Tổng Hợp

Con dúi là gì? hướng dẫn kỹ thuật nuôi dúi thịt thương phẩm, sinh sản tốt tại nhà

Con dúi là con gì?

Con dúi có tên tiếng anh là gì?

Con dúi có tên tiếng anh là ‘‘Bamboo Rat’, tên khoa học là ‘‘Atherurus macrourus’,

Con dúi còn gọi là con gì?

Con dúi ở một số nơi thì gọi là chuột nứa, chuột tre, chuột lách, con nui, con rứa.

Dúi có uống nước không?

Giống như những loài động vật khác, trong môi trường tự nhiên hay trong môi trường chăn nuôi, dúi đều cần uống nước để cung cấp một số dưỡng chất và giúp trao đổi chất trong cơ thể. Dù thức ăn của dúi là mía (chứa nhiều nước) nhưng người nuôi cũng cần phải cung cấp đủ nước cho dúi. Hơn nữa đối với những loại thức ăn khô như cỏ, rễ cây thì dúi dễ bị khát. Do đó, người nuôi cần căn chỉnh lượng nước cho phù hợp tùy thuộc vào loại thức ăn, trọng lượng và đặc tính của từng con.

Có bao nhiêu họ và loại dúi hiện nay?

Dúi thuộc họ nhím (Hiscricidae), bộ gặm nhấm (Rodentia) và chia thành 3 phân họ: Myospalacinae, Rhizomyinae, Spalacinae

Có 4 loại dúi: Dúi má đào (tên gọi khác là Dúi Lào), Dúi nâu, Dúi mốc nhỏ, Dúi mốc lớn

Dúi má đào (hay còn gọi là Dúi má vàng): là loại dúi có bộ lông màu xám đen, trên hai má có màu nâu nên mọi người thường gọi là má đào. Đây là đặc điểm dễ dàng nhận biết Dúi má đào so với các loại dúi khác. Ngoài ra đây cũng là loại dúi có trọng lượng lớn nhất với chiều dài có thể lên đến 50cm và trọng lượng có thể đạt đến 4kg. Loại dúi này có nguồn gốc từ Lào và các tỉnh giáp biên giới Việt – Lào nên cũng có một số nơi gọi là Dúi Lào.

Dúi nâu: Đặc điểm nổi bật của loại dúi này là có bộ lông màu nâu. Ở Việt Nam, loại dúi này thường sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì đặc điểm khó nuôi nên rất hiếm nơi nuôi loại dúi này để kinh doanh.

Dúi mốc nhỏ: là loại dúi có bộ lông hơi mốc, trọng lượng thường nhỏ hơn 0,5 kg. Ở Việt Nam, loại dúi này được phân bố chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc.

Dúi mốc lớn: Loại dúi này có bộ lông giống với dúi mốc nhỏ, tuy nhiên lại có thân hình, trọng lượng thường lớn hơn 0,5kg, chiều dài thân từ 25-35 cm, đuôi từ 10-12,5 cm. Loại dúi này phân bổ nhiều nơi trên cả nước và được nhiều người nuôi nên đây là loại dúi phổ biến nhất hiện nay.

Nuôi dúi có cần xin phép không?

Dúi là loại động vật hoang dã, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì việc chăn nuôi dúi cần xin phép của kiểm lâm và cần các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của con dúi. Đồng thời, khi bán cũng cần có giấy tờ kiểm dịch của cơ quan thú y (huyện hoặc tỉnh) và xin giấy phép của kiểm lâm. Trường hợp xuất khẩu ra nước ngoài thì cần phải có giấy kiểm dịch của Trạm thú y vùng và cần có giấy phép xuất khẩu CITES.

Mô hình, kỹ thuật nuôi dúi thương phẩm tại nhà

Kỹ thuật nuôi dúi thịt thương phẩm

Chọn con giống: Với những ai chưa có kinh nghiệm trong việc nuôi dúi thì nên chọn những con giống nhỏ 3 – 4 tháng tuổi có trọng lượng khoảng 0,4 – 0,6 kg/con vì chúng dễ thích nghi với môi trường sống mới, đồng thời giảm thiểu rủi ro tài chính cho người nuôi. Con giống phải khỏe, không bị thương hoặc bị dị tật, lông mượt, nhanh nhẹn, ăn tốt. Chọn mua giống ở những nơi uy tín, có nguồn gốc, giấy phép, chứng nhận đầy đủ.

Chuồng trại:

Địa điểm làm chuồng lý tưởng là nơi cao ráo, tránh ẩm ướt và phải đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông, tránh ánh sáng trực tiếp vì dúi là loài động vật ưa bóng tối.

Chuồng được xây bằng gạch tráng xi măng hoặc dùng gạch men để tránh việc dúi đào hang. Mỗi ô chuồng được xây với diện tích 2 m2, chiều cao khoảng 70-80 cm để dúi không leo ra ngoài. Ngoài ra, ở góc chuồng nên thiết kế một lỗ nhỏ hoặc gắn ống để làm đường thoát nước. Đặt thêm trong chuồng các ống cống nhỏ hoặc gốc cây nhỏ để dúi làm hang và làm nơi trú ẩn.

Con dúi Thức ăn của dúi rất đa dạng gồm các loại cây thuộc họ tre, mía, cỏ lau, rau củ, côn trùng, … Bên cạnh việc đa dạng nguồn thức ăn cho dúi, cần phải chú ý đảm bảo nguồn thức ăn chất lượng, không bị ẩm mốc; cần theo dõi và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp với trọng lượng của dúi. Ngoài ra, cũng cần phải cung cấp nước trong quá trình nuôi dúi. Người nuôi có thể cho nước vào một cái chén đặt trong chuồng (đính cố định để dúi không làm đổ).

Cách phối giống cho dúi nhanh nhất

Khi dúi cái động dục thì thả dúi đực vào chuồng dúi cái, nếu chúng cắn nhau thì đổi con đực khác. Thời gian giao phối trung bình của dúi khoảng 1,5 – 2 phút. Nếu sau đó dúi đực và dúi cái liếm bộ phận sinh dục là việc giao phối khả năng thành công cao. Quan sát thêm bộ phận dúi cái những ngày sau đó có dấu hiệu tím tái, căng và se lại là dúi đã thụ thai.

Cách phòng bệnh cho dúi tốt nhất

Dúi là loài động vật dễ nuôi, có sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dúi vẫn có thể mắc một số bệnh. Do đó, người nuôi cần phải chú ý đến công tác phòng bệnh, đặc biệt là các vấn đề sau:

♦ Đảm bảo chuồng trại thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ, xịt khuẩn tối thiểu 2 lần/tháng. Vì chuồng trại không đảm bảo vệ sinh có thể là nguyên nhân làm phát triển nấm mốc, ký sinh trùng gây bệnh ngoài da cho dúi như ghẻ, lỡ, nấm da, …

♦ Thiết kế chuồng trại thoáng mát, đảm bảo che chắn tốt, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào vì dúi là loài động vật với tập tính sống trong hang tối. Nếu dúi tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp thì sẽ có thể xảy ra tình trạng đau mắt.

♦ Cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng, tránh những thức ăn đã cũ, bị lên men, ẩm mốc. Những loại thức ăn này có thể gây các bệnh về đường ruột cho dúi.

Cách nuôi dúi con sinh trưởng tốt:

Dúi con phải được bú mẹ đầy đủ trong 1 tháng đầu tiên sau khi sinh. Tập cho dúi ăn ăn từ từ. Cung cấp đầy đủ thức ăn và nước cho dúi. Thức ăn phải đảm bảo không hư hỏng để tránh làm dúi bị bệnh. Đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, yên tĩnh, tránh ánh sáng trực tiếp. Theo dõi dúi hàng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp và phát hiện sớm trường hợp dúi bị bệnh để chữa trị.

Mô hình, kỹ thuật nuôi dúi sinh sản

Kỹ thuật nuôi dúi sinh sản

Chọn con giống: Chọn con giống khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Chọn con dúi đực to hơn dúi cái. Thông thường sẽ cho 1 dúi đực giao phối với 4-5 con dúi cái.

Bên cạnh đó, để tránh trường hợp cận huyết nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc của giống, nên mua dúi đực và cái ở những cơ sở khác nhau.

Kỹ thuật nuôi dúi giao phối và sinh sản:

Khi dúi cái có biểu hiện động dục (Bộ phận sinh dục có màu hồng) thì tiến hành cho ghép đôi với dúi đực. Thả dúi đực vào chuồng chung với dúi cái khoảng 2-7 ngày. Trong quá trình ghép đôi, quan sát bộ phận sinh dục của dúi cái có màu tím, căng và bắt đầu se lại là dúi cái đã thụ thai và có thể tách dúi đực ra.

Phải dọn dẹp sạch sẽ chuồng và ổ của dúi trước khi sinh. Ổ được làm bằng rơm, rác mềm và phải đảm bảo ấm, dày, mịn. Trong quá trình dúi sinh và nuôi con không nên động vào ổ.

Khi dúi đẻ có thể dể dúi đẻ tự nhiên hoặc hỗ trợ bằng cách lau nhớt, cắt rốn.

Dúi mẹ phải được cho ăn uống đầy đủ để có sữa nuôi con.

Dúi con sinh xong phải cho bú mẹ ngay. Khoảng 20 ngày thì có thể cho tập ăn. Khoảng 30 ngày thì có thể tách chuồng.

Cách làm chuồng, xây chuồng kỹ thuật nuôi dúi sinh sản

Chuồng nuôi dúi sinh sản cũng tương tự như chuồng dúi thương phẩm, được xây dựng ở nơi cao ráo, không ẩm ướt; và đặc biết phải chú ý che chắn kỹ để tránh ánh sáng trực tiếp chiếu thẳng vào  phải xây ở nơi yên tĩnh tránh tiếng ồn (vì tiếng ồn có thể làm dúi mẹ sợ giấu con đi hoặc ăn thịt con). Kích thước xây dựng 1 chuồng khoảng 60 cm x 50 cmx 70 cm., được xây bằng gạch tráng xi măng hoặc lót gạch men. Mỗi chuồng chỉ nuôi 1 con mẹ hoặc nếu nuôi chung với chuồng thương phẩm thì khi con mẹ mang thai phải tách ra ngay.

Dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại thường xuyên để tránh việc dúi bị bệnh.

Thức ăn cho dúi sinh sản

Thức ăn chủ yếu của dúi sinh sản là mía, tre, ngô, khoai, … Đa dạng các loại thức ăn cho dúi sinh sản đồng thời đảm bảo thức ăn còn mới, không bị hư hỏng, ẩm mốc.

Cung cấp đủ nước cho dúi.

Chu kỳ thời gian sinh sản của con dúi

Chu kỳ sinh sản của dúi cái là khoảng 8 tháng, trọng lượng để sẵn sàng động dục là 0,5-0,6kg/con, thời gian mang thai khoảng 45 ngày, thời gian nuôi con khoảng 28-30 ngày.

Bảng giá con dúi thịt, dúi giống

Tùy vào chất lượng, diễn biến giá thị trường và nơi bán, giá của dúi sẽ khác nhau. Sau đây là giá tham khảo:

♦ Giá dúi thịt: từ 400.000 – 500.000 đồng/kg

♦ Giá dúі giống loại 1 (<0.6kg / con): 350.000đ – 400.000đ/сon

♦ Giá dúi giống loại 2 (0.6 – 1kg/con): 450.000đ – 500.000đ/con

♦ Giá dúi giống sinh sản: 900.000đ – 1.400.000đ/cặp

Có nên nuôi dúi không?

Hiện nay việc nuôi dúi đã trở nên phổ biến bởi những lý do sau:

♦ Dúi là loài động vật rất dễ nuôi, tốn rất ít thời gian chăm sóc: Như chúng ta đã biết, thức ăn của dúi là các loại cây họ tre nứa, mía, cỏ và 1 số loại củ rất dễ tìm. Hơn nữa, dúi có tập tính ngủ ngày, ăn đêm, không cần chăm sóc nhiều nên mỗi ngày chúng ta chỉ cần dành khoảng 1-2 giờ là có thể cho ăn, chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại cho dúi. Ngoài ra, dúi rất dễ thích nghi và rất ít khi bị bệnh nên người nuôi sẽ an tâm hơn trong việc nuôi dúi.

♦ Việc nuôi dúi không cần đầu tư chi phí quá nhiều: Chi phí mua con giống không lớn, hơn nữa một năm dúi có thể đẻ được 3-4 lần, mỗi lần từ 3-5 con, nên người nuôi không cần phải đầu tư quá nhiều về con giống. Về chi phí xây chuồng trại: chuồng trại của dúi được thiết kế đơn giản, ít chiếm diện tích và có thể tận dụng được các vật dụng sẵn có nên chi phí chuồng trại cho dúi không cao. Ngoài ra, nguồn thức ăn của dúi là các loại thực vật có thể tận dụng trồng được trong vườn nên tiết kiệm một khoản chi phí lớn trong việc đầu tư.

♦ Nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao, không lo đầu ra: Hiện nay, pháp luật đang nghiêm cấm việc săn bắt dúi ngoài tự nhiên, nên việc nuôi dúi đang được ưu tiên. Thị trường dúi hiện nay cũng đang rất phát triển bởi thịt dúi là nguồn thực phẩm ngon, lạ và rất bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng. Ở nhiều nơi, thịt dúi được đưa vào nhà hàng để chế biến và trở thành món ăn đặc sản. Giá bán ra tương đối cao và ổn định. Ngoài ra, ở nhiều cơ sở chuyên cung cấp giống nuôi còn đảm bảo đầu ra cho người nuôi nên người dân có thể an tâm đầu tư cho mô hình nuôi dúi này.

Top 5 trang trại nuôi dúi lớn nhất:

♦ Trại Dúi Đỗ Văn Dũng:

Địa chỉ: thôn Ao Búc, xã Trung Yên, Huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang.

Được mệnh danh là trại dúi lớn nhất Tuyên Quang, trại dúi của anh Đỗ Văn Dũng có quy mô 2000 m2, với số lượng khoảng 8000 con dúi. Do có số lượng dúi bố mẹ lớn (khoảng 2000 con) nên hàng năm trại nuôi dúi này có thể xuất ra khoảng 6000 con dúi thương phẩm để bán ra thị trường, cung cấp số lượng lớn dúi thịt và dúi giống.

♦ Trại nuôi dúi Huy Thưởng:

Địa chỉ : Tổ 2, Khu 12, Phường Mông Dương, Cẩm Phả, Quảng Ninh

Đây là trại nuôi dúi với mô hình rất hiện đại, được trang bị  các hệ thống chống nóng, lạnh. Do đó, tuy diện tích trại chỉ có 100m2 nhưng có thể đảm bảo duy trì số lượng dúi tại các thời điểm đều trên 600 con.

♦ Trại Dúi Xuyên Việt 360:

Địa chỉ: Thôn Hoa 2, xã Phấn Mễ, Huyện Phú Lương, Tỉnh Thái Nguyên

Trang trại nuôi dúi này cung cấp nguồn dúi giống lớn, nổi tiếng tại Thái Nguyên, chuyên cung cấp giống Dúi mốc đại. Ngoài ra cơ sở này còn có cơ sở tại Thanh Hóa và Đắk Lắk. Dúi giống ở đây luôn được đảm bảo chất lượng, bên cạnh đó còn được bao tiêu đầu ra.

♦ Trại Dúi Nguyễn Xuyên:

Địa chỉ: xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Tỉnh Quảng Nam.

Đây là một trong số ít trại Dúi có quy mô lớn tại Quảng Nam với quy mô lên đến 4000 con, hàng năm xuất ra thị trường khoảng 3 tấn dúi thương phẩm.

♦ Trại Dúi ở Triệu Sơn – Thanh Hóa:

Địa chỉ : Thôn 2, Xã Vân Sơn, Huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.

Chủ trại Dúi này là anh Lê Văn Lâm. Trại Dúi này có quy mô lớn nhất Thanh Hóa, hàng năm cung cấp khoảng 1,5 tấn dúi thương phẩm và khoảng 2000 Dúi giống xuất ra thị trường. Bên cạnh đó, trang trại còn mở cơ sở tại Bắc Cạn và Đắk Lắk để mở rộng quy mô, tăng năng suất. Các bạn có thể đến đây học hỏi kỹ thuật nuôi dúi.

Thị trường tiêu thụ dúi hiện nay

Thị trường tiêu thụ dúi hiện nay đang rất phát triển, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Thịt dúi đã được đưa vào thực đơn của các quán ăn, nhà hàng và là món ăn đặc sản. Nhiều người đã biết đến thịt dúi hơn. Do đó, người hộ đã chuyển sang chăn nuôi dúi, làm cho thị trường tiêu thụ dúi thịt thương phẩm và dúi giống cũng rất phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người nuôi.

Mua con dúi giống ở đâu uy tín, tốt nhất.

Nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn các cơ sở cung cấp dúi giống uy tín, chất lượng, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Việc nuôi dúi hiện nay đã trở nên phổ biến ở khắp các tỉnh thành, vì vậy người nuôi có thể dễ dàng tìm kiếm nguồn cung cấp dúi tốt tại địa phương hoặc các tỉnh lân cận. Tốt nhất nên đến tận nơi để xem xét con giống và có quyết định đúng đắn nhất. Qua đó các bạn còn có thể học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi dúi. 


Muốn Nuôi Dúi Thành Công Nên Bắt Đầu Từ Đâu ? | Trang trại Dúi và Chồn hương Miền Bắc


Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp
Xem thêm :  CÁCH DƯỠNG LÁ MAI XANH TỐT QUANH NĂM .

Related Articles

Back to top button