Tổng Hợp

C.P, Masan, Vissan và cuộc đua “Từ trang trại đua về bàn ăn”

Công thức 3F (Feed – Farm – Food) thu hút những cái tên lớn nhất trong thị trường thực phẩm Việt Nam tham gia.

Doanh nghiệp (DN) nước ngoài chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, sau đó chi phối luôn mảng phân phối, bán lẻ thực phẩm sạch là điều đã được dự báo trước.

Hàng loạt mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín được hình thành như “Từ trang trại đến bàn ăn” hay công thức “3F” được hình thành, mô hình giống nhau nhưng mục tiêu khác nhau: một bên phòng thủ và một bên tấn công để giành quyền chi phối, lôi kéo những cái tên lớn nhất trong thị trường thực phẩm Việt Nam tham gia như C.P, Masan, Vissan, GreenFeed hay Anco…

Ăn trọn miếng bánh lớn

Nhắm trước hết đến thị trường thức ăn chăn nuôi trị giá vài tỷ USD mỗi năm, nhưng sau đó, Masan sẽ hướng đến mô hình tích hợp theo chiều dọc từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm đến phân phối, bán lẻ thực phẩm đã qua chế biến.

QUẢNG CÁO

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, tổng sản lượng thức ăn công nghiệp năm 2012 khoảng 13,5 triệu tấn, trong đó có 2,5 – 3 triệu tấn thức ăn nuôi thủy sản, còn lại dành cho gia súc, gia cầm.

Doanh số cho toàn thị trường thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đạt xấp xỉ 6 tỷ USD, song nguyên liệu nhập khẩu chiếm 60% về lượng và 50% về giá trị.

Một thương vụ gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là việc Masan mua lại 40% cổ phần của Proconco – công ty nổi tiếng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đang sở hữu thương hiệu Con Cò.

Theo công bố của Masan, giá trị thương vụ lên tới 96 triệu USD, gần gấp đôi số tiền một năm trước Masan Group bỏ ra để thâu tóm Vinacafé Biên Hòa.

Masan rốt ráo nhảy vào thị trường này vì ước tính giá trị của thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam lên tới vài tỷ USD mỗi năm nhưng còn khá manh mún với hơn 240 nhà sản xuất, 70% thuộc về các DN nước ngoài.

Có công suất 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm, hiện Proconco đang chiếm khoảng 11% thị phần, chỉ xếp sau Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam (chiếm khoảng 18% thị phần) và bỏ xa nhiều nhà cung ứng phía sau như Cargill (776.000 tấn), và Japfa Comfeed và Dobaco (cùng 520.000 tấn)…

Thông cáo báo chí của Masan Consumer – công ty con và là đơn vị nhận chuyển giao 40% cổ phần của Proconco từ Masan Group hé lộ động cơ thương vụ: “Mua lại Proconco đặt nền móng cho Masan Consumer tham gia vào phân khúc thị trường cung cấp chất đạm (thịt, cá, hải sản) đầy tiềm năng tăng trưởng, dựa trên cơ sở gia tăng của dân số Việt Nam và mức độ tiêu thụ đạm/đầu người ngày càng gia tăng”.

Masan Consumer còn cho biết, để thực hiện được mục tiêu, một chuỗi giá trị “giống sạch – thức ăn sạch – nuôi sạch – chế biến sạch- phân phối bảo quản sạch” sẽ được xây dựng.

Về hướng đi này, Bản Việt đánh giá Masan sẽ xây dựng bộ phận chế biến thịt và đưa Proconco sang mô hình tích hợp theo chiều dọc từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm đến phân phối bán lẻ thực phẩm đã qua chế biến.

Thông tin đánh giá cuối cùng cho thấy Masan cũng đang nhắm đến mô hình chuỗi sản xuất sạch khép kín mà hiện nay nhiều DN trong nước đang phải chạy đua với các đối thủ nước ngoài như “Từ trang trại đến bàn ăn” hay “3F”…

Có lẽ quan tâm nhất đến thương vụ của Masan sẽ là C.P Việt Nam. Công ty thuộc Tập đoàn CP (Thái Lan) này đang có nhiều đầu tư để “hiện thực hóa” chuỗi sản xuất sạch với công thức 3F (Feed – Farm – Food) với 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi theo hệ thống, bắt đầu từ con giống có chất lượng cao cho đến hệ thống chăn nuôi hiện đại heo, gà thịt, gà đẻ, tôm và cá; và đã đưa ra thị trường trong nước từ thịt tươi, trứng đến các sản phẩm chế biến, ăn ngay.

Năm 2011, C.P Việt Nam đã tuyên bố xây dựng chuỗi 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước cung cấp thực phẩm sạch với tên gọi C.P. Freshmart, C.P. Shop.

Theo ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó tổng giám đốc C.P Việt Nam, việc xây dựng chuỗi 10.000 cửa hàng phân phối là bước đi cuối cùng trong việc khép kín quy trình kinh doanh, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống, đầu tư trang trại chăn nuôi, chế biến và phân phối thực phẩm đến tay người tiêu dùng.

C.P đang chiếm khoảng 5% thị phần thịt heo, 30% thị phần thịt gà ở thị trường cả nước. Vì vậy, bước đi của C.P buộc các đối thủ phải theo dõi sát sao trong nỗ lực cạnh tranh xây dựng các chuỗi siêu thị, điểm bán lẻ thực phẩm an toàn ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương…

Sở dĩ đây là một động thái khiến nhiều DN trong nước lo ngại vì việc DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, sau đó chi phối luôn mảng phân phối, bán lẻ thực phẩm sạch là điều đã được dự báo trước.

Từ trang trại đua về bàn ăn

Các công ty trong nước như Vissan đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng cụm công nghiệp thực phẩm khép kín. Nhiều doanh nghiệp khác được sự hậu thuẫn của Metro Cash & Carry, Big C hay Co.opMart cũng gia nhập chuỗi thực phẩm trị giá hàng triệu USD.

Với quyết tâm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu và chất lượng nông sản, thực phẩm Việt Nam, mới đây, UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng mô hình điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại TP.HCM giai đoạn 2011-2015”.

Theo đề án này, dự kiến tổng sản lượng nông sản, thực phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn sẽ đạt trên 15% tổng sản lượng nông sản, thực phẩm cùng loại được tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM vào cuối năm 2012 và trên 50% vào cuối năm 2015.

Nhận thấy đây là xu hướng tất yếu của thị trường, thời gian qua, các DN trong nước đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi, chế biến để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Trong đó, Công ty Ba Huân đầu tư xây trang trại chăn nuôi tại Bình Dương trên diện tích 18ha và dự kiến trang trại này sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm sau, cung ứng khoảng 62,5 triệu trứng gà/năm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Không chỉ có Ba Huân, trước đó, vào cuối năm 2011, Công ty Vissan cũng đã đầu tư 2.600 tỷ đồng để xây dựng cụm công nghiệp thực phẩm khép kín, tạo tiền đề hướng tới việc sản xuất sạch, an toàn “Từ trang trại đến bàn ăn”.

Để có những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bốn năm qua, hệ thống siêu thị Big C và Co.opMart đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực hàng nông sản, thực phẩm truyền thống.

Trước đó, ngay từ khi mới vào Việt Nam, Metro Cash & Carry cũng đã triển khai dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản tươi chất lượng cao cho thị trường nội địa” với kinh phí khoảng 1 triệu USD.

Dự án này triển khai áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Metro (Metro GAP) đối với một số sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng cho thị trường nội địa; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm và nuôi trồng thủy sản bền vững.

Quy mô nhỏ hơn nhưng Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) cũng đã khép kín được quy trình sản xuất. Cơ cấu tổ chức Anco là một khối liên kết thống nhất gồm 4 công ty, kinh doanh trong các lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc và thực phẩm chế biến.

Ông Hứa Cao Trí, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Gia đình Anco (Anco Family Food), thành viên của ANCO, cho biết, ngoài việc đảm bảo chất lượng thì việc khép kín được quy trình sản xuất nông nghiệp với công thức 3F có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau trong các mảng. Nhờ vậy, lợi thế cạnh tranh cũng rất cao.

Đơn cử như việc sản xuất các sản phẩm của Anco Family đã có nguồn nguyên liệu đảm bảo, ổn định giá cả nhờ hệ thống trại chăn nuôi Anco. Như vậy, với các DN cùng ngành, Anco Family giảm thiểu được rủi ro từ phía đối tác cung cấp nguyên liệu.

Theo ông Trí, để có được chuỗi sản xuất này, yếu tố đầu tiên là vốn đầu tư, quy mô đầu tư phải lớn. Bênh cạnh đó là sự am hiểu và có khả năng bao quát, thâm nhập đa ngành.

Đây chính là hai điều kiện mà DN Việt Nam còn hạn chế. Do vậy, số DN thực sự sở hữu được chuỗi sản xuất tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhiều.

Tháng 8/2003, Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam thành lập với vốn đầu tư lên đến hơn 80 triệu USD. Gần 10 năm phát triển với tốc độ rất cao nhưng giấc mơ có được chuỗi thực phẩm sạch của GreenFeed vẫn chưa thể thành hiện thực.

Theo ông Bùi Quang Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH GreenFarm Việt Nam, để xây dựng được một chuỗi sản xuất thực phẩm không đơn giản mà phải chuẩn bị trong một lộ trình khá dài. DN phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc tất cả các thành phần có mặt trong chuỗi thì mới được gọi là chuỗi hoàn thiện.

Thay vì phải nhập khẩu giống như hiện nay, GreenFeed sẽ có nguồn giống riêng, đảm bảo khâu đầu tiên của chuỗi sản xuất. “Dự kiến, đến cuối 2013, GreenFeed mới có con giống, và như vậy, theo quy trình thì phải qua năm 2014 mới có heo thịt ra thị trường”, ông Nghĩa tiết lộ.

QUẢNG CÁO

Chuỗi liên hoàn chưa kín

Eo hẹp về tài chính và chuyên môn, việc khép kín chuỗi thực phẩm đối với nhiều DN trong nước ngày càng trở nên khó khăn.

Mục tiêu thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn đã rõ nhưng nhiều DN vẫn lo ngại về việc liên kết của các cơ sở áp dụng quy trình này trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng (trang trại, cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, đóng gói, cơ sở kinh doanh) chưa được chặt chẽ.

15%

UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng mô hình điểm và triển khai thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn tại TP.HCM giai đoạn 2011-2015”.

Theo đề án này, dự kiến tổng sản lượng nông sản, thực phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn sẽ đạt trên 15% tổng sản lượng nông sản, thực phẩm cùng loại được tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM vào cuối năm 2012 và trên 50% vào cuối năm 2015.

Hơn nữa, việc phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng là một thách thức đối với nhiều DN bởi chi phí vốn rất lớn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ giết mổ và duy trì hệ thống phân phối.

Ông Trương Vĩnh Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, một trong số ít DN được thành phố chọn triển khai chuỗi thực phẩm sạch cho biết, không dễ để triển khai, hoàn thiện được chuỗi sản xuất bởi DN Việt Nam gặp rất nhiều hạn chế bởi eo hẹp về tài chính lẫn chuyên môn.

Theo ông Thiện, với lượng trứng bán ra thị trường bình quân 500.000 quả/ngày, Vĩnh Thành Đạt không thể tổ chức chăn nuôi mà phải liên kết. Tuy nhiên, phương án này cũng không mấy khả thi. Bởi, hơn một năm nay, DN này vẫn khó thể tìm được tiếng nói chung với đơn vị chăn nuôi trong việc chọn con giống nào, sử dụng thuốc gì, thức ăn gì…

Ngay cả với C.P Việt Nam, được xem là đã hoàn thiện được công thức 3F thì việc đưa sản phẩm ra thị trường cũng không đúng với kế hoạch mà đơn vị này hướng đến.

Chủ yếu, sản phẩm của C.P vẫn chỉ có mặt trong các siêu thị lớn, và thị trường bên ngoài siêu thị xem như bỏ ngỏ. Mở cửa hàng thì dễ nhưng để cửa hàng hoạt động có lãi là cả một vấn đề trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, thừa nhận, hai năm nay, Vissan đã triển khai chương trình chuỗi thực phẩm từ “trang tại đến bàn ăn” nhưng đến nay vẫn chưa thể công bố về chương trình này.

“Muốn làm được điều này thì DN phải đầu tư từ khâu nuôi trồng, chế biến đến phân phối. Hiện tại Vissan đã thực hiện tốt khâu chế biến nhưng nguồn nguyên liệu vẫn chưa chủ động được”, ông Mười nói.

Dù đã cố gắng nhưng Vissan mới chỉ có thể chủ động được 20% nguyên liệu, 80% nguồn heo giết mổ phải mua từ các trại chăn nuôi vệ tinh và từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

* Nguồn: CafeBiz

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Cây Xanh

Xem Thêm :   trồng mai vàng bonsai tốt | Lãi lá mai vàng miền bắc 2020 | Mai Vàng Nhanh Tốt Đạt Hiệu Quả

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tổng Hợp
Xem thêm :  Luyện nghe tiếng Anh cơ bản: 25 bài nghe ngắn thú vị

Related Articles

Back to top button