp, giảm tăng trọng.

Do siêu vi gây bệnh nên không có thuốc điều trị. Vì vậy, chủ yếu là áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Riêng vắc-xin thì cần chọn chủng loại và lịch trình tiêm theo hướng dẫn của nơi sản xuất vắc-xin và cơ quan thú y địa phương để phù hợp với chủng siêu vi gây bệnh.

10. Bệnh Liên cầu khuẩn trên

Bệnh do vi khuẩn dạng chuổi cầu gây ra (Streptococcuc suis). Vi khuẩn tập trung tấn công ở hạch hạnh nhân, đường sinh dục. Thực tế, vi khuẩn này thường hiện diện ở môi trường chăn nuôi và có thể có ngay trên heo khoẻ mạnh nên luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng chực chờ bộc phát khi có sự thay đổi bất lợi cho heo về môi trường nuôi; nhất là ở các nơi chăn nuôi kém vệ sinh, kém dinh dưỡng hoặc khi vận chuyển heo không đúng cách. Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của heo bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua kim tiêm, heo con có thể bị lây từ heo mẹ qua đường hô hấp, tiêu hóa và máu.

Heo mắc bệnh thường có triệu chứng sốt cao, ủ rũ, biếng ăn, có biểu hiện thần kinh như run rẫy, đứng không vững, liệt, có thể bị viêm khớp, viêm khí quản, viêm phổi và chết đột ngột. Bệnh tích đặc trưng là viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, rối loạn tiêu hóa và sẩy thai trên nái, các hạch bạch huyết sưng và sung huyết, dịch não tủy bị đục, nội cơ tim, van tim viêm sùi giống như bông cải.

Biện pháp điều trị là sử dụng kháng sinh (Ampicilline, Cephalosprin, Trimethoprim…) kết hợp thuốc kháng viêm, thuốc trợ lực. Tuy nhiên, tốt nhất là chủ động phòng bệnh bằng cách chỉ mua heo giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch sạch bệnh và trong qua trình nuôi luôn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.           

11. Bệnh Phù thủng do E. Coli

Bệnh thường xảy ra trên heo cai sữa hoặc sau cai sữa 1 – 3 tuần. Thường những heo tăng trọng nhanh trong đàn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn; sau đó lây sang heo khác. Bệnh thường xảy ra ở nơi chăn nuôi dơ bẩn, ẩm thấp, thức ăn nước uống nhiễm bẩn hoặc lúc thay đổi thức ăn đột ngột, lúc chuyển chuồng. Heo có thể bị tiêu chảy nếu chỉ nhiễm các chủng E.Coli sinh độc tố gây hại ở đường tiêu hoá; còn heo có triệu chứng phù thủng, sưng mắt, co giật nếu bị nhiễm các chủng E.Coli gây hại đường máu.

Khi mắc bệnh, heo có các triệu chứng kém ăn, kém linh hoạt. Ở thể quá cấp heo chết đột ngột trước khi có triệu chứng phù. Ở thể bình thường, bệnh diễn ra trong vòng 2 – 3 ngày với các biểu hiện: sốt nhẹ hoặc không sốt, kém ăn, khó nuốt, phù thủng ở mí mắt, vùng cổ họng, khản giọng, tiếng kêu thay đổi, mất thăng bằng, đi xiêu vẹo, co giật kiểu bơi chèo, khó thở, liệt trước khi chết. Bệnh tích điển hình là phù thủng dưới da vùng trán, mí mắt, quanh tim, niêm mạc dạ dày, thanh quản, túi mật, hạch bạch huyết, xuất huyết thành điểm ở thận, não và xoang bụng tiết nhiều dịch.

Việc điều trị chỉ cho kết quả khi phát hiện sớm lúc chưa nhiễm độc tố vào máu, chưa có triệu chứng phù thủng. Heo bệnh cần nuôi cách ly nhưng vẫn dùng thuốc điều trị cho toàn đàn bằng các loại kháng sinh như Ampidexalone, Neomycine, Colistin, Baytril… kèm theo thuốc trợ sức, tăng cường sức chống chịu. Trong qua trình điều trị chỉ nên cấp nước, hạn chế cho ăn. Trong thực tế, hiệu quả điều trị thường thấp do khó phát hiện sớm; vì vậy, cần tập trung phòng bệnh bằng chế độ chăn nuôi thật vệ sinh, định kỳ xử lý sát trùng chuồng trại, dụng cụ và áp dụng cách pha trộn định kỳ thuốc kháng sinh trong thức ăn, nước uống cho heo con trước và sau cai sữa. Đồng thời, nên chia nhiều cữ cho ăn trong ngày, tránh cho heo ăn quá no, không thay đổi thức ăn quá đột ngột.

12. Bệnh Viêm phổi màng phổi (APP)

Bệnh do một loại vi trùng gây ra và thường gặp ở heo choai và heo vỗ béo; hiện nay bệnh có khuynh hướng xảy ra nhiều hơn trên đàn heo nuôi theo hướng công nghiệp với tỷ lệ lây nhiễm và gây chết khá cao.

Heo bệnh ở thể cấp tính bị sốt rất cao, ho, thở khó, thở bằng đường miệng, yếu, nằm bẹp. Đầu tiên ở phần da mũi, tai, chân bị tái, sau đó lan rộng ra cả cơ thể, chết nhanh; lúc này mũi, miệng chảy nhiều dịch lẫn máu và bọt khí. Ở thể không cấp tính thì heo bệnh không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, ho từng cơn, kém ăn, giảm trọng lượng; tuy nhiên bệnh sễ trở nên trầm trọng hơn nếu heo bị nhiễm các bệnh khác vào đường hô hấp. Bệnh tích điển hình là vùng phổi bị viêm cứng, có màu nâu sẫm, dịch viêm tràn vào xoang ngực và có lẫn máu.

Biện pháp ngăn ngừa chủ yếu là chủ động phòng bệnh bằng việc duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, ổn định và định kỳ pha, trộn kháng sinh phòng bệnh trong thức ăn, nước uống. Khi phát hiện cần nuôi cách ly và điều trị sớm bằng các loại kháng sinh như Baytril Max, Amoxisol LA, Draxxin… 

Xu hướng tìm kiếm: kỹ thuật nuôi heo, ky thuat lam dem lot sinh hoc nuoi heo, chăn nuôi heo quy mô


KỸ THUẬT NUÔI HEO 70 NGÀY ĐẠT 35 KG (Tính từ khi đẻ)


KỸ THUẬT NUÔI HEO 70 NGÀY ĐẠT 35 KG (Tính từ khi đẻ)

? LH đặt hàng các SP thuốc và dụng cụ thú y trên gia súc, gia cầm:
Mr Hoàng: 0917.542.558 0971.572.558
✍? Tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp các giải pháp chăn nuôi gia súc, gia cầm…
? Kỹ thuật chăn nuôi trâu bò vỗ béo: https://www.youtube.com/playlist?list…

? HLT Channel/Giải pháp chăn nuôi hiệu quả

?? Tham gia Group: https://www.facebook.com/groups/54969…

? Đăng ký kênh miễn phí Subscribe Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCsbs…
? Fanpage: https://www.facebook.com/HOANGLAOTAVLOG/
? Facebook HLT Channel: https://www.facebook.com/HLTVLOG

? Liên hệ: hoangvan.85vn@gmail.com
? Ủng hộ HLT Channel: STK 39010000465000 BIDV Thái nguyên

Tham gia làm hội viên của kênh này để được hưởng đặc quyền:
https://www.youtube.com/channel/UCsbs…
HLTChannel, chănnuôibò, môhìnhnuôibòthịt, HLTFARM

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Cây Xanh

Related Articles

Back to top button