Cây Xanh

Đặc điểm sinh học cá thát lát cườm

cá thát lát cườm được biết đến đây là loài cá có thịt rất ngon và được chế biến thành nhiều món cao cấp. Chính vì thế mà trong tự nhiên loài cá Thát Lát Cườm được khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ suy giảm. Tuy nhiên, các cơ sở lai tạo giống cá Thát Lát Cườm đã giúp bà con nông dân cải thiện kinh tế và không phụ thuộc vào lượng cá trong tự nhiên.

Đặc điểm sinh học của cá Thát Lát Cườm

Nguồn gốc phân loại

Theo Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương (1993), FishBase (2010) cá thát lát cườm có hệ thống phân loại như sau:

  • Ngành có dây sống: Chordata
  • Ngành phụ có xương sống: Vertebrata
  • Tổng lớp miệng có hàm: Gnathostomata
  • Bộ: Osteoglossiformes
  • Họ: Notopteridae
  • Giống: Chitala
  • Loài: Chitala chitala Hamilton,1882
    + Tên khoa học khác: Notopterus chitala, Notopterus maculatus; Chitala ornat.
    + Tên tiếng Việt khác: cá cườm, cá nàng hai, cá đao, cá còm.
    + Tên tiếng Anh: Clown knife fish hay Feather back fish.

Cá có màu xám bạc, lưng sẫm hơn. Cá trưởng thành có 4 – 10 đốm đen, viền trắng nằm dọc phía trên vây hậu môn. Lúc cá còn nhỏ thân có 10 – 15 sọc đen ngang thân. Khoảng 2 tháng tuổi phần dưới của các sọc này xuất hiện các đốm nâu tròn. Cá càng lớn, đốm càng rõ nét trong khi các sọc mờ dần rồi mất hẳn (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương,1993).

Đặc điểm hình thái

Cá có thân dài, dẹp bên, lưng gù độ cong của lưng tăng dần theo kích thước của cá. Lườn bụng bên có hai hàng gai chạy dọc theo lườn bụng. Vảy nhỏ phủ khắp thân và đầu, vảy dính rất chắc, khó rụng, vảy ở đầu có cùng kích thước với vảy ở thân. Đường bên bắt đầu từ mép trên của lỗ mang và chấm dứt ở điểm giữa gốc vi đuôi (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993).

Vi lưng của cá thát lát cườmnhỏ, nằm lệch về phía sau của thân, gần điểm giữa gốc vi đuôi hơn gần chóp mõm. Gốc vi hậu môn rất dài, vi hậu môn nối liền với vi đuôi. Vi bụng rất nhỏ. Vi đuôi tròn, không chẻ hai (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993).

Cá có đầu nhỏ, nhọn, dẹp bên. Miệng trước, rạch miệng xiên kéo dài qua khỏi mắt, xương hàm trên phát triển. Răng nhọn, bén mọc ở hàm dưới, phần gai giữa xương hàm trước, xương khẩu cái, xương lá mía và lưỡi, ngoài ra còn có đám răng nhỏ mịn trên xương bướm phụ. Có một đôi râu mũi ngắn nhỏ. Mắt nằm lệch về phía lưng của đầu, gần chóp mõm hơn gần điểm cuối của xương nắp mang. Phần trán gần hai mắt cong và lồi tương đương đường kính mắt. Miệng rộng, màng da sau xương nắp mang rất phát triển (Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương, 1993).

Đặc điểm phân bố

Trong tự nhiên, cá Thát Lát Cườm phân bố ở nhiều nước trên thế giới như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia. Ở Việt Nam, cá phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng tây nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Kom Tum). Mùa nước lũ, cá đi vào các đồng ruộng ngập nước sinh sống, mùa khô, cá ra sống ở các rạch lớn, sông chính, các vực nước sâu. Cá thát còm sống được ở vực nước có lượng oxy thấp, nhờ cơ quan hô hấp phụ. Trong điều kiện tự nhiên, cá sống ở tầng giữa và tầng đáy. Ban ngày cá thường ẩn nấp trong đám thực vật thuỷ sinh. Ban đêm cá hoạt động nhiều hơn, cá bơi lội chậm nhẹ nhàng, vây hậu môn hoạt động liên tục như làn sóng, cá thích sống trong môi trường có nhiều thực vật thuỷ sinh lớn, pH nước 6,5 – 7, nhiệt độ thích hợp cho cá từ 26 – 28 độ C (Dương Nhựt Long, 2003).

Theo Lã Thị Ánh Nguyệt (2011) nhiệt độ không sinh học của cá thát lát cườmlà 11,6 độ C. Cá 1 – 50 ngày tuổi có ngưỡng nhiệt độ dưới dao động trong khoảng 10,1 – 11 độ C, ngưỡng nhiệt độ trên từ 41 – 41,7 độ C; ngưỡng độ mặn của là 11 – 12‰, ngưỡng pH thấp là 3,5 – 4,5 và ngưỡng oxy là 0,53 – 0,77 mg/L.

Đặc điểm dinh dưỡng

Hệ tiêu hoá của thát lát cườm gồm miệng, thực quản, dạ dày và ruột. Cá có miệng trước, rộng, rạch miệng xiên và kéo dài ra khỏi mắt, xương hàm trên phát triển. Răng nhiều, nhọn mọc ở hàm dưới trên phần giữa xương trước hàm, trên xương khẩu cái, xương lá mía và lưỡi. Ngoài ra còn có đám răng nhỏ mịn trên xương bướm phụ, vì vậy chúng có thể bắt giữ, cắn xé con mồi. Thực quản của cá ngắn, rộng và có vách hơi dày. Dạ dày hình chữ J có vách hơi dày. Ranh giới giữa ruột non và ruột già không phân biệt rõ ràng. Tỉ lệ Li/L0 = 0,3 cho nên đây là loài ăn động vật (Dương Nhựt Long, 2003).

Xem thêm :  Mâm cúng thôi nôi đầy năm trọn gói giao tận nhà (free ship)

Trần Thị Thanh Hiền và ctv. (2007) đã xác định tỉ lệ chiều dài ruột và chiều dài thân (Li/Ls) của cá thát lát cườm từ ngày tuổi thứ 5 đến 30 biến đổi ít, dao động từ 0,31 – 0,5 và cá giai đoạn 30 ngày tuổi đã thể hiện tính ăn động vật.

Theo Mai Đình Yên (1983) cá thát lát (Noptopterus) thuộc nhóm ăn tạp, trong ống tiêu hóa của chúng đã bắt gặp côn trùng, giáp xác, phiêu sinh thực vật, rễ thực vật thủy sinh, cá con, nhuyễn thể và bùn đáy. Trong dạ dày cá thát lát (Notopterus notopterus Pallat) cỡ cá 99 – 281 mm có 25,09% là giáp xác và 17,41% là cá, 14,95% côn trùng, 14,51 mùn bả hữu cơ, 20,18% mảnh thực vật, 0,4% tảo, 0,11% nguyên sinh động vật và 0,47% động vật thân mềm (Hossain et al., 1990). Trong khi đó, thức ăn ưa thích của thát lát cườm (Chitala chitala Hamilton) là giáp xác, côn trùng, nhuyễn thể và cá. Cá và tép là loại thức ăn ưa thích nhất của chúng. Cá chiếm tỷ lệ từ 20,05 – 40,65% trong dạ dày cá còm, còn giáp xác chiếm 3,5 – 38,39% và các tỷ lệ này phụ thuộc vào các vùng sinh sống khác nhau của thát lát cườm ở Ấn Độ (Sarkar and Deepak, 2009). Thành phần thức ăn trong ống tiêu hóa của thát lát cườm gồm có tảo lục (4%), tảo khuê (4%), tảo lam (3%), giáp xác (10%), nguyên sinh động vật (5%), mùn bả hữu cơ (3%), nhuyễn thể (13%), luân trùng (4%), côn trùng (15%), thực vật bậc cao thủy sinh (5%), cát và bùn (4%), cá (28%) và một số thức ăn không xác định được (2%) (Sarkar and Deepak, 2009).

Cá thát lát cườm rất dữ. Cá tấn công những con cá khác để làm mồi khi đói. Khi bị sốc môi trường hoặc thay đổi mồi ăn đột ngột chúng có thể bỏ ăn cho đến khi kiệt sức và nhiễm bệnh chết. Do đó trong điều kiện nuôi không nên gây sốc môi trường hay thay đổi mồi đột ngột mà phải tập cho cá quen dần với thức ăn mới và cho cá ăn đúng giờ (Nguyễn Chung, 2006).

Do cá thát lát cườm có đặc tính ăn động vật nên khi sử dụng thức ăn hỗn hợp các hàm lượng carbohydrate cao để nuôi cá thì chúng phải được tập cho ăn từ nhỏ Phạm Minh Thành và Nguyễn Văn Kiểm, 2004).

Đặc điểm sinh trưởng

Từ cá bột mới nở đến cá con 3 – 4 cm mất khoảng 30 – 40 ngày. Cá chậm lớn và phải mất thêm 30 – 40 ngày nữa cá mới đạt chiều dài 12 – 15 cm. Trong nuôi thương phẩm, từ tháng thứ 3 cá tăng trọng nhanh, sau 6 tháng nuôi cá có thể đạt khối lượng 400 – 500 g và sau 1 năm nuôi cá có thể đạt 1 kg. Mỗi năm cá có thể tăng trọng thêm 1 – 1,2 kg (Nguyễn Chung, 2006).

So với cá cùng họ thì cá thát lát cườm (Chitala chitala) có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn cá thát lát thường (Notopterus notopterus). Cá tăng trọng nhanh, thông thường cá sau 1 năm tuổi có chiều dài trung bình khoảng 30 – 40 cm và nặng từ 800 – 1.200 g/con. Trong ao nuôi, cá thát lát cườm có thể đạt kích cỡ 500 – 600 g/con sau 6 tháng nuôi (Dương Nhựt Long, 2003).

Theo Sarkar et al. (2008) cá thát lát cườm thu được từ lưu vực sông Bhagirati, Koshi, Saryu và Ganga lớn nhất 6 năm tuổi tương ứng với chiều dài cá từ 103,3 – 107,4 cm. Cá thát lát cườm bắt được ở lưu vực sông Banga, Ấn Độ có chiều dài từ 31 – 120 cm và khối lượng từ 0,55 – 12,0 kg (Sarkar et al., 2009).

Đặc điểm sinh sản và sản xuất giống cá Thát Lát Cườm

Cá Thát Lát Cườm cái thành thục khoảng 3 năm tuổi, còn cá đực thành thục sớm hơn, khoảng 2 năm tuổi (Sarkar et al., 2007). Cá bố mẹ thát lát cườm được nuôi vỗ bằng thức ăn tươi sống gồm cá nhỏ, cá rô phi và tép và hệ số thành thục của cá thát lát cườm cái đạt cao nhất vào tháng 6 với giá trị là 4,63 ± 0,50% (Kohinoor et al., 2012). Theo Phạm Phú Hùng (2007), cá thát lát cườm được nuôi vỗ sau 4 tháng sẽ thành thục. Cá đẻ trứng vào giá thể là vật liệu cứng. Ống nhựa có đường kính 25 cm được cá ưa thích hơn tấm Fibrociment có kích thước 30 x 200 cm. Phạm Minh Thành và ctv. (2008) khẳng định sinh sản cá thát lát cườm nhân tạo hay bán nhân tạo đều đạt hiệu quả cao. Cá được nuôi vỗ tham gia sinh sản 3 lần trong năm với thời gian tái thành thục khoảng 37 ngày. Sức sinh sản tương đối của cá là 432 – 535 trứng/kg cá cái (720 – 783 trứng/con cá cái). Theo Kohinoor et al. (2012), sức sinh sản của cá thát lát cườm từ 5,65 – 14,33 trứng/g cá cái hay 8.238 – 18.569 trứng/con cá cái.

Xem thêm :  Lá thư gửi mẹ

Thức ăn cần thiết cho cá bột trong quá trình ương ở tuần đầu là động vật phiêu sinh. Từ tuần thứ hai thức ăn là trùn chỉ và Moina (Phạm Phú Hùng, 2007). Sarkar et al. (2008) cho rằng ương cá thát lát cườm trong giai lưới sử dụng thức ăn là trứng cá trôi Ấn Độ đã đẻ ra (< 8 mm), trùn chỉ sống, và trứng cá (thu trứng này bằng cách giải phẫu cá Puntius ticto). Sau 28 ngày, tỷ lệ sống của cá dao động từ 65 – 85%. Cá thát lát cườm được ương 30 ngày trong bể với 4 loại thức ăn là trùn chỉ, ấu trùng muỗi đỏ, phiêu sinh động vật và lăng quăng cho tỷ lệ sống của cá từ 80 – 100%; đối với thức ăn là phiêu sinh động vật và lăng quăng cho tỷ lệ sống của cá thát lát cườm là 100%.

Hiện nay, có nhiều cơ sở sản xuất giống và ương Thát Lát Cườm ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp giống cá thát lát cườm phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm đối tượng có giá trị kinh tế cao này. Theo Chi cục Thủy sản Hậu Giang, năm 2006 lượng giống cá thát lát cườm trong tỉnh sản xuất được là 3,5 triệu con.

Kinh nghiệm nuôi cá Thát Lát Cườm

Điều kiện ao nuôi

  • Diện tích ao nuôi trong khoảng 500 – 3.000 m2, có thể nuôi ở diện tích lớn hơn tùy theo điều kiện của từng hộ nuôi. Độ sâu nước ao từ 1 – 1,5 m.
  • Ao gần nơi có nguồn nước sạch và có cống cấp thoát nước chủ động.
  • Bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm là 0,5 m, ao phải có cống tràn để thuận tiện trong việc điều chỉnh mực nước trong ao .
  • Trên bờ ao không nên trồng nhiều cây to, che ánh nắng mặt trời.

Chuẩn bị ao nuôi

  • Tát cạn ao, vét bùn.
  • Tu sửa bờ ao, lấp lỗ mọi, chống rò rỉ, mất nước, chống cá khác vào ao.
  • Bón vôi: thường dùng là vôi bột, bón 7 – 10 kg/100 m2 ao. Những ao hơi bị phèn thì bón nhiều hơn, có thể tới 15 kg/100 m2.
  • Phơi đáy ao: nếu gặp trời nắng mà phơi được đáy ao vài ngày là tốt nhất. Nhưng lưu ý là những vùng đất bị nhiễm phèn thì không nên phơi lâu, chỉ cần phơi ráo mặt là tốt nhất, không nên phơi nứt nẻ chân chim.
  • Bón phân gây màu: có thể dùng phân gà (7 – 10kg/100m2 ao), phân heo (20kg/100m2 ao), hoặc phân xanh (các loại lá xanh, tốt nhất là lá cộng sản (bồ ít)) để bón lót cho ao từ 15 – 20 kg/100 m2 ao. Cũng có thể dùng phân vô cơ: DAP, NPK,… để bón gây màu nước.
  • Lấy nước cho ao 0,3 – 0,5m ngâm 3 – 5 ngày, sau đó mới cấp nước cho ao đủ độ sâu cần thiết từ 1,2 – 1,5 m.

Thả cá

  • Mật độ thả 7 – 15 con/m2
  • Kích cỡ cá 4 – 6 cm/con
  • Cá khỏe mạnh, không xây xát, không dị hình, đồng cỡ.
  • Vận chuyển và thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh sốc nhiệt độ.
  • Ngâm bao cá trong ao từ 10 – 15 phút, sau đó mở miệng và khoát nước vào bao cho cá từ từ bơi ra ngoài.

Thức ăn và thu hoạch

  • Sử dụng thức ăn tươi sống: tép, cá tạp, ốc,… hay phụ phẩm từ các nhà máy chế biến. Có thể tập dần cho cá ăn thức ăn công nghiệp để chủ động nguồn thức ăn cho cá.
  • Khẩu phần thức ăn: 5 – 7% trọng lượng cá/ngày.
  • Làm sàn thả thức ăn để dễ kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày.
  • Cho ăn ngày 2 lần.
  • Định kỳ bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá, liều lượng Vitamin C khoảng 1% lượng thức ăn .
  • Hàng ngày kiểm tra hoạt động của cá để phát hiện những bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Sau 8 – 10 tháng cá đạt trọng lượng 0,5 – 1kg/con thì có thể thu hoạch.

Các bệnh thường gặp ở cá Thát Lát Cườm

Bệnh xuất huyết, đỏ lườn

Dấu hiệu bệnh lý

Cá thát lát bệnh có dấu hiệu xuất huyết ở vây, gan, thận và tỳ tạng. Cấu trúc mô mang, gan, thận và tỳ tạng có biến đổi chủ yếu gồm xung huyết, xuất huyết và hoại tử. Cấu trúc mô da cơ thì không có sự thay đổi. Cá thường bị bệnh xuất huyết trong 2 tháng đầu của vụ nuôi.

Nguyên nhân

Do vi khuẩn Aeromonas hydrophila chủng H1F39 và D2F71. Độc lực LD50 của 2 chủng vi khuẩn khá cao, chủng vi khuẩn H1F39 có giá trị LD50 là: 4,06 x 103 CFU/ml và D2F71 với LD50 là 1,26 x 104 CFU/mL.

Xem thêm :  3 cách làm thịt chồn hương: xào lăn, hấp sả, chồn hương rựa mận

Phòng và trị bệnh

Điều trị bệnh nhiễm khuẩn bằng cách trộn một trong các loại kháng sinh: florfenicol, flumequine, doxycycline, cefotaxime, trimethoprim+sulfamethoxazol,… với liều lượng 1g/kg thức ăn cho cá ăn liên tục 5 ngày. Sau đó bổ sung Vitamin C và men tiêu hóa với liều lượng 3g/kg thức ăn trong 3 ngày để tăng sức đề kháng bệnh cho cá. Tuy nhiên, khi điều trị bệnh khi khuẩn cho cá cần lưu ý vi khuẩn Aeromonas hydrophyla trên cá thát lát đã kháng với một số dòng vi khuẩn ampicillin, cefazolin và colistin, streptomycin (Trần Thị Mỹ Hân, 2013). Kết hợp với xử lý môi trường nước bằng muối hoặc hóa chất sát khuẩn như BKC 80% với liều lượng 1lit/2.000 m3, hoặc dùng thuốc tím (KMnO4) tắm cho cá, liều dùng 4g/m3. Xử lý vôi và muối khi trời mưa bão để ổn định môi trường. Bệnh xuất huyết được phòng bệnh bằng cách sử dụng thảo dược chiết xuất từ lá diệp hạ châu hoặc cây cỏ mực trộn vào thức ăn cho cá ăn định kỳ hàng tuần để nâng cao tỷ lệ sống và tăng sức đề kháng cho cá (Phạm Minh Khá, 2013).

Bệnh đốm đỏ, trương bụng

Nguyên nhân: bệnh do vi khuẩn Edwardsiella tarda gây ra.

Dấu hiệu bệnh lý: cá bị đốm đỏ trên thân, xuất huyết ở vây, vòm miệng và mắt, cá có dấu hiệu trương bụng, khoan bụng chứ đầy dịch vàng và tỳ tạng bị tổn thương.

A: Cá xuất huyết vây và vòm miệng
B: Hoại tử và xuất huyết da
C: Đốm đỏ trên thân và mắt
D: Dịch vàng ở bụng và xuất huyết tỳ tạng

Phòng và trị bệnh

Trị bệnh bằng một trong các loại kháng sinh: amoxicillin kết hợp với clavulanic acid, flofenicol, cefotaxime, doxycylline, cephalexin, cefazolin. Tuy nhiên, bệnh vi khuẩn Edwardsiella tarda trên cá thát lát kháng với một số kháng sinh trimethoprim+sulfamethoxazol, norflox, oxytetracylin, ampicilin, rifarmpicin và navobiocin (Trần Minh Thuật, 2013).

Bệnh lở loét

Dấu hiệu bệnh lý: cá bị xuất huyết, lở loét và các vết loét lan rộng toàn thân. Mang, hậu môn bị xuất huyết và viêm nặng. Bụng chứa nhiều dịch nhờn. Khi các vết loét ăn vào tới xương thì cá sẽ chết.

Nguyên nhân: bệnh lở loét gây ra bởi virus Rhabdovirus. Virus thường xâm nhập qua đường ruột, mang, mắt, các vết trầy xước trên cơ thể cá.

Phòng và trị bệnh

Đối với bệnh này thì không có thuốc đặc trị, phòng bệnh là chính. Định kỳ 2 tuần xử lý nước ao nuôi bằng các loại hóa chất diệt khuẩn như: tạt vôi liều lượng: 2 kg/100 m3, tắm cho cá bằng muối ăn 1% trong 30 phút, hoặc tắm bằng thuốc tím KMnO4 (liều lượng 10 g/m3) từ lô đến 30 phút. Khi cá có dấu hiệu bệnh lý, trộn các loại kháng sinh amoxicillin, doxycylline, cephalexin vào thức ăn hàng ngày của cá, thực hiện liên tục trong 5 ngày. Định kỳ bổ sung vitamin C và Premix khoáng vào thức ăn nhằm giúp cá tăng cường sức đề kháng bệnh.

Bệnh nấm

Dấu hiệu bệnh lý: da cá xuất hiện vùng trắng xám có những sợi nhỏ mềm, sợi nấm phát triển mạnh đan chéo nhau thành từng búi như bông.

Trị bệnh: nấm trên cá bằng cách tắm Formol (20ppm ngâm sau 24 giờ), antizol (30ppm ngâm sau 1 giờ), bằng Xanh Methylen.

Bệnh ký sinh trùng

Ngoại ký sinh: bệnh trùng bánh xe, bệnh trùng quả dưa. Dấu hiệu bệnh lý: thân cá có nhiều trùng bám thành hạt lấm tấm nhỏ màu trắng đục có thể nhìn thấy bằng mắt thường cá nổi lên mặt nước lờ đờ. Diệt ngoại ký sinh bằng cách tắm cho cá trong nước muối 1% hoặc phun trực tiếp CuSO4 nồng độ 0,5 – 0,7ppm xuống ao. Ngoài ra, dùng có thể dùng Formol nồng độ 25 – 30ml/m3 tắm cá để diệt ngoại ký sinh.

Nội ký sinh: Các loại sán lá đơn chủ 16 móc, sán lá 18 móc, giun tròn, … Xử lý bệnh nội ký sinh cho cá bằng cách định kỳ sổ nội ký sinh bằng Praziquantel, Vimax, Ivermectin, trộn vào thức ăn cho cá ăn liên tục 3 ngày định kỳ 1 lần/tháng.

Trên đây BaoKhuyenNong đã giới thiệu đến các bạn những thông tin về cá Thát Lát Cườm như đặc điểm, kinh nghiệm nuôi và một số bệnh thường gặp ở cá Thát Lát Cườm và cách điều trị. Hy vọng bài viết này cung cấp thêm kiến thức để bà con nông dân tham khảo giúp cho việc nuôi cá Thát Lát Cườm hiệu quả hơn.


Nuôi cá Thát Lát Cườm hiệu quả kinh tế cao


Kết nối và chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản :
Chị Huỳnh Thị Thủy ở xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân là người nuôi cá thác lác rất thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao.
nuoitom cathaclac nuoica nuoiluon thuysan thuysanbaclieu

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Cây Xanh

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button